[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912)
Chương 4 : Làm nghĩa lâm vào nơi Dũ lý, Nhớ ơn trải mật chốn Tụng đình
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 11:04 23-09-2018
.
Ó bèn hỏi Đạo, sao quên nghĩa áo cơm, Đạo lạy dài phân rõ nguồn cơn, tỏ mọi việc oán hờn ngày trước. Lẽ đâu dám đem lòng bạo ngược, vì dại nên nghe tiếng dỗ dành, ngày anh vô đem bức tin lành, Hà Hương mới biến sanh quỉ kế. Xin thứ tội tôi nguyền cạn kể, việc Hà Hương lập thế nầy ra.
Bởi vì chưng anh ở đàng xa, không rõ lạc vào nhà Hà thị; tại anh không dè dặt tỏ bày sự lý, Hà Hương nghe ngụ ý dối xưng; rằng: “Chủ tôi cậy tới phải vưng, qua ở coi chừng sau trước. Nào có phải là cô hai Phước, nàng vốn thiệt Hà Hương; nhà chủ tôi còn ở xa đường, chốn ấy là nhà tư của cổ. Sai ba Trạnh kêu anh em tôi dụ dỗ, ép một hai phải đi, hễ đi về rồi chẳng lỗ mất công, bởi nghèo nên nghe nói mừng lòng, cực khổ chẳng phiền, miễn có hơi đồng vui dạ. Bởi vì chưng nó lạ, e Nguyệt thị nghi nan, nên cậy tôi đến đó rước nàng, miễn rước cho đặng rồi về để mặc nó, về bán lộ lo phang hạ sát. Vì buổi trước hại nàng chưa thác, nay quyết chẳng nhơn tay, nếu mà để cô về tới Bến Tre lửa ác cháy mày, tâm sự lậu ra khốn nạn. Tôi đâu dám tham tài hại mạng, bởi dại không quyết đoán nghe lời, đến việc rồi mới rõ sự đời, muôn việc ở trời sở định. Xin cô đừng bịn rịn, xả tội cho tôi mau tính lên đàng, ở đây xa xóm cách làng; đồ heo, bỏ thây nó đó cho chó ăn, ai biết đặng thổi lông tìm vít.”
Nghe tự sự Nguyệt Ba ngồi thút thít, vì chồng tôi khăng khít với Hà Hương, mê phấn son xẻ nửa can thường, ham bóng sắc thiếp phải lâm ương từ ấy. Thôi thôi, nói vậy thì hay vậy, về rồi mới thấy ngay gian; mau mau sắm sửa lên đàng, đừng để dở dang cực khổ.
Ó nghe liền cười rộ, “tánh phụ nhơn hẹp lượng chẳng suy, đứng trong đời há để người khi, giết thì chịu trốn đi cho nhục. Muội nương đừng sùi sụt, để mặc ta ra chịu giữa quan, quan chẳng minh ta có lâm nàn, ngàn tử cũng an thửa dạ.”
Vừa dứt tiếng bỗng người đâu lạ, đầu hoa râm tướng tá ốm ròm, thấy tử thi kêu hú om sòm, các tiều lão chòm nhom lại đó. Kẻ thì đi nổi mõ, người bắt Ó trói mèo, Đạo cũng bị trói heo, Nguyệt Ba theo than thỉ.
Người khắp trong hương lý, nghe mõ chạy tưng bừng, làm rúng động cả rừng, chồn heo chung hang trốn, tưởng lệ quan làm rộn, cùng beo cọp chơi nhăng, kẻ thước bản người roi săn, bốn phía lăng xăng tựu lại. Xem qua kinh hãi, xúm nhau khiêng hai cái tử thi, dẫn Ó Đạo ra đi, Nguyệt Ba với thị tùy theo dõi.
Tới nhà hội mõ làng inh ỏi, miệng xóm giềng kêu gọi rền tai, chú Hương chú Xã mới sai, Trùm đi mời Chủ Cả. Người tựu coi đông quá, coi chú Xã vấn tra, đau chơn Ó chẳng thèm la, hả miệng Đạo khóc cha khóc mẹ, Ó mới tỏ bày mọi lẽ, chú Xã lấy khẩn cung, Đạo kể việc thỉ chung, Phó thôn đâu đóng gông nó lại coi, Biện làm khai giải nạp.
Khi Biện làm khai khống xong xuôi, làng mới phái hai tên chức việc là Hương hào và Tri sự bắt bốn tên dân canh giữ Ó Đạo với Nguyệt Ba, thị tùy nghiêm nhặt hết sức, còn Xã trưởng thì tuốt ra báo quan.
Tại tỉnh Bình Thuận có Quan phủ, quan Án sát và quan Tuần phủ. Quan Tuần phủ vốn người ở Huế, tánh rất thông minh công bình có một, ngồi tại tỉnh mấy năm trẻ già yêu mến. Quan Án sát vốn người Hà nam bổn tánh ngay thẳng, chẳng hề lạm thực dân tiền; công thì hưởng, tội thì trừng, minh đoán hẳn hòi chẳng tư chẳng vị. Còn Quan phủ vốn người Quảng Nam, bổn tánh chần chờ, không hay quyết đoán.
