[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912)
Chương 3 : Của bất nghĩa tìm tay người độc thủ, Nhánh hoa tàn rầu bướm cũ rã tai.
Người đăng: Lịch sử Việt Nam
Ngày đăng: 22:31 20-12-2018
.
Nói về Hà Hương, rầu lo không xiết kể, đã biết khi ở bót bước ra về, có nháy Nghĩa Hữu, song chẳng biết Nghĩa Hữu có ngụ ý mà hiểu chăng. Bởi vậy nàng lo sợ đến đỗi mang bịnh, tóc biếng gở trâm biếng cài đến chừng nghe quan phái người giải Nghĩa Hữu về Bến Tre lòng mửng khấp khởi, nhưng mà cũng còn sợ, sợ là sợ cho Nghĩa Hữu khi về tới Bến Tre bị tra khảo mà khai thật, thì nàng lánh chẳng khỏi ọa to.
Tuy là lo sợ như vậy mặc dầu cũng cứ để lòng, không dám hở hơi cho ai biết, cứ mỗi ngày lo việc cấp dưỡng cho Ái Nghĩa đến khi lành bịnh trở về.
Mẹ Ái Nghĩa thấy Hà Hương ở với con mình đã có thai, lại thêm chẳng nài công khó nhọc cùng Ái Nghĩa nên thương. Bởi vậy khi Ái Nghĩa lành bịnh trở về, mẹ mừng con không xiết, giả bộ rầy sơ đôi lác rồi bảo Ái Nghĩa phải đem Hà Hương về nhà không cho riêng tư như trước mà sanh chuyện.
Ái Nghĩa mừng, lật đật vưng dạy, tới chở hết đồ đạc và đem Hà Hương với con đày tớ là thị Hoa về nhà. Kể từ đây Hà Hương làm bộ dâu hiền, tôn ti nhạc mẫu, càng ngày càng lâu, mẹ Ái Nghĩa càng thương nhiều hơn nữa.
Thoảng mãn ngày qua tháng lại, Hà Hương đã khai hoa, sanh ra đặng một trai đặt tên là Ái Nhơn, mẹ con Ái Nghĩa tưng tiu dường như ngọc. Đến chừng Ái Nhơn đặng ba tuổi, Ái Nghĩa phát bịnh nặng, phần sức đã yếu, phần mấy chỗ vít tích đau trở lại nữa, nên chạy thầy đủ các phương, thuốc uống không biết mấy thứ mà bịnh không thuyên, đến chừng trầm trệ thới quá, bèn sai Hà Hương thỉnh mẹ vào trối rằng: “Vì con bịnh ngặt, không ngồi dậy đặng, lạy mẹ mà tạ tội bất hiếu của con, xin mẹ tha thứ. Nay con biết mình con không lẽ sống, nên con muốn thưa cùng mẹ mà xin đôi điều, như mẹ vui lòng cho, con mới đành nhắm mắt.
Vả khi cha con thệ thế rồi bỏ mẹ và con mồ côi lại, con thì còn thơ, nhà thì không của, không đủ đắp đổi cho qua ngày tháng, nhờ mẹ có lòng thương con vô giá, nên mẹ mới trực tiết thờ chồng buôn bán nuôi trẻ cho đến khôn lớn, lập nên sự nghiệp, dư để dư ăn;
Con lớn khôn rồi, tốn của mẹ thì có chưa thấy chỗ cậy nhờ, con lại tự đắc tự cang, chẳng đợi mẹ định đôi lứa. Làm cho đến đỗi mang tai mang nạn, làm cho đến đỗi mẹ phải rầu lo, thật là lỗi con đã dẫy đầy, tội con đáng muôn kiếp thác.
