[Việt Nam] Con Nhà Nghèo

Chương 1 : Chương một (VI)

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 14:28 16-09-2019

.
Khi Ba Cam ra gần tới lộ dây thép thì thấy phía chợ Giồng có một người bận quần trắng áo đen, đội nón đen, cỡi ngựa kim chạy ra. Anh ta chắc là cậu Hai Nghĩa, cho nên đứng chần ngần giữa lộ mà chờ. Lúc ấy là lúc thiên hạ đi chợ về, nên tốp năm người, tốp ba người gánh gánh đi xay xảy trên lộ. Còn dưới ruộng thì phía tay mặt người ta nhổ mạ nói chuyện om sòm, phía tay trái một người đương đánh trục dọn đất cấy thá ví[1] inh ỏi. Con ngựa kim chạy gần tới. Ba Cam đứng giữa lộ giăng tay mà cản đường. Người ngồi trên lưng ngựa không biết có việc chi, lại thấy người cản đường bận đồ tây, nên lật đật gò ngựa đứng lại. Ba Cam nói: - Cậu Hai, cậu mạnh giỏi cậu Hai? Anh ta vừa nói vừa xốc lại nắm dây cương. Cậu Hai Nghĩa không biết là ai nên chưng hửng, ngó Ba Cam trân trân. Ba Cam cười và hỏi: - Cậu quên tôi hay sao? Mời cậu xuống ngựa cho tôi nói chuyện một chút. - Chú là ai? - Cậu quên tôi thiệt, hay là cậu làm bộ? - Tôi quên thiệt chớ. - Cậu leo xuống rồi tôi sẽ nói. Cậu Hai Nghĩa leo xuống ngựa mà coi bộ ái ngại lắm. Chừng cậu đứng xuống đất rồi, Ba Cam mới nói rằng: - Tôi đi lâu quá nên cậu quên cũng phải. Rất đỗi mà người ta mới ăn nằm với cậu đó mà cậu còn quên thay, huống chi tôi đi hơn sáu năm, cậu nhớ sao được. - Chú nói những gì vậy? Tôi quên thì tôi nói tôi quên chớ. Chú ở đâu chú nói tôi mới biết chớ. - Tôi là thằng Cam. . . em Cai tuần Bưởi. . . anh Ba của con Lựu đây, cậu nhớ chưa? Cậu Hai Nghĩa nghe mấy lời ấy thì biến sắc, cậu đứng ngẩn ngơ một chút rồi cậu hỏi rằng: - Chú đón tôi nói chuyện gì vậy? - Tôi muốn nói chuyện gì vậy thì cậu hiểu trước rồi mà? Cậu hỏi chi vậy? - Thiệt chớ. Tôi có hiểu chuyện gì đâu. - Tôi muốn mời cậu ghé nhà anh Hai tôi kia, đặng tôi nói chuyện riêng một chút. - Chú muốn nói chuyện gì thì đi xuống nhà tôi mà nói, chớ trưa rồi, tôi phải về có việc gấp, ghé sao tiện. - Chuyện tôi muốn nói với cậu đây, phải nói trước mặt con Lựu mới được, vì vậy nên tôi mới mời cậu ghé. - Không được. Ghé đâu vậy cho được. Thôi chú để tôi về. - Khoan! Về sao được. Cậu Hai muốn lên ngựa, Ba Cam một tay nắm dây cương, một tay nắm cậu. Cậu bèn nói rằng: - Chú muốn nói việc gì, thôi thì chú nói phứt đi, đặng tôi còn về chớ. - Việc nầy mà tôi nói giữa đường sá, coi cũng kỳ. - Có hại gì đâu? - Cậu muốn như vậy cũng tạm được. . . Hai anh em tôi nghèo may có được một chút em gái nên thương nó lung lắm. Anh em tôi cũng biết xét bổn phận, nên có dám trèo leo bao giờ, vì cậu thấy con Lựu cậu thương, cậu quên đi cái phận