Bữa nọ Quan phủ đang ngồi khách, Xã trưởng vào bẩm báo sự tình, Quan phủ nghe nói dựng mày quở la quá lẽ. Quan phủ lật đật lên tỉnh báo cho Quan Án và Quan Tuần hay. Quan Án dạy về phái người vào làng lấy khai khống nội vụ phân minh, đem về nha, Quan Phủ tra hỏi rồi giải lên cho ta kết án. Quan phủ dạ dạ trở về, phái thầy Thông hình, thầy Đề lại, thầy Cai dẫn lính lệ đôi tên, đi suốt ngày đêm vào làng cật vấn.
Tới làng Xã trưởng biểu Phó thôn nổi mõ, chức việc tựu rất đông, lễ vật tiếp mừng rượu trà thết đãi. Cơm nước xong xuôi, nghỉ một chập. Đề lại và Thông hình mới bảo làng đem khai khống ra coi, coi rồi bảo dẫn Ó ra tra hỏi.
Ó mới bẩm: “Tôi vốn sanh đẻ tại Hòn Bà, cha mất sớm còn một mẹ già, nhà nghèo, chuyên nghề đánh cá đổi tiền, tháng ngày nuôi mẹ.
Nguyên cách chừng sáu tháng nay tôi quá giang vào Sài Gòn buôn bán. Khi thuyền neo tại Mỹ Tho, tên Trạnh kêu là Đạo Y tới nhỏ to cùng lái, trưa lại có chiếc tiểu thuyền chở một người đờn bà chữa là người nầy: tên là Nguyệt Ba với một con thị tùy ngồi đó; đem tới; cả hai đều nằm mê mẩn chẳng biết cớ gì Trạnh mới lột vàng chuỗi của Nguyệt Ba đem qua đưa cho lái, dặn dò điều chi không rõ, bồng Nguyệt Ba với thị tùy bỏ qua ghe bầu rồi đạp tiểu thuyền chèo đi mất.
Lái ghe bầu khiến bạn kéo neo chạy; khi ra khỏi cửa Vũng tàu, mênh mông đại hải, lúc thuận buồm xuôi gió, lái mới kêu bạn lại mà nói rằng: “Trạnh đưa vàng mướn nịch thủy hai người phụ nữ, vậy thì anh em ăn đồng chia đủ, mỗi người lãnh lấy phần mình, rồi có ra tay quăng xuống biển.”
Tôi không đành lòng, cản lại, lấy lời êm thuận phân trần vàng vòng kiến lại cho các anh, phần tôi thì cho tôi xin hai người phụ nhơn khỏi nạn.
Tôi mới đem về Hòn Bà mẹ con tôi nuôi dưỡng, cho tới kỳ nở nhụy khai hoa; sanh thằng nhỏ còn bồng trên tay đó. Nguyệt Ba buồn bã việc nhà, mới tả nang thơ biểu tôi đi Bến Tre tìm chồng nàng mà nói.
Ở chốn Cồn cư tới chợ, bước đường ngần ngại lắm thay, tới một cái nhà chẳng biết chủ là ai, đi đại vào hỏi thăm họ Đậu. Vào thấy một nàng ngồi giữa, tuổi chừng lối đôi mươi, nàng làm sao mà mày tằm mắt phụng môi son, dung nhan đành có một. Tôi mới bước lại gần làm lễ, hỏi thăm nhà họ Đậu chốn nào, nàng ngó tôi rồi ngẫm nghĩ giây lâu, đáp rằng: “Nhà họ Đậu đây chớ còn họ Đậu nào đâu mà hỏi.”
Nghe qua ngỡ thiệt, phân cạn tâm tình; trao nàng thơ Nguyệt thị làm tin, tiên nữ vội phát thinh kêu tớ.”
Thầy Đề hỏi: “Mi nói bởi nghe nên lầm lỡ, nay mi có biết gái nớ là ai?”
Ó: “Bẩm lại với ngài, sau lại mới hay trúng kế.”
“Sau là chừng nào? Mi mau khá kể, đặng ta suy cạn lẽ ngay gian?
“Bẩm, lúc tiên nữ kêu tớ đi ngang, tôi nhìn biết là thằng ba Trạnh. Mặt mày coi bao bảnh, quần áo ngó xuê xoan; lúc đi buôn có đến tại thoàn, to nhỏ liệu toan cùng lái. Nay thấy nó tôi nhìn chẳng sái, nhưng vậy mà còn nghi người giống người nên ngại làm thinh; để chờ khi cất gánh thượng trình, mặc thích dọ tình rõ ý. Lúc đi tới Bà Rịa thật tôi hỏi đà rất kỹ, song tôi bị chúng nó sắp đặt với nhau rồi; lấy những lời xược mỹ dối xưng.
Rằng: Ba anh em tu ẩn núi rừng, bởi thiếu thốn mới quá chơn xảy bước. Trạnh xưng là Đạo Y và dựa vào nhà Kiến Đước, còn hai thằng kia, Đạo Rùa với Đạo Mậu vào trước cửa Nghĩa Sơn. Bởi vì chưng Nguyệt thị lâm ương, nên cha mẹ chồng tầm đường đi kiếm. Gặp cơn gia biết, thiếu tay điều khiển gia đình, cậy cô hai Phước giữ gìn, nên nó phải theo chơn phục sự.