Vậy mà mẹ lại có lòng hà hải, nhẫn tâm tha thứ cho con, mẹ nhìn dâu đem về, nhờ đức mẹ mới sanh nam tử. Nay bịnh con xem càng trọng, thế cầm không đậu lâu ngày, vây xin mẹ có lòng thương con, hãy tưởng tới dây, trước vậy sau vậy nuôi chút cháu để sau mà lập tự. Dầu con có thác, hồn về chín suối ở an khỏi lo con trẻ lạc đàng, mừng cho mẹ có dâu hôm sớm.’
Ái Nghĩa nói rồi hai hàng rơi lụy, mẹ Ái Nghĩa ôm con khóc òa, lòng mẹ thương con, thiết tha dường như muối xoát.
Ái Nghĩa liền kêu vợ ẵm Ái Nhơn lại kề, đưa tay lên rờ mặt Ái Nhơn mà nói rằng: “Con mới nên ba, chịu mất cha rất thảm”.
Nói rồi lại kêu Hà Hương mà trối rằng: “Nàng với ta tuy là thình lình gặp gỡ, song cũng bởi nợ trời xui mới vầy nên cuộc trái oan, phước trời dành để đôi đàng, sanh đặng chút trẻ nối họ hàng chẳng đức.
Nay ta vô phước, chẳng hưởng thọ đặng lâu dài, bỏ mẹ con nàng lại đây, mẹ góa con mồ côi, thiệt lòng ta không đành vậy. Bởi mạng trời đã định chãy đi đâu cho khỏi lưới trời, vậy thì nàng hãy nghe ta trối lại đôi lời ghi lấy mà ở đời, chớ toan phụ bạc.
Như buổi mới gặp thì chẳng nói chi, chớ mấy năm nay nàng nhập gia, mẹ hết dạ thương dâu hiền có đạo. Ta có thác rồi, nàng khá tưởng tình xưa nghĩa cũ, thay mặt cho ta mà cung phụng mẹ già, đây sẵn của sẵn nhà bậu ở vậy mà nuôi trẻ, đừng cải giá làm chi tội nghiệp.
Nuôi con cho khôn lớn cho học đạo thánh hiền, phước dầu nên rạng tổ rạng ite6n, nàng cũng chẳng mất phận mẹ hiền con thảo.” Hà Hương nghe Ái nghĩa trối như vậy động lòng, ôm chồng mà khóc òa, khóc đến đỗi máu ra nước mắt.
Đoạn Ái Nghĩa mới kêu thị Hoa mà dặn rằng: “Mi là phận tớ nhà phục sự, phải gìn lòng trung cùng chủ hiếu cùng thầy, ta có thác rồi, mi cũng cứ ở đây, coi mà săn sóc giùm lấy cháu, kẻo mà nó còn hãy thơ ngây chưa biết.”
Thị Hoa nghe Ái nghĩa dạy như vậy thì khóc lớn mà thưa rằng: “Xin cậu hãy dưỡng an quới thể, đừng lo phận tớ bất trung, tớ tuy bất tài, song nguyện ra sức bảo an thê tử cho cậu.”
Trối đủ mọi điều, Ái Nghĩa ngước mặt lên, cả tiếng kêu trời rồi tắt hơi nhắm mắt. Cả nhà đều xúm lại than khóc, thương tiếc không cùng, rồi kẻ thì lo mua hòm, kẻ thì lo rước nhà vàng cùng là đạo tùy sửa sang mai táng.
Tống chung rồi Hà Hương cứ việc ở vậy nuôi con cung phụng mẹ chồng như thường, không sai một nét; còn mẹ Ái Nghĩa, rầu con khóc hoài. Hà Hương và thị Hoa khuyên dứt hết sức chẳng đặng, khóc đến đỗi hai con mắt lu bù, bỏ cơm bỏ cháo. Tội nghiệp tuổi già sức yếu, xương thịt gầy mòn, cũng còn rầu hoài, mãn rầu mà sanh bịnh.