hèn hạ của nó, thiệt anh em tôi cám ơn cậu lắm. Bởi vậy tôi ở xa chẳng nói làm chi, anh Hai chị Hai tôi ở nhà, thấy cậu tới lui với con Lựu, hay cậu chiếu cố đến nó, thì không dám nói chi hết, cậu ăn nằm với nó có một đứa con rồi. Vậy tôi xin cậu hãy xử nghĩa cho vuông tròn, cậu tính dùm coi phải làm sao, chớ cậu để như vầy con Lựu mang tiếng xấu còn thằng nhỏ không có cha, nghĩ cũng tội nghiệp cho nó quá! Cậu Hai Nghĩa bối rối, không biết trả lời thế nào cho xuôi. Cậu đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: - Chú nầy nói nghe lạ quá. . . tôi đâu biết chuyện ấy? - Hứ! Cậu lấy em tôi có chửa, rồi bây giờ cậu nói như vậy nghe sao được. - Tôi lấy em chú hồi nào? Chú có bắt được hay không mà chú dám đặt điều ra như vậy? - Đừng, cậu không nên nói như vậy. Cậu phải xét trong lương tâm của cậu. Cậu là con nhà sang trọng, cậu vì tình dục mà làm cho một đứa con gái phải mất trinh thất tiết, cậu không ăn năn chút nào hay sao? Mà thôi, ví dầu cậu không muốn trọng danh giá một đứa con gái hèn hạ, cậu vui chơi thỏa lòng rồi cậu bỏ nó cũng như quăng cái tàn thuốc đi nữa, còn đứa con nhỏ kia là máu thịt của cậu, cậu cũng không biết thương nữa sao? Đừng, tôi khuyên cậu chớ nói như vậy. Phải, cậu lấy em tôi, thiệt tôi không có bằng cớ gì hết. Tôi mắc đi làm ăn xa xứ, tôi có ở nhà đâu mà bắt cậu được. Anh Hai tôi ở nhà mà ảnh thiệt thà quá, ảnh sợ cái quyền thế của cậu, nên bây giờ cậu mới nói như vậy, chớ nếu tôi ở nhà thì khó cho cậu nói phách được, mà tôi e sợ cậu không còn hồn mà nói phách. Cậu phải tính làm sao, chớ đừng có chối như vậy, bậy lắm. - Tính giống gì? - Cậu là người sang trọng, cậu khôn ngoan hơn tôi, cậu tính thế nào cho phải là thôi, sao cậu trở lại cậu hỏi tôi? - Chú muốn tôi cho em chú tiền phải không? - Không có phải như vậy đâu cậu! Cậu quen cái thói nhà giàu, hễ làm việc chi bậy thì quăng tiền bạc ra mà trám miệng thiên hạ, nên cậu tưởng ai cũng ham đồng tiền của cậu hết hay sao? Cậu tưởng như vậy thì cậu lầm lắm. Anh em tôi nghèo, nhưng mà anh em tôi ham nhơn nghĩa, trọng danh giá, chớ không phải mê đồng tiền dơ dáy như họ vậy đâu. - Chớ chú muốn gì bây giờ? - Tôi muốn cậu liệu rửa nhục cho em tôi và làm cho thằng con nó có cha như thiên hạ chớ không muốn chuyện chi hết. - Tôi có làm nhục em chú đâu mà bây giờ chú bắt đền tôi, chú nói kỳ quá! - Thiệt bây giờ cậu chối, cậu nói cậu không có lấy nó có con đó hay sao? - Nó lấy thiên hạ cho có con rồi bây giờ chú biểu tôi chịu, chịu đâu mà kỳ vậy nà. - Nghĩa! Nãy giờ tao lấy lời phải tao nói cho mầy nghe. Mầy đã không biết ăn năn về cái tội của mầy mà mầy lại còn kiếm chuyện mà nói