Nghe vậy mà lòng tôi lưỡng lự, song cũng làm thinh, để coi lành dữ dường bao? Lúc rước Nguyệt Ba về tới giữa rừng cao, trời tối phải toan dừng đã. Vào trại tục kêu là Suối Đá, thợ về đâu mà vắng trước quạnh sau; nội bọn đi mới xúm xít với nhau, nằm vây vòng ngơi nghỉ. Tôi mãn ngại nên nằm không yên trí. Nguyệt Ba đi mỏi mệt ngủ vùi; tôi lóng nghe cạn kể đầu đuôi, tam đạo xuôi lòng quấy; kéo nhau ra đi lấy, đảng côn cùng hèo gậy sát tha. Nó tính với nhau, trước giết tôi sau hại Nguyệt Ba, vậy mới là bặt dấu.
Cơ mưu đà hiểu thấu, tôi bèn nép bóng ẩn thân. Trạnh cầm cây vào mới tới gần, tôi cho một đá té lăn nằm thiêm thiếp. Hồ vừa mới đưa cây lên tiếp, tôi cho một thoi vo hông đi tuốt xuống Diêm đài. Đạo thấy vậy mới lạy dài, xin nhơn tay dung thứ.
Bẩm lịnh quan: dầu nó không lạy tôi cũng không sát tử, để phòng khi phân xử vấn tra, nếu giết hết cả ba, còn ai mà đối nại. XIn lượng trên xét lại cho ngu hạ đặng nhờ, tra cho rõ nỗi tri cơ, mưu kế ai bày biểu. Dẫu phải thác tôi đành cam chịu, miễn cho nguyệt chiếu phúc bồn, kiếm khuyết kia dầu chẳng dung tồn, ngậm cười lúc nương hồn theo gió.”
Dứt tiếng nghe la ó, quở phạt dậy nhà làng: “Mi mới thiệt quân oan; giết người rồi nói phải. Chúng nó dầu có dại, mi cũng kiêng phép nước lịnh quan, sao mi dám làm ngang, giết một lần hai mạng. Lại dối việc cứu người mắc nạn, dối sao cho thoát án sát nhơn; chắc là tại nợ dươn, bây ghen hờn làm quấy. Dùi nọc sẵn kia mi có thấy, lệ đâu, roi giao kèo mau lấy đem ra, tra cho nứt thịt xẻ da, kẻo đứa tà khinh phép.”
Ó bẩm: “Quan dầu có hẹp, khảo ép cũng đành, việc đã khai rõ ngọn ngành, sao lại bắt quanh dươn nợ. Đứng anh hùng há sợ, phải đi kiếm thế chữa mình, như vậy là loại cuồng sinh; nào phải trang quân tử. Tôi chẳng phải là đồ hung dữ, chẳng qua là cứu phụ nữ lâm nàn, bởi thấy ló mưu gian, nên ra tay đánh thác. Trời sanh cho tai mắt, nghe ác phải cứu cùng, chữ lâm nguy bất cứu mạt hùng, câu kiến nghĩa bất vi vô dõn. Người ở thế khác nào như bóng, cuộc tồn vong nghĩ có mấy khi. Nỡ làm theo những bọn ngu si, dục lợi kỉ hại người chi lắm bấy. Trời sanh cho mắt thấy, thấy đồng tiền chẳng kể ngãi nhơn, cho tai nghe mà biện lẽ thiệt hơn, nghe tiếng bạc chẳng sờn cơn máu chảy.”
Không cứu người làm ngãi, mong dạ hại hiền nhơn, lập mưu sâu làm việc phi ân, trao kế độc rẻ phân phu phụ. Ác như vậy: lại đặng ăn ngon nằm ngủ, đặng hớn hở vui cười, chẳng tưởng đến phận người, nào biết thương con trẻ. Quan chẳng tìm ra lẽ, nồi cho cao mà nói việc trời xanh, ghét ghen đứng hùng anh, dua theo loài phi ngãi. Ấy mới thiệt tham quan ô lại, vậy mới rằng sâu mọt cửa công, dưỡng cho sung sức mà thổi lòng, tìm ra vít mới vui lòng sướng dạ.”
“Ủa! Thằng Ó mi ngang quá, mắng cả quan ra rả chẳng kiêng, vậy chớ ai ghét ngõ ganh hiền? Ai lại riêng tư điều quấy? Ai âm mưu toan hại, ai phi ngãi bất nhơn? Mi phân rõ nguồn cơn, ta minh oan cho đó.”
Lịnh quan dầu muốn tỏ, đòi Nguyệt Ba phân rõ đầu đuôi, mựa nghi chuyện vườn dâu, nặng dầu tầm lắm bấy!
Thằng tê phân rất quấy, xui những việc bất công; lạ chi cốt với đồng, mà xin ông tra vấn?
Lịnh trên dầu chẳng khấn, đòi Đạo hỏi nó khai, vậy mới té lẽ ngay, kẻo ngu phu ức dạ.
“Lệ đâu, bây mau khá mở cửa hầm dẫn Đạo ra, đặng ta ra sức vấn tra, kẻo Ó la rằng ức.
Đạo, mi hãy phân cho thật, nguyên do sự tích thể nào? Đầu làm sao đuôi lại làm sao? Nếu gian dấu búa đao chẳng vị.”