Hà Hương lo sợ hết sức thuốc men hơn môt tháng chẳng lành, đến đỗi phải bỏ mình, sức cầm chẳng nổi. Một mình Hà Hương và thị Hoa lo bề cấp táng, xong rồi Hà Hương hưởng trọn gia tài, ăn rồi ở không, cứ lo bề nuôi trẻ.
Chẳng khỏi bao lâu tới tuần bá bá nhựt của Ái Nghĩa, bữa nọ đang buổi sớm mai, Hà Hương sửa soạn đi chợ đặng mua sắm lễ vật làm tuần. Khi sửa soạn rồi, lấy bạc bỏ túi, tay dẫn Ái Nhơn, miệng thì dặn thị Hoa coi nhà tử tế.
Qua vừa khỏi cầu, xảy thấy đàng xa đi tới, một người đờn ông, đầu bịch khăn nhiễu trắng, mình bận áo bà ba, quần châu xá, chơn không mang giày, tay dẫn một đứa con trai nhỏ ước chừng sáu tuổi, đầu đội nón rơm, mình mặc áo trừu, quần lành, chơn mang giày hàm ếch, hình như hai cha con, đem nhau đi dạo phố. Bộ đi thơ thẩn dường như chàng Kim rải kiếm Kiều nhi, mặt héo dàu dàu, nỗi thảm tợ chim lẻ bạn.
Chừng đi tới gần, Hà Hương thấy quả Nghĩa Hữu lấy làm lạ, nửa mừng nửa sợ, ý cũng muốn giả lơ không hỏi, nhưng mà nghĩ tình xưa nghĩa cũ chẳng đành lòng. Bởi vậy Hà Hương mới cả tiếng chào rằng: “Ủa nầy Nghĩa phu tướng đi đâu đó vậy!”
Nghĩa Hữu nghe hỏi, giựt mình ngước mặt lên nhìn thấy một người đờn bà nhan sắc đẹp đẽ, đầu bịch khăn tang, mình mặc áo xuyến đen, quần chế, chơn không mang giày mang guốc, tay thì xách rổ, tay lại dẫn con, nhìn lâu mới biết là Hà Hương, bèn hỏi: “Ủa nầy Hà ái nương, để tang cho ai đó vậy?”
Hà Hương đáp: “Thiếp để tang cho mẹ chồng và chồng; chỗ nầy chẳng tiện nói năng, xin mời về nhà đàm đạo.”
Nói rồi Hà Hương quày gót trở lại, đem Nghĩa Hữu về, Nghĩa Hữu theo tới nhà, bước vào thấy một cái nhà nền cao ba căn hai chái, trên lợp ngói dưới tô tường, ngoài ngõ có rào, trong vườn hoa đẹp đẽ. Khi vào rồi, Hà Hương mời Nghĩa Hữu ngồi, kêu thị Hoa pha trà mời Nghĩa Hữu.
Ban đầu thị Hoa ngỡ là khách nào, đến chừng bưng trà lên tới cửa buồng thị Hoa khoát màn thấy Nghĩa Hữu, bèn thối lui mà nghĩ thầm rằng: “Thằng nầy là thằng đâm chủ ta khi trước, nhưng mà bởi mợ ta dặn dò nên ta chẳng chịu khai. Nay nó lại tới đây, quyết choán gia tài của cải đây chăng?
Ái Nhơn còn nhỏ dại, khi chủ ta ngặt mình có trối gởi cho ta, ví như mợ ta mà tưởng nguyệt màn hoa, thì ta mới biết liệu kế chi mà giải cứu. Chớ xuất kì bất ý, để đến rồi ta kiến cơ nhi tác mới hay. Bây giờ đây phải đui mắt điếc tai, nếu mà lộ mối ra, mưu kế nó đặt bày, dầu cho trí Gia Cát cũng khó mà giải khai cho đặng.”
Nghĩ vậy rồi, thị Hoa mới bưng trà ra mời Nghĩa Hữu, rồi xây lưng trở vào, háy nguýt hình như muốn ăn gan Nghĩa Hữu.