nhục thêm cho em tao nữa. Nó lấy thiên hạ là ai đâu mầy kể cho tao nghe thử coi. Mầy thiệt là đứa khốn nạn, đã không có lương tâm mà cũng không biết nhơn nghĩa chi hết. Tao phải trị mầy một lần đặng mầy chừa thói phá hư danh giá của con nhà nghèo. . . Ba Cam vừa nói dứt lời liền rút con dao trong lưng ra rồi hất rớt cái nón lông và chém trên mặt cậu Hai Nghĩa hai dao, đá thêm một đá, cậu té nhào xuống ruộng. Cậu Hai Nghĩa la làng chói lói. . . Mấy người nhổ mạ với người đánh trục, thấy hai đàng nói chuyện dan ca nãy giờ, không để ý đến, chừng nghe la làng mới áp nhau lại. Ba Rạng ngồi trước cửa rình coi thấy Ba Cam đánh cậu Hai Nghĩa thì kinh hãi kêu Cai tuần Bưởi rồi anh em dắt nhau cùng chạy ra. Mấy người chạy tới, người thì ôm Ba Cam giựt dao, người thì đỡ cậu Hai Nghĩa mà đem lên lộ. Ba Cam thấy người ta sợ mình chém cậu Hai Nghĩa nữa nên lo đề phòng, thì anh ta đưa con dao vừa cười vừa nói: - Tôi có thèm giết thằng nầy đâu mà mấy người sợ. Tôi muốn ghi trên mặt nó vài cái thẹo cho thiên hạ hễ ngó thấy thì nhớ nó là đứa chuyên đi phá danh giá của con nhà nghèo. Nếu tôi muốn giết nó thì nó chết nãy giờ rồi, mấy người tiếp cứu sao cho kịp. Cậu Hai Nghĩa bị một vết trên trán chạy xéo qua mí con mắt bên tả, lác hết phân nữa chân mày và một vết tại chỗ gò má bên hữu làm chè hẻ một đường từ mép tai xuống tới miệng. Cậu đứng có hai người vịn hai bên, mà cậu vẫn rung lập cập, quần áo ướt loi ngoi, đầu cổ dính bùn đất, mặt máu chảy đỏ lòm. Cậu nghe mấy lời Ba Cam nói nhục cậu trước mặt thiên hạ thì cậu lấy làm hổ thẹn song cậu không dám ngó Ba Cam, mà cũng không dám nói tiếng chi hết. Lúc ấy Cai tuần Bưởi với Ba Rạng chạy tới, Cai tuần Bưởi thấy quang cảnh như vậy thì chắc lưởi lắc đầu nói với em rằng: - Mầy làm giống gì vậy Cam? Ở tù chết còn gì! - Anh cứ sợ ở tù hoài! Đồ khốn nạn nó làm nhục em mình, anh nhát nên anh không động đến nó. Nay tôi ra tay rửa nhục cho con Lựu, anh còn rầy tôi nữa hay sao? - Sanh chuyện mà làm gì! Ai ăn ở bất nhơn thì trời đất hại họ, mầy làm dữ thì mầy ở tù, chớ có ích gì đâu. - Đợi trời đất hại, biết chừng nào mới có. Thà tôi làm phứt một cái cho nó tởn. Toà có đày đi nữa tôi cũng cam tâm. - Mầy nói hơi liều mạng hoài! - Không phải liều mạng. Quân giàu có mà ăn ở mọi rợ quá, làm hiền với nó sao được kia. Trong đám chạy lại tiếp cứu đó có một chức việc của làng là anh Phó lý Tạo, ảnh sai một tên dân chạy đi báo với Hương quản, rồi ảnh dắt cậu Hai Nghĩa với Ba Cam về nhà việc làng Bình Phú Tây ở gần đó, cậu Hai Nghĩa mướn một người cởi ngựa của cậu xuống nhà cậu mà cho bà Cai với mợ Hai hay. Bà Cai với mợ Hai Hưởng nghe tin