Đạo bẩm: “Xin lượng trên đoái nghĩ, tôi dám đâu hồ mị khi quan. Bởi chưng rách rưới cơ hàn, nên phải làm đàng tôi tớ. Nhà họ Đậu tìm vào xin ở, cùng Hồ một cửa náu nương, chẳng phải ở với Hà Hương mà đắc tường tâm sự. Trước gây ra việc dữ, âm mưu nịch tử Nguyệt Ba; tôi còn phò họ Đậu tại gia, xin lịnh quan tha thứ. Ngày Ó tới phân trần tự sự. Hà Hương liền kế dữ biến sanh; sai Trạnh tới vỗ giành, hai đứa tôi hiệp lực, tôi không đành giúp sức. Trạnh hứa thưởng bạc vàng, sợ e Nguyệt thị nghi nan, lạ mặt thỉnh nàng không được. Cầu cho đặng hai đứa tôi đi rước, biết tớ nhà Nguyệt thị chẳng nghi; bởi dại nên không kịp xét suy, nghe trọng thưởng tức thì chịu lãnh. Tới Suối Đá Trạnh giả đó nóng lạnh, sợ tới nhà lậu mánh lý gian. Lúc trở về trời tối lỡ đàng, nội bọn mới toan đỡ dạ; vào tạm nơi Suối Đá, Trạnh gian trá nào tường, xúi anh em tôi tiên hạ thủ vi cường, giết rồi đi, dầu cho Mã Hữu Giác cũng không phương tra vấn. Dè đâu lại gặp tay hảo hớn, Ó võ nghệ tinh thông; thoi mội thoi Rùa đã mạng vong, đá một đá Trạnh nằm không cục cựa, sợ hưa tay làm nữa, tôi mới cúi lạy dài, cậu Ó mới nhơn tay, không hồn tôi bay mất, muôn việc đều tỏ thật, xin quan niệm tình tha; tôi đâu đem dạ tây tà bởi dại tham tài vong ngãi.”
“Nếu vậy Đạo giải bày nghe phải, giống khai trước như sau, thôi, đem về coi quan định lẽ nào, ta chưa dễ biết sao phân xử. Lệ mau coi canh giữ, gông cùm mựa lãng lơ, canh khuya lới ba giờ, ta phản hồi công phủ. Chức việc làng đông đủ, làm dàn cho sẵn hộ tùng. Lý trưởng khá theo cùng, đến nhà hầu quan phủ.”
Nói rồi liền đi ngủ, bỏ vãi đó cho dân tuần.
Nguyệt Ba ngồi nước mắt đượm nhuần, than trách lao đao lận đận: “Tại huynh trưởng không gìn bổn phận, khiến nên khốn khó dường ni, phận ta sống thác nệ gì cam chút Thung gia bãi hạc, Phơ phơ đầu bạc, nhớ con trông mỏi mắt bặt hình, bữa sớm trưa không kẻ giữ gìn, cơn ươn yếu thiếu tay nưng đỡ. Lỡ tay một thuở, dở hết trăm đàng, phải anh nghĩ câu thối nhứt bộ tự nhiên khoan, có đâu nỗi gian nan như vậy.”
Ó nghe nói đau lòng biết mấy, nhớ mẹ già dạ luống xót xa, nghĩ khi chưa bước chơn ra, hẹn cùng mẹ, đi về nội tháng. Nay rủi gặp cơn vận hạn, mới khiến nên lâm nạn chốn nầy:
“Mẹ ôi! Con những dầu đất khách gởi thây, phận vậy số vầy trời định. Thương phận mẹ dường như trái chín, biết cậy ai cơn tỉnh lúc mê; măng khóc tre cam khổ nhiều bề, mẹ đợi trẻ dường nghê trông thoại. Rầu phận mẹ lòng con ngần ngại, chớ như con, đứng anh hùng làm phải há tiếc thân; xét lại, trời sanh trên loài thú là ân, há chẳng biết vi nhân hữu đạo. Nỡ chẳng trải thân mà báo, thì phải thua mộc thảo rất xa, coi lấy đó mà coi, cây lớn nên rường cột đỡ nhà, cây nhỏ, lại bỏ ra rào giậu. Đứng linh tánh lẽ nào không rõ đạo, mà làm đều tàn bạo bất nhơn; mắt trượng phu đâu chịu cuộc phi ơn, tai quân tử chẳng sờn lời hồ mị.
Thấy người vương lụy, ngó ngơ nào phải chí hùng anh; gặp côn đồ hãm hại người lành, ra sức cứu mới phải trang hào kiệt. Nghe tiếng khóc mựa giả đò tai điếc, gặp người rên siết chớ ngơ; thỏ với chồn khác giống chẳng làm lơ, người đồng loại tình sơ e trái lẽ. Thấy lợi nhỏ mựa lấy mình làm nhẹ, đem lòng tham hại kẻ hiền lương.”
Chưa dứt lời nghe giục lên đường, võng cáng đã chường ra đó. Nguyệt Ba mới tỏ bày cùng Ó, chốn tụng đình chưa rõ dữ lành, vậy thì sai thị tùy trở lại lều tranh, cùng bá mẫu tháng ngày nương náu.