Nghĩa Hữu ngồi uống trà, hỏi thăm gia đạo Hà Hương, Hà Hương tỏ thật mọi điều, Nghĩa Hữu nghe Hà Hương nói hưởng trọn gia tài, có lòng mừng, mừng là mừng chim còn chỗ đậu. Nghĩa Hữu nghe rồi mới đem hết việc tâm sự mình thua hết gia viên điền sản, cha con mới bỏ xứ tới đây, nói rồi lại bom đổ Hà Hương – xin tưởng cuộc hoa xưa ong cũ.
Cái nghề góa chồng nhỏ khác nào gốc nằm khô trông cho nước tưới thâm da; vậy mà Hà Hương không chịu, nói làm như vậy sợ người ta đàm tiếu, tuy nói khó mà miệng cười coi bộ dễ, lại kêu thị Hoa mà biểu bồng Ái Nhơn đi chợ mua ăn, một mình ở nhà, trò chuyện lại qua cùng Nghĩa hữu, Nghĩa Hữu lóng nầy cũng như chim cũ tìm ổ, bởi vậy cứ theo ràng rịt Hà Hương, cái nghề vợ chồng, hễ muốn ngọt thì thêm đường, muốn mặn nồng thì thêm muối ớt.
Hà Hương chịu không nỗi, bèn làm bộ bỏ đi thẳng vào phòng, ngoài mặt thì tỏ ý ghét bỏ đi, trong lòng thật đem đường cho Nghĩa Hữu; Nghĩa Hữu tuốt theo, vào thấy nệm êm gối dịu, rất phải cho người (biết điệu) nghỉ ngơi, ở đời ai lại chẳng rõ cuộc đời, Nghĩa Hữu vào đó cũng tợ dạo chơi cung nguyệt.
Khi Nghĩa Hữu theo hà Hương vào phòng, chập lâu thằng cn Nghĩa Hữu là thằng Thoàn, thấy vắng mặt cha kêu khóc. Nghĩa Hữu cười và nói rằng: “Nín đi con, đứng đó chơi rồi ba ra, không sao đâu mà sợ.”
Thoàn nghe tiếng cha nói liền hỏi lại: “Ba làm gì trỏng?”
Nghĩa Hữu nghẹn ngào phải chịu làm thinh, không biết sao mà nói lại!
Đến chừng thị Hoa ẵm Ái Nhơn về, bước vào cửa, Nghĩa Hữu mới chịu ra, còn Hà Hương nằm trong làm thinh không lên tiếng. Thị Hoa thấy Nghĩa Hữu ở trong phòng bước ra, sực nhớ lời chủ trối, dạ càng buồn, cúi đầu đi thẳng ra sau, không thèm ngó mặt.
Một chặp, Ái Nhơn khóc, Hà Hương mới lât đật chạy ra bồng, thấy mặt thị Hoa buồn dàu dàu thì biết nên không dám hỏi tới, cứ lấy lời ngọt dịu mà nói với tỏ ý mơn trớn thị Hoa, song thị Hoa cũng chẳng màng, cứ làm thinh suy tính.
Chiều lại, cơm nước hầu xong, Hà Hương biểu thị Hoa coi dọn dẹp cho xong đặng có dỗ Ái Nhơn ngủ sớm. Thị Hoa vâng lời, sắp đặt việc nhà rồi, bồng Ái Nhơn lên võng mà đưa ngủ. Khi ấy Hà Hương lo đóng cửa gài then rồi cùng Nghĩa Hữu vào phòng đàm đạo.
Thị Hoa nằm trên võng nghe tiếng cười tiếng giỡn, biết rằng Hà Hương sa đắm nguey65t hoa, nên thị Hoa ngó mặt Ái Nhơn sa nước mắt, giây lâu lại cất tiếng lén nói thơ đưa Ái Nhơn ngủ, đặng mà biếm Hà Hương mấy câu như vầy:
“Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi,
Lòng nào mà nỡ buông lời nguyệt hoa,
Hổ han vậy cũng người ta
So loài cầm thú vậy mà khác chi.”