cậu Hai bị người ta chém nặng lắm thì kinh khủng lật đật hối thằng Phùng thắng xe đặng lên Bình Phú Tây, không kịp hỏi cho rõ ràng coi người chém đó tên gì và tại làm sao mà chém. Khi bà với mợ bước vô nhà việc thì Hương quản đương ngồi chồm hổm tại bộ ván phía tay trái mà tra hỏi Ba Cam. Bà thấy cậu Hai Nghĩa nằm co trên bộ ván phía mặt, quần áo ướt bàu nhàu, mặt mày máu đỏ lòm thì bà chạy a lại mà la rằng: - Cha chả chết con tôi rồi, còn gì đâu! Mợ Hai cũng chạy lại, rồi leo lên ván ôm cậu Hai, mà đỡ xốc ngồi dậy. Bà với mợ thấy mặt cậu có mấy vết dao chém chè hẻ, thì la khóc om sòm làm cho Hương Quản không hỏi Ba Cam được. Còn Cai tuần Bưởi, Ba Rạng với những người đến coi chơi ai cũng day lại mà ngó. Bà Cai hỏi rằng: - Thằng nào cả gan dám chém con tao đây! Vậy chớ làng xã ở đâu, có bắt nó chưa, hử? Hương quản đứng dậy đáp: - Thưa bà, làng người ta đã bắt nó rồi đây. Xin bà đừng rầy rà để cho tôi tra hỏi nó. Bà Cai ngó Ba Cam và hỏi rằng: - Thằng đó phải không? - Thưa phải. - Chú làm chức gì? - Tôi làm Hương quản. - Sao chú bắt phạm nhơn chú không đóng gông nó lại, chú để nó đứng thong thả đó vậy hử? - Làng tôi có gông đâu mà đóng. Thuở nay tội gì cũng đóng trăng, chớ đâu có tới đóng gông. Mà tôi đương tra hỏi, đóng trăng sao được. Bà Cai xốc xốc đi lại rồi xỉa vào mặt Ba Cam mà hỏi: - Mầy là quân ở đâu mà mầy dám chém con tao hả? - Bà không được phép xỉ tôi. - Tao xỉ rồi mầy làm sao? Tao đánh dù trên đầu mầy bây giờ. - Bà đánh thử coi. Có chứng ông Hương quản đa nghe. Bà muốn sanh sự, chớ không phải tôi đa. Tôi có tội thì quan phạt tôi, chớ hễ bà Cai động đến tôi thì tôi không nhịn. Hương quản sợ sanh chuyện thêm nữa, nên đứng trước mặt bà Cai và mời bà ngồi. Ba Cam nói: - Bà đừng quen thói ăn hiếp tá điền, rồi bà tưởng ai cũng sợ bà hết. Tôi có mướn ruộng đất vay lúa vay tiền gì của bà đâu mà tôi sợ bà, nên bà ăn hiếp tôi. Bà Cai không biết Ba Cam, lại thấy bộ cứng cỏi quá, chớ không phải như đám dân ngu trong làng, bởi vậy bà giận mà bà không dám làm dữ nữa, riu ríu đi lại bộ ván giữa mà ngồi. Mợ Hai ngồi ôm chồng, mợ nghe Ba Cam nói trả treo với bà Cai thì mợ tức giận nên mợ la lớn: - Bây giờ Hương quản để cho quân khốn nạn đó sỉ nhục má tôi hay sao nè! Bà Cai khoát tay nói rằng: - Thây kệ nó. Để tao thí ít ngàn bạc, rồi coi nó có sợ tao hay không mà. Hương quản đưa tay khuyên đừng cãi cọ nữa để bình tĩnh cho anh ta lấy lời khai đặng giải cho kịp giờ. Anh ta ngồi lại và hỏi Ba Cam: - Hồi nãy chú khai rồi kế lộn xộn nên tôi quên hết. Đâu, chuyện sao đâu chú khai thiệt cho tôi nghe đặng tôi đặt tờ bẩm cho rành rẽ. - Chuyện như vậy đó, chớ có chi