Ó nghe qua thậm hảo, thầm khen lòng hiếu đạo Nguyệt Ba, tính vậy thì: “Thị tùy mau trở lại Hòn Bà; coi giúp đỡ mẹ ta sớm tối.”
Canh gà đâu đã vội, đồng hồ đổi sang ba, quan quân đều tề tựu bước ra, dẫn Ó, Đạo, Nguyệt Ba thượng lộ.
Tội nghiệp cho Nguyệt Ba, tay bồng trẻ chơn lần đường bộ, theo quân noi dấu thỏ bôn ba, bóng trăng khuya cũng đã hầu tà, Nguyệt Ba ngó Hòn Bà khóc. Buồng nghĩ đến nỗi niềm tơ tóc, sóng bủa gành như chọc cơn sầu, biển mênh mông nào thấy chi đâu, rừng cội rậm, canh thâu thanh vắng. Đi đến trời hừng sáng, mới tới Quán Tam Tân; quan quân chẳng dừng chưn, noi đàng rừng chỉ dặm.
Hai bên cây che rậm, đàng chỗ thấp chỗ cao, bước chập chồng Nguyệt thị té nhào, xét bổn phận càng đau gang tất; nghĩ mấy nỗi Nguyệt Ba khóc ngất, chơn xể xài mặt lại nám đen, đào non nắng táp dung mềm, mận chẳng sương teo mà héo. Con tạo làm không khéo, hờn ghen bẻ méo tròn, đày đọa phận phấn son, hết kiếp còn cùng chẳng?
Vừng ô đà hé nắng, ai nấy đều mỏi cẳng đau chơn, quan dài lưng nào rõ nguồn cơn, dân vắn cổ kêu trời chẳng thấu. Lệ mới bẩm:
“Xin tạm vào dịnh Cậu, dân lo cơm cháo đỡ lòng, xong xuôi sẽ rủi dong, kẻo đói không dời bước.”
Các quan liền vào trước, dân chúng kéo theo sau, Nguyệt Ba chưa biết liệu làm sao, bồng trẻ đánh liều vào xóm. Xóm đâu mà tìm xóm, làng cũng chẳng thấy làng, lều tranh đôi cụm dựa đàng, Hời Mọi khó taon đàm đạo.
Lần bước vào này gạo, nấu bữa cháo đỡ lòng, nghe trả lời Nguyệt thị khóc ròng, rằng chúng nó ăn Nần mà chịu. Nhắm hết phang lo liệu, bồng trẻ trở lại dinh, thầy Đề thấy vậy tưởng tình, biểu Lệ đem cơm cho Nguyệt Ba.
Miếng khi đói biết bao nhiêu là quí, Nguyệt Ba cầm cũng tỉ vàng cân: đem ra nhai cho trẻ dại ăn, miễn là trẻ no dạ thì an lòng mẹ. Dư lại cất chờ khi vắng vẻ, dấu đem cho Ó đỡ lòng.
Ó thấy vậy lụy nhỏ ròng ròng, bảo Nguyệt thị ăn cho xong rồi dời bước. Phận ta đây đói no gì cũng được, sợ cho em, phận đờn bà khó bước ngàn mai. Đôi đàng tương nhượng nhau hoài, chưa rõ ai no ai đói. Ó đợi lâu liền nói:
“Em ăn hối cho xong, có sữa ra cho cháu đỡ lòng, nếu mà em nhịn miệng sữa đâu phòng cho bú.”
Bỗng nghe dân kêu hú, tựu cho đủ lên đàng, Nguyệt thị còn ép Ó phải ăn, Ó lại nhượng cho Nguyệt thị. Hai đàng đều tương ý, một lòng trọn thỉ chung: gấp lên đàng gói xách theo đường, giành để lại cho con trẻ. Dạ đói khó bề bước lẹ, lòng không khôn thế mau chơn; gian nan nầy căm oán uống hờn, cực khổ ấy nằm gai nếm mật.
Bóng trời đà hầu khuất, truông nhặt gẫm khó qua; quan quân ngừng bước ghé nhà, minh nhựt dời chơn chẳng muộn. Quan trên đều bước xuống, dân dưới lo ăn uống cho no, xong bữa rồi Lệ mới đem cho, ước đầy đặng một tô cơm trắng, Nguyệt Ba mừng lòng đặng, nhai cho trẻ vừa xong, còn dư đem cho Ó, Đạo đỡ lòng, nàng thì lấy cơm nguội ra ăn ba miếng. Đói thì nuốt ăn sao ngon miệng, bởi lòng sầu tợ biển chưa nguôi; phận nổi trôi dạ luống sụt sùi, chưa từng chịu những mùi cay đắng.
Nhà chật hẹo biết sao cho đặng, chỗ đâu nằm êm thấm nghỉ chơn, Nguyệt Ba bồng con trẻ ra sân, vì trẻ buồn ngủ khóc rân inh ỏi. Thấy ngọn suối Nguyệt Ba liền hỏi, người trong nhà phân nói mới tàng, suối nầy tên thiệt là Suối Vàng, gò nầy hiệu thổ san Cà Cú.