Hà Hương nghe, biết thị Hoa giận mà châm chích mình, song Nghĩa Hữu vô tình, không hiểu tới. Hà Hương buồn, Nghĩa Hữu thấy vậy hỏi: “Vợ chồng bấy lâu nay cách mặt, nay trời xui lại hiệp một nhà, lẽ thì mừng vui như bướm ngộ hoa, sao mà buồn bực nghĩ ra cũng lạ?”
Hà Hương đáp rằng: “Vợ chồng cách nhau đã lâu, nay còn gặp gỡ nhau đây, thiếp vui mừng quá đỗi, lẽ đâu thiếp lại buông, song thiếp nghĩ Ái Nghĩa chết chưa đầy ba tháng mười ngày, để gia tài lại cho thiếp ăn chẳng thiếu, thiếp mà làm ra cớ sự ni, thị Hoa không vui dạ, đến kỳ làm tuần đây, chi cho khỏi người nầy người kia tới, chỉnh e miệng thế khó ngừa, vẫn biết thiếp cùng chàng hoa cũ ong xưa, nhưng mà họ không rõ, họ tỉ phận thiếp như đò đưa khách.”
Hữu rằng: “Nàng chớ khá phiền lo chi nhọc, điều ấy chẳng khó gì, nếu biết câu phu xướng phụ tùy, nghe lời biểu việc chi cũng để. Như thị Hoa, vẫn biết đạo tôi tớ lòng không ở tệ, nhưng mà ngày nay xem không nể chủ nhà, muốn biểu nàng ở vậy tới già, giữ chữ tiết thành ma không bạn.
Xét lẽ ấy tội kia đã đáng, nhưng mà nghĩ vì công cán đã dày, ấy cũng bởi lòng ngay, chẳng lẽ giận nay đuổi lẫy. Mai nàng biểu nó toan liệu lấy, muốn ơ thì ở vậy cho an, bằng mà muốn tự can, thì ra đàng cho tiện. Còn như việc thê thưởng nhiều chuyện, nàng sợ người dụm miệng dèm pha, vậy thì làm chi cho rộn trong nhà, đa thiểu cũng là lòng thảo. Đừng mời ai đông đảo, cứ hiếu đạo mà làm, nấu chừng đôi ba mâm, đốt vài trăm giấy áo.”
Hà Hương chịu vâng ý, đoạn hai đàng nương gối chung phòng, kẻ toại chí người vui lòng, bỏ lúc vợ chồng xa cách.
Sáng ngày, Hà Hương xuống nhà sau kêu thị Hoa lại mà phân rõ đầu đuôi tự sự, lại bảo thị Hoa y như lời Nghĩa Hữu đã nói với nàng, thị Hoa nghe qua liền biết là kế của Nghĩa Hữu, muốn bày đuổi mình ra cho khỏi, bèn nghĩ: “Ví như mình mà ra khỏi cửa nầy cũng phải rồi, chẳng chi mà tiếc, ngặt một điều mình bỏ ra đi, tội nghiệp Ái Nhơn, đạo làm tớ chẳng hết lòng, phụ lời chủ ngày xưa phú thác. Chi bằng giả hình ngơ mắt, nương theo đây mà dìu dắt Ái Nhơn, ngày sau dầu đặng gặp cơn, mấy nỗi oán hờn lo trả.”
Nghĩ như vậy, bèn thưa cùng Hà Hương rằng: “Tớ đâu dám thay lòng đổi dạ, ơn chủ gia lo trả hằng ngày, tuy nữ nhi cũng rõ đạo tớ thầy, há chẳng biết thảo ngay tạc dễ. Kể từ thuở Cậu Tư thệ thế, nhà cửa xem vắng vẻ trước sau, nhớ chủ gia dạ héo dàu dàu, tưởng ơn trước ra vào khoản khoái. Nhìn mặt mợ đôi hàng lụy sái, cảm cho thân trẻ dại mồ côi, dầu chết thân cũng nguyện đền bồi, cho thỏa dạ cậu Tư nơi chín suối.