nữa đâu. Cậu Hai Nghĩa ỷ giàu có, ỷ quyền thế cậu hãm hiếp em gái tôi là con Lựu cho tới con nọ có chửa. Chừng nó đẻ, anh Hai với chị Hai tôi là vợ chồng Cai tuần Bưởi lên cho cậu hay. Cậu làm lơ mà cậu còn sợ vợ, nên bắt chị Hai tôi đóng trăng, nói sao chị Hai tôi dám nói xấu cậu. Cậu còn lấy ruộng lại không cho anh Hai tôi mướn nữa và đuổi phải dỡ nhà mà đi. Anh Hai tôi hỏi đất chỗ khác mà ở, cậu kêu người ta mà hăm dọa, làm cho không ai dám chứa, anh Hai tôi bỏ làng mà đi. Tôi về nghe sự độc ác, sự dã man tôi bất bình, nên hồi sớm mai nầy tôi đón cậu mà nói phải trái cho cậu nghe. Cậu là con nhà quan, con nhà giàu có, tôi tưởng cậu biết điều, té ra tôi coi cậu là một thằng không có một chút lương tâm gì ráo, cậu làm quấy mà không biết ăn năn, cậu sanh ra là để phá danh giá của con gái nhà nghèo, chớ không tình nghĩa chi hết. Tôi thấy vậy nên tôi phải trừng trị cậu một lần cho cậu chừa thói hèn mạt, khốn nạn của cậu đi, đặng con gái nhà nghèo khỏi bị hư danh thất tiết nữa. Tôi ghi lên mặt cậu vài vết thương để cậu nhớ mà bỏ tật xấu, và cho thiên hạ biết mà tránh xa cậu. - Chú có ý muốn chém cho cậu hai chết hay không? - Không. - Chú không có ý ấy, vậy tại sao chú ra chận đường người ta, và chú có đem dao theo nữa? - Chém chết làm chi cho uổng. Hãy để cho cậu sống đặng cậu làm gương cho con trai nhà giàu khác, nếu họ có tánh như cậu thì họ thấy vậy mà họ sợ mà chừa thói xấu đó cho con nhà nghèo nhờ chớ. - Chú còn khai điều gì nữa hay không? - Hết rồi. Bà Cai với mợ Hai nghe Ba Cam khai như vậy thì ngó nhau chưng hửng. Mợ Hai buông cậu Hai ra rồi ngồi khoanh tay mà thở dài. Bà Cai nói rằng: - Té ra thằng nầy là em Cai tuần Bưởi mà. Hương quản đáp: - Thưa phải, nó là em thằng Bưởi. - Nếu vậy tôi đuổi thằng Bưởi, rồi anh em nó âm mưu với nhau mà chém con tôi đây chớ gì. Hương quản có bắt thằng Bưởi hay không? - Thưa bà, thằng Bưởi có tội gì đâu mà bắt. Hồi chém cậu Hai thì có mình thằng Cam, chớ anh nó không có ở đấy. Mấy người chứng đều khai như vậy hết thảy, tôi bắt thằng Bưởi sao được. - Dầu nó không chém, nó cũng xúi, vậy thì nó cũng đồng tội với em nó chớ. - Xin lỗi bà, cái đó là bà nghi mà thôi, mà tình nghi thì không phải bằng cớ. - Không biết. Hương quản làm sao công bình đó thì làm. Tôi nói trước cho mà biết, việc nầy tôi không nhịn đa. Tôi phải giết chết hết cả nhà cả lũ nó tôi mới nghe. - Thưa bà, nếu bà thấy tôi làm chỗ nào không công bình thì bà cứ thưa tôi đi, chớ bà hăm tôi như vậy thì tội nghiệp tôi lắm! - Chú nói chú làm công bình sao tôi biểu chú bắt thằng Bưởi mà chú không chịu bắt? - Nó có tội gì đâu mà bắt? - Tự ý chú. Nó có tội hay