Quan quân đều biết đủ, ai ai lại chẳng hay; trên núi cao nhỏ giọt xuống đây, dòng nước trắng hay bay tờ quyến trãi, vàng rã khối tuôn ra từ vảy, cuộng theo dòng nước chảy biết bao, nhưng bởi vàng chưa đặng tuổi cao, nên thấy đó biết làm sao bờn đặng; non che phủ tối ngày không hé nắng, nước cuộn dòng lạnh tợ như băng, thú chi vui nhắm cũng chẳng bằng, cảnh nào lịch không hơn cảnh ấy.
Nghe dứt tiếng Nguyệt Ba liền đứng dậy, tay bồng con bước tới đứng xem, thấy nước trong lòng khát nên thèm, bước xuống uống một hồi cho đã. Bây giờ xem mới quả, vàng non rả chói lòa, “Rồi nghĩ đến phận ta, sống nhơ thà cổi nạn. Suối vàng ấy phải mồ bạc mạng, non xanh nầy đã đáng gởi thây, mẹ con đành xuống chốn diêm đài, cho hết kiếp lạc loài trôi nổi.”
Chưa vưng ý bỗng thấy người đâu lội, tay cầm roi miệng hối bầy trâu, hỏi Nguyệt ba quê quán ở đâu, duyên cớ làm sao đến đó. Nỗi niềm ấy Nguyệt Ba liền tỏ, tâm sự nầy phân rõ lẽ ngay, Lão bà nghe chép miệng cười dài, bảo Nguyệt thị lóng tai nghe kể.
“Thuở ta đây còn trẻ, bị gian nhơn phân rẽ phu thê, thấy lịch nên bắt thiếp đem về, bày việc nguyệt huê éo liễu, bởi thủ tiết thiếp không khứng chịu, gian nhơn liền giận biểu chăn trâu, chừng nào cho rắn mọc hai đầu, cá chẳng chịu ăn câu nó thả. Bởi dạ thiếp thương chồng thới quá, nên lòng mơ một ngả sum vầy, phải cắn răng dùng thẳng tháng ngày, chờ khi gặp lúc may thoát nạn. Ấy mới thiệt mười phần cay đắng, thiếp cam lòng thán oán cùng ai. Nàng chẳng qua nạn gởi tai bay, vương chút nợ trần ai thối chí.
Nàng tính vậy sao không suy nghĩ, xuống suối vàng chung thỉ lỡ chăng, nợ ái ân là nợ không ngằn, ơn cứu độ là ơn hà hải, tay còn hỡi ẵm bồng con dại, nàng nỡ nào chẳng đoái tình thâm, nay tuy là mưa nắng trải dầm, thiệt thòi phận cát lầm ngọc trắng, c1o như vậy ngày sau mới đặng đền bồi công ơn nặng đủ đường, hiệp một nhà vui đạo can thường, vầy một cửa tào khương bền bĩ, nàng mau khá trở nào ngơi nghỉ, khá ghi lới hữu lý già phân, thôi để giá đi kẻo trễ chân, tăm tối không chừng đàng sá.”
Vừa dứt tiếng lão bà biến hóa, chưa đáp lời người đã bặt hình, còn Nguyệt Ba đứng đó một mình, ngơ ngẩn thấy kinh hồn vía. Có phải là tiên nữ (1) tới chỉ dùm làm nghĩa, hay là quỉ ma hiện tại khuấy ta, ngại đôi đàng đứng xét chưa ra, bèn bồng trẻ vào nhà ngơi nghỉ.
Thầy Đề lại đòi chủ nhà ra phụ nhĩ, kẻ có tình người ý biết đâu, chủ nhà mới biểu Nguyệt Ba bồng trẻ đem vào trong buồng gói mẹ con yên giấc, kẻo phía trước quan quân đã chật, không lẽ nàng nằm dưới đất cho an. Nguyệt Ba nghe nói chưa tàng, ngỡ thật vén màn vào trướng.
Ai dè nỗ thầy Đề làm chướng, ép uổng nàng chỉ vướng tơ vương; nửa đêm lén bước tới giường, khuấy rối cang thường Nguyệt thị. Thầy Đề thiệt dốc tình quyết ý, đóng mây mưa cho phỉ khát khao, sấn tay vô mở cửa động đào, cho bướm bạc liệng vào nút nhụy.
Tội nghiệp cho Nguyệt Ba! Mấy đêm chẵn mắt không ngưng lụy; thêm đàng dài mệt nghỉ mê man. Bởi vậy cho nên, bướm ong bay đáp nghinh ngang, nào khác vườn oan hoa bạ.
Nồi nhỏ khôn vừa vung cả, đại xa tử mã khó dời; tiểu thuyền mà thả ra khơi, gió dập sóng giồi ắt rã.
Vừa tỉnh giấc thấy người đâu lạ, kề bên mình thân đã lỏa lồ; Nguyệt ba hổ mặt muốn hô, chợt nhìn lại mình Cô cũng vậy!
‘Ráng ngủ mê cho lắm Các cô!’
Ủa nầy! Quả thầy Đề ngồi đấy, nửa đêm vào phá khuấy duyên ta; thầy thiệt là tôi loạn nước nhà, nào phải mặt quan nha phụ mẫu. Có im ẩn cũng đà lỡ xấu, phải tri hô cho thấu tai người; chữ tiết trinh đáng giá mấy mươi, nếu thủ khẩu dấu mùi thêm tội.