Kể từ bữa thấy chủ lạ, lòng tôi thêm tủi, tủi là tủi cho thân may rủi không thường, chẳng biết vậy mà người có dạ thương, cho phận tớ náu nương cùng chẳng? Sợ một nỗi nhiều lời cay đắng, lo một điều chửi mắng khổ tâm, bởi vậy cho nên ruột héo gan bầm, nghĩ mấy nỗi tủi thầm trong dạ.”
Hà Hương rằng: “Tưởng chuyện chi mà lạ, điều ấy thấy cũng thường, mi tuổi xanh mà biết lo lường tr1i dường ấy chi nhường bạn tác. Việc phải quấy ở ta hành phạt, mi cứ lo dìu dắt trẻ thơ, trung tín kia hai chữ trọn thờ, đừng có dạ ước mơ điều quấy. Khá nghe lời ta dạy, đừng thấy vậy mà phiền, mối chỉ tơ dầu có bén duyên, cũng tại bởi hoàng thiên sở định.
Ta cũng muốn trọn bề tiết hạnh, ngặt cựu tình khó lánh cho xa, hoa xưa ong cũ hiệp hòa, xét lại chẳng qua duyên nợ. Trối thảy việc chung tình gặp gỡ, mi giữ phần ăn ở như thường, chớ tưởng người là kẻ bất lương, lòng sâu hiểm chẳng thương kẻ dưới.”
Thị Hoa rằng: “Cám ơn mợ có lòng hà hải, nhọc công sớm dạy tối khuyên, thưa mợ, bá nhựt tuần đã tới một bên, mợ chẳng tính rước thầy tụng cho hồn cậu siêu lên cõi Phật?”
“Ờ, ta cũng tính làm cho đúng bậc, nhưng mà nhắm xem nhà bẫn chật không ai, kẻ coi trong không kẻ coi ngoài, sợ miệng thế người hay dèm xiểm. Bởi vậy ta muốn làm tự tiện, nấu ít mâm cơm dọn cúng cũng xong, việc phải chăng đều ở trong lòng, chẳng lựa phô trương ra giữa thế.”
Hoa nghe nói sầu bi không xiết kể, nghĩ mà thương cậu Tư chết để của nhiều, chưa mấy ngày ơn nghĩa đã muốn tiêu, xét mấy nỗi chín chiều ruột thắt.
Hà Hương nói rồi liền trở lên nhà trên, còn thị Hoa thì lo sửa soạn bữa sớm.
Ngày tháng như thoi đưa, vợ chồng ở với nhau đặng hai năm, Ái Nhơn đà năm tuổi. Bữa nọ đang trưa, vợ chồng nằm nơi ván bàn luận việc nhà, Nghĩa Hữu ngó Ái Nhơn rồi chăm chỉ ngó con là thằng Thoàn, thầm nghĩ tới gia tài của cải, bèn thở ra, mà nói cùng Hà Hương rằng: “Ta nghĩ nẻo phú quới tợ môn tiền tuyết, cuộc ân tình như thảo thượng sương, vẫn xưa nhà của ta lớn đất rộng vườn, tiêu hủy mau dường nháy mắt.
Còn như vợ chồng mình, thuở mới về hiệp mặt, ai cũng tưởng cho cầm sắc bén duyên, có dè đâu con tạo đảo điên, khiến đến đỗi hiệp tan như buổi chợ. Nay may còn gặp gỡ, hết lo kẻ Sở người Tần, ham hố chi những của phù vân, xét cuộc thế xoay vần không mấy lát. Nên kiếm chốn ẩn thân nhàn lạc, bỏ những khi thiên các nhứt phang, của trời cho hưởng chữ thanh nhàn, giữ huê lợi mà ăn cũng đủ. Chẳng cần phải làm nên cự phú, biết là con cháu nhà có thủ bền chăng? Bấy lâu nay mình lỗi đạo hằng, ăn năn lại tu thân mới phải.