là không tội để lên quan rồi sẽ biết. Chú làm tới chức Hương quản tôi đâu dám cải lịnh chú. - Thưa bà, bà nói gay gắt làm chi. . . - Thôi tôi không cãi với chú nữa mà. Bây giờ tôi xin chở người bịnh đi nhà thương chú cho hay không? - Phải để tôi lấy khai rồi mới giải đi một lượt chớ. - Chờ chú giải, người ta chết còn gì? - Thưa, tôi giải nội buổi hầu chiều nay. Cậu Hai làm khai đi, đặng tôi coi tôi đặt tờ bẩm. Bà Cai bước lại bàn tính nho nhỏ việc gì với cậu Hai đó không biết rồi bà xách dù ra xe mà về. Mợ mượn một người viết khai dùm cho cậu Hai. Ba Cam kêu Ba Rạng mượn viết dùm một bức thơ gởi ông thầy kiện Tô Lê là chủ anh, mà thuật mọi việc xảy ra cho ổng nghe. Anh ta dặn đề bao thơ như sau: "Mông - xừ Tô Lê, trạng sư ở đường Kinh Lấp, số nhà 112 –Sài Gòn". Trong lúc cậu Hai Nghĩa làm khai, và Ba Rạng viết thơ, thì con Lựu một tay bồng con, một tay bưng một quảo nhỏ đựng cơm cá đem ra cho Ba Cam ăn. Ba Cam ngồi ăn cơm, con Lựu bồng con đứng một bên, mặt mày buồn xo. Cậu Hai Nghĩa day mặt chỗ khác, tuồng như không biết mẹ con con Lựu. Ba Cam thấy vậy bèn cười gằn và nói: - Qua đã rửa nhục cho em được rồi. Từ rày sắp lên nó mang tiếng xấu chớ em hết xấu nữa. Dầu qua ở tù em cũng đừng buồn. Qua đã rửa nhục cho em mà qua ở tù thì qua vui lòng lắm, không hại chi đâu mà sợ. Con Lựu lấy vạt áo mà lau nước mắt. Mợ Hai Hưởng ngồi ngó mẹ con con Lựu lườm lườm, trong bụng mợ những muốn phanh thây xẻ thịt chúng nó hết, ngặt vì mợ nghĩ làng lạ nếu làm rầy thì mình có lỗi, mà lại thêm xấu cho chồng, chớ không có ích gì, bởi vậy mợ dằn lòng nhịn thua mà coi bộ mợ tức giận lung lắm. Đến trưa, xe của cậu Hai trở lên, nhưng không có bà Cai. Hương quản góp tờ khai và làm tờ bẩm xong rồi mới kêu xe mà đi giải. Cậu Hai và mợ Hai đi xe nhà. Hương quản còng Ba Cam lại rồi dắt ra đi chung xe với mình. Cai tuần Bưởi với Ba Rạng cũng mướn một xe mà đi theo coi việc hiền dữ thế nào? Xuống tới chợ Gò Công đã 3 giờ chiều rồi. Cai tuần Bưởi với Ba Rạng ghé nhà dây thép[2] mua cò gởi cái thơ cho ông Thầy Kiện giùm cho Ba Cam, rồi mới dắt nhau qua Tòa Bố. Bà Cai đi hồi nào không biết, mà vô tới cửa Tòa Bố thì đã thấy bà đứng chực sẵn ở đó rồi. Bà bước lại nói nho nhỏ với cậu Hai chuyện chi không biết, mà bà chỉ trỏ Cai tuần Bưởi hoài. Ba Cam tuy bị còng, song sắc mặt như thường chẳng hề lộ một vẻ lo sợ chi hết. Ðến giờ quan Chánh Bố cho hầu, chú cai hầu mới ra cửa kêu lớn: - Ai hầu quan lớn thì vô. Hương quản Bình Phú Tây rút tờ bẩm trong tay rồi dắt Ba Cam với cậu Hai Nghĩa vô. Thầy thông ngôn rước lấy tờ bẩm, mắt thì coi miệng thì dịch lại cho quan lớn nghe. Quan lớn bước ra