Thầy Đề lại còn chưa chịu lỗi, thả giọng kèn kiếm lối đỡ mình. Phải gái thờ chồng hai chữ tiết trinh, trai xử thế công bình chính trực. Tuy vậy mà, sánh kiêm cổ khó đồng một bực, nàng hãy còn chửa thức tri cơ: Nguyệt Nga xưa bãi biển dật dờ, Bùi ông gặp cứu về nuôi dưỡng. Bùi Kiệm muốn mà không làm bướng, chẳng học đòi theo Xướng Từ Ca, cứ ngồi xỉa răng nói chữ với đờn bà, để đến đỗi Nguyệt Nga dời bước.
Đó là truyện đời xưa buổi trước; chớ như đờn bà đời nay, ít ai gìn cho được vẹn tuyền, hễ gặp cơn nguy biến phải quyền, ai lại để ôm duyên chờ đợi. Nàng thiệt khôn mà nàng chưa nghĩ tới, để cho ta phân lợi nàng nghe; những kẻ không c1o trí thì chê, người rõ việc chẳng hề cười nhạo.
Thuở nhà Hớn gặp cơn điên đảo, ngó trong trào áo mão thiếu chi; nào thấy ai trợ hiểm phò nguy, nhờ một gái Điêu Thuyền đỡ vạc. Giả lấy mắt đưa tình Đổng Trác, khéo dụng lời quyến luyện Phụng Tiên; bởi vì chưng nước biến phải quyền, ai dám gọi ôm duyên đi bán.
Đời nhà Hớn tặng phong cũng đáng, đem tên nàng vào bảng Tứ Tài; sao nàng không học lấy kế hay, để bắt chước ông Mai bà Hạnh.
“Thầy đừng ỷ tài lanh nói bảnh, vậy chớ còn lẽ chánh để chi; thầy làm quan sao chẳng xét suy, cũng đứng bực nam nhi xử sự. Câu nam đáo nữ phòng tắc tử, dụ nhơn thê tội xử làm sao? Nửa đêm thầy dám tới nhổ rào, vén ngõ chung vào hái ổi?”
“Sao lại không biết, nhưng mà, bởi thương quá nên không sợ lỗi.”
Nguyệt Ba chúm chím cười.
“Miễn hái rồi thọ tội cũn ưng; bởi rứa cho nên, tôi đánh liều nhắm mắt đưa chơn, may nàng có ra ơn cứu khổ!”
(sic)
Nguyệt Ba và cười và hứ.
“Ấy vậy mà nàng ưng tôi chẳng lỗ, tôi sẵn lòng cứu độ mới an; đó thiệt là một kế vẹn toàn, vậy mà chắc là nàng chưa rõ. Ân nhân của nàng là chú Ó, đang mang gông ngồi đó thấy không, nàng thì mong mau gặp mặt chồng, nếu mà nàng trì hưỡn ắt không khỏi tội. lại thêm, nhụy hoa nỡ bướm đà lặn lội, nếu không vầy cũng lỗi vậy vay; thôi thôi, cờ ta đã cầm tay, chớ vặn nài bẻ ách.”
Thiệt là thầy Đề đem hết sách, Nguyệt Ba ngồi làm thinh thầm trách ông Tơ, xui làm chi cho chỉ vương tơ, tội nghiệp phận đào thơ liễu yếu.
“Thôi đi cô”
Cửu hạn nhánh cây khô héo, thầy cả ôi! Cam vỏ phùng chẳng chịu hay sao? Mặc tình anh liệng thấp cao, én lẽ nào xua đuổi.
Nguyệt Ba cứ cúi, dầu thầm tủi, lụy tuông dường như suối, tợ khe. Thầy Đề liền bước lại đứng kề, vói níu nhành huê mà bẻ.
(sic)
Miệng nói tợ Kiết Ma đọc kệ, tay lần như thấy bói lần song; nguyệt hoa hoa nguyệt nảo nồng, đêm xuân khó cầm lòng cha chả!
Đại bàng ngộ lam phong mừng quá, khác nào như nước cá vầy đoàn; cuộc mây mưa đánh đổ đóa vàng, thiếp thiếp chàng chàng hoan bất tận. Lẽ khi Nguyệt Ba lòng còn giận! Nên nằm làm thinh mê mẩn như say; trót canh dài vắn tiếng giải bày; lại cũng hết khóc ai như nãy!!!
Nực cười dây oan trái, vấn vương cái nợ tình. Bấy lâu không bày cuộc én anh, nay sao lại nỡ đành vong ngãi. Chẳng biết vậy mà: tại Nguyệt Ba sanh tâm biến cải, hay là lòng dâm xui ác dại chơi trăng? Hoặc là nợ tiền khiên còn thiếu mấy ngằn, nay phải trả gối chăng một thuở? Hay là gặp lúc biến nàng toan quyền đỡ, mượn hồng nhan lần gỡ mối tai ba?
Mặc tình người nghĩ nghị gần xa, ta thật xét chưa ra một lẽ.
Bỗng đâu nghe con trẻ, cựa mình ré khóc rân; làm cho chim hôm thoát về rừng, thỏ phải lơi bóng nguyệt. Thầy Đề khoái kể sao cho xiết, nằm duỗi co tính việc hân hoan; chờ trẻ thơ giấc nhắp cho an, thầy sẽ lần đàng vô nữa.