Tôi tính mua một vuông nhà nơi Long Hải, về đó ở ăn vui theo bãi theo cồn, trên dòm cây đá chập chồng, dưới ngó cá tôm lội lặn. Xa lánh miệng hùm nọc rắn, trốn mùi mướp đắng mạt cưa, mặt ai đua danh lợi sớm trưa, mình giữ phận muối dưa ngày tháng.”
Hà Hương rằng: “Bởi lòng chưa quyết đoán, nên thiếp chẳng nói ra, ý thiếp cũng muốn thiền thị lánh xa tìm chốn nham huyệt vào ra yên phận. Đem mình đi mai ẩn, vào hóc vắng ở an, đặng mà giải cho sạch nỗi oan, kẻo để vậy mắc đàng vay trả. Vậy thì chàng mau khá, liệu toan giá cả cho xong, miễn cho đặng toại lòng, chớ có nệ tốn công tốn của.’
Bàn luận xong xuôi, sáng bữa sau Nghĩa Hữu đi Long Hải, dịp may mua đặng một cái nhà lầu, và nhà và đất năm ngàn; mãi mại thuận tình, Nghĩa Hữu mới dẫn chủa bán về Chợ Lớn. Tới nhà thuật lại cho Hà Hương nghe, Hà Hương cũng đành, song bạc nhà thiếu. Nghĩa Hữu xúi bán nhà ở đường Gia Long, lấy bạc mua nhà Long hải, còn dư bao nhiêu để xây xài, chớ chẳng lẽ phố cho mướn cho tới tháng, góp tiền trước cho đặng.
Hà Hương nghe theo, bèn kêu người Bà-ba lại bán và nhà và đất một muôn hai, vì người Bà-ba nầy, từ ngày mẹ Ái Nghĩa mới mất, đã có hỏi này đôi ba phen mà không đặng. Đoạn Hà Hương và Nghĩa Hữu làm giấy đoạn mãi lấy bạc, chồng năm ngàn chuyên chở đồ đạc đem hết gia tiểu về Long Hải mà ở.
Tới nơi, Hà Hương thấy tòa lầu cao lịch lãm, phong cảnh nhắm rất xuê, tư bề rực rỡ cỏ huê, xem tợ sân trải gấm; trên bóng che rậm rậm, dưới sóng bủa ầm ầm, Hà Hương thấy vậy mừng thầm, tưởng chốn lục lâm toại chí.
Chẳng dè, về ở đó đặng đôi ba tháng, tuy Nghĩa Hữu tình ý chẳng sợ, song không hay khăng khít nhau như trước; thằng Thoàn đã trộng, Nghĩa Hữu sắm tên sắm ná, cha con dẫn nhau dạo rừng săn bắn tối ngày, khi thì săn đặng hươu nai, khi thì chồn thỏ.
Bữa kia hai cha con cũng đi săn, gặp lúc trưa trời nóng nực, bèn lên trên nổng cao, có bóng cây che mát mẻ, ngồi nghỉ mệt. Nghĩa Hữu ngó mặt Thoàn, sực nhớ Ái Nhơn, thầm xét việc gia tài của cải. Rằng: “Của tuy nhiều, song xét kỹ lại chẳng phải là của ta, quả là của cha Ái Nhơn để lại. Con nhà hai dòng, lúc vợ chồng ta mà trăm tuổi già, gia tài của cải nầy phải thuộc về Ái Nhơn, con ta có đâu mà chi độ.” Ta phải lo mưu chi kế chi ngày sau cho con ta khỏi chịu sự cơ hàn cực khổ, chớ chẳng lẽ no ấm thân nầy, chẳng biết lo phận con đói rách.