Nguyệt Ba hãy còn đang lần lựa, tiểu Thoàn ôm vú sữa chưa buông; nghe cọp voi giờn chạy thêm buồn, nghĩ mấy nỗi ngọn nguồn bận bịu.
Gánh cang thường nặng trĩu, tình trăng gió dễ nào; tính sao cho bát nước đừng xao, liệu lấy thế gồm bao cho ấm.
Trẻ mới vừa nằm êm thấm, thầy Đề chẩm hẫm bước vào. Tay choàng ngang như điểu ngộ quả đào, Nguyệt thị vội ngăn rào đón ngõ.
“Thầy ôi! Đêm thanh vắng thiếp phân nhỏ nhỏ, thầy muốn nghe cho rõ nghiêng tai. Thầy biết rằng cuộc gia thất duyên hài, lòng ân ái ai ai cũng vậy. Vẫn chồng thiếp là tay phường rẫy, nay mà trời xui gặp đặng thầy, dường ấy rất xinh.
Không biết vậy mà thầy có dạ thật tình, hay là thầy nệ chỗ “Cha gà con vịt”. Thầy nghĩ lại thương tôi một ít, thân đờn bà ác dại chơi nhan. Nếu mà thầy bỏ thiếp ra ngơ ngẩn giữa đàng, phận quần vận khó toan hối cải. Chữ nhứt dạ sàng chung dạ ái, thà rằng xa, hơn gần rồi lại rẽ phân, nghĩa vợ chồng một bữa cũng ân, kết rồi chẳng đặng gần thậm uổng, đêm ngày dạ luống, tơ tưởng mặt thầy, mình ốm xương gầy, vỏ vàng vóc liễu, bởi không ai xui biểu, khi trước phải liệu lo, như thầy vững tay co, đây thiếp nguyền vưng dạ, đừng làm như họ Mã, dạ báo hại Kiều nhi, mang những tiếng thị phi, hay ho gì bắt chước, còn như việc cửa quyền quì trước, xin thầy thương làm phước cứu cùng.
“Nàng khéo lo thì thôi! Thuyền quyên mà biết đến anh hùng, dầu cũi sắt đi nữa, ta tháo lồng cũng đặng. Nàng mựa chớ than dài thở vắn, để rồi đây thỉnh thoảng sẽ hay. Đôi đứa mình hiệp mặt bắt tay, lo chi việc gió ngay mưa vạy. Nàng chớ khá đem lòng ái ngại, nhành hoa đâu giao lại cho ta. Nay tuy là chưa hiệp một nhà, sau cũng đặng vào ra một kiển. Thôi thôi! Canh gà đả trỗi tiếng, bớt bớt chuyện để mai.”
Bây giờ đây cửa đóng then gài, thầy Đề mới lần tay vô mở. Hoa dầu không ngăn trở, bướm hớn hở lắm ru. Thầy cả ô! Đêm như vầy hơn chín kiếp tu, hơi nào để công phu cho mệt!
Sáng ngày ra quan quân thức hết, lo sửa sang cơm nước lên đường, thầy Đề còn nằm đó mê mang. Nguyệt Ba sợ dở dang kêu dậy.
“Thầy ôi! Bóng hồng đà lố thấy, mựa dùng giằng miệng thế khôn lường. Tính làm sao cho nhẹm như rương, đừng để tiếng phô trương chẳng dễ. Hễ sắc bất mê vô sở uế, thương gìn lòng mựa để lậu ngôn, sau những dầu Sen Muống một bồn, ơn ấy sánh càn khôn tái tạo.”
Nghe mở mắt nhìn xem lơ láo, thầy Đề liền mặc áo ra phòng.
Hỡi quân cơm nước no lòng, đặng có rủi dong truông cá.
Tời chốn lạ Nguyệt Ba buồn bã, nhưng mà lúc biến vầy ôm dạ biết sao? Thấy cảnh rừng cây thấp cây cao, nhìn vẻ núi chập chồng, phiền nát. Vừng cát trắng khác nào đường cát, đám cỏ xanh mịt tợ chàm xanh, dấu thỏ voi tạc để dấu đành rành, da rắn lột da còn nguyên đó. Liếc mắt Bắc Nam nhìn ngó, nghiêng tròng xem rõ Tây Đông, nhớ Vọng phu ngoảnh mặt trông chồng, xét lại phận má hồng mà thẹn. Bề tiết hạnh nay đà chẳng vẹn, lời thề xưa còn đó sờ sờ, nghĩ từ khi ngộ biến đến giờ, bướm qua lại sớm trưa mà tủi.
Trời mai đà quá buổi, bóng hồng đã đứng đầu, trên thì chan nắng lửa mưa dầu, dưới cát nóng biết sao mà kể, thậm trách bấy trời xanh rất tệ, ghét ghen chi mà để dường ni, xưa bạc cao nay đã hóa chì, chờ hết kiếp còn gì thân phận.
Những mãn lần theo đàng vắng, bỗng đà tới chốn rồi đây. Thầy Đề liền vào phủ bẩm khai, đem mọi nỗi gian ngay bày tỏ. Quan Phủ nghe qua mới rõ, bảo đem Đạo, Ó ra chường, hỏi sơ qua kế độc Hà Hương, rồi giam lại khám đường chờ lịnh.
Bình luận truyện