Nói trong bụng như vậy, bèn ngồi ngó thằng Thoàn giây lâu, thầm gẫm gặt đầu mà tiếp rằng: “Tục đời ví: Cây không trồng lòng không tiếc, con không đẻ dạ không thương, như thằng Ái nhơn nầy nếu để nó còn đây, thì sau khó cho con ta lắm, chi bằng: Ra tay giết nó, sau con mình hưởng trọn gia tài, vậy mới là mưu hay, vậy mới rằng kế quỉ.
Tính vậy thì được rồi mà biết làm sao giết nó cho được? Thị Hoa hết lòng cùng chủ, ngày đêm chẳng để rời, dường ấy lấy làm khó mà ra tay hại Ái Nhơn cho được. Vậy thì, nếu muốn toan mổ ruột, trước phải chặt tay chơn, nếu muốn giết Ái Nhơn, trước phải hại thị Hoa biệt tích.”
Xét cạn lẽ rồi Nghĩa Hữu thấm ý cười, đoạn biểu Thoàn trở về gia nội. Khi về tới nhà đúng buổi ăn, vợ chồng con cái ngồi đủ mặt; Nghĩa Hữu sanh ra một kế độc, quyết ý hại thị Hoa, bèn nói với Hà Hương rằng: “Bữa nay đi săn không có thịt, may lại gặp một cây, hỉnh như cây trái vải, trái chín đỏ tương tợ trái hồng tươi, hỏi cho biết trái chi, tiều phu nói nó là trái Sơn trà, ngọt ngon hơn hết.
Ta có ăn thử đôi trái, thật quả như lời, thấy trái lạ muốn đem về cho mẹ trẻ ăn chơi, mà ngặt không bưng khó xách. Ta tính mai biểu thị Hoa đem thúng theo, hái một thúng đem về cho mẹ trẻ ăn thử chơi cho biết.”
Hà Hương nghe nói trái lạ, chưa từng biết, lại ngon ngọt hơn hết, nên muốn ăn thử coi ra làm sao, bởi vậy khi Nghĩa Hữu nói vừa dứt lời, Hà Hương liền dặn thị Hoa: “mai cậu mi có đi, xách thúng theo mà hái.”
Sáng ngày Nghĩa Hữu thức dậy sớm, sửa soạn rồi kêu thị Hoa đi, lại không dẫn thằng Thoàn theo như mọi bữa. Vào rừng, nghĩa Hữu dẫn thị Hoa đi lộn rồng lộn rắn, hết đàng tắt tới ngả quanh, đi cho tới trưa, mà cũng chẳng thấy cây Sơn trà nào hết.
Cả hai đã đói lòng lại mệt, tạm nơi gốc cây ngồi nghỉ, Nghĩa Hữu liền bước vào bụi, bứt giây mây đem ra bỏ một đống, thị Hoa thấy vậy mới hỏi: “Bứt dây đó làm gì?”
Nghĩa Hữu đáp lại rằng: “Bứt dây trói mi đây, để cọp ăn cho rảnh. Bởi lòng mi trung chánh quyết lo gánh việc nhà, làm khó dễ cho ta, nên quyết không tha cho đó. Ta dầu không giết bỏ, bởi ta suy cho đó không cừu, cột mi đây khuyên chớ oán vưu, chớ trách lầm mưu kế độc.”
Thị Hoa lạy tam thiên và khóc, xin chủ gia nghĩ chút công lao, phận tôi đòi dâu dám ngăn rào, việc trái phải trước sau nào rõ. Xin chủ gia niệm tình đừng giết bỏ, tha cho tôi kiếm ngõ thoát thân, nếu mà chủ gia cột tôi ở chốn lục lâm, nào khác đem thân tớ gởi hàm ác thú.”
Nghĩa Hữu chẳng thèm nghe tới, ra tay bắt trói thị Hoa, xong rồi bỏ trở lại nhà, chưa rõ thị Hoa còn mất.
Bình luận truyện