xem thương tích cậu Hai Nghĩa, rồi trăm tiếng Tây với thầy thông ngôn và cầm con dao mà coi. Thầy thông ngôn hỏi cậu Hai Nghĩa vậy chớ ai chém cậu. Cậu chỉ Ba Cam. Thầy lại hỏi vậy cậu có nghe ai xúi Ba Cam chém cậu hay không. Cậu nói cậu nghe Cai tuần Bưởi xúi. Thầy thông ngôn nói lại cho quan lớn một hồi rồi thầy day ra rầy Hương quản om sòm; thầy nói Hương quản làm việc không công bình, ăn tiền rồi binh vực bọn du côn, sao không chịu bắt tên Bưởi. Hương quản chưng hửng, rón rén bẩm rằng: - Bẩm thầy, tên Bưởi có tội gì mà bắt? - Nó xúi em nó chém người ta, sao chú lại nói không có tội? - Bẩm, hồi trên làng cậu Hai Nghĩa không có khai như vậy: xin thầy đọc lá khai của cậu lại mà coi. - Ê! Chú ngu lắm. Còn nói gì nữa mà! Chú muốn mất chức hay sao? - Bẩm thầy, thầy mắng tôi oan quá. Tên Cam chém rồi tên Bưởi mới chạy ra, chứng đều khai như vậy mà tôi bắt nó sao được. - Nín! Nghe nói có tên Bưởi đi theo đó phải không? - Bẩm có nó đứng ngoài kia. - Cai đòi tên Bưởi vô hầu quan lớn. Cai hầu chạy ra kêu tên Bưởi mà dắt vô. Cai tuần Bưởi khoanh tay đứng trước mặt quan lớn, coi bộ sợ sệt lắm. Thầy thông ngôn nói với quan lớn một hồi rồi day ra nói với tên Bưởi rằng: - Quan Lớn hỏi mầy vậy chớ sao mầy dám xúi em mầy chém người ta? - Bẩm quan Lớn, tôi đâu có xúi. Em tôi nó nói với tôi nó đi chợ chơi. Ra đường nó gặp cậu Hai Nghĩa, hai đàng cãi lẫy với nhau sao đó, rồi chém. Tôi có hay đâu. Chừng tôi hay, tôi chạy ra, thấy như vậy, tôi rầy nó dữ quá, quan Lớn đòi chứng hỏi mà coi. - Quan Lớn nói anh em mầy là du côn, quan Lớn bỏ tù hết thảy. Cai dắt hai thằng nầy đem xuống khám cho mau. Còn cậu Hai Nghĩa ra ngoài chờ một chút, đặng tôi viết giấy cho quan lớn ký tên rồi cầm qua nhà thương cho thầy khám bịnh. Cai hầu dắt Ba Cam với Cai tuần Bưởi ra cửa đặng đi xuống khám. Ba Cam thấy Ba Rạng thì nói rằng: - Nó lo tiền mà làm hại luôn anh Hai tôi nữa. Không có sao mà sợ. Anh làm ơn viết tiếp một bức thơ nữa rồi gởi liền cho Thầy Kiện chủ tôi hay. Bề nào cũng phải giải qua Tòa Mỹ Tho, ông chủ tôi không bỏ tôi đâu. Ba Rạng đứng ngẩn ngơ chưa kịp hỏi chi hết, thì họ đã dẫn Bưởi với Cam vô khám. Anh ta ra chợ mua một tờ giấy, rồi mượn viết mực mà viết một bức thơ nữa đặng nói cho ông Thầy kiện Tô Lê hay rằng Ba Cam đã bị giam và người ta vu cáo nên tên Bưởi là anh, cũng bị giam luôn nữa. Anh ta đề bao cũng như bức thơ trước, mua cò[3] mà gởi rồi mới lên xe trở về Bình Tây. Lối đỏ đèn Ba Rạng mới về tới nhà. Anh ta đi thẳng lại nhà Cai tuần Bưởi mà thông tin cho chị hay trước. Khi anh ta bước vô, thì thấy thằng Cu đương ngồi nói chuyện với Thị Tố và con Lựu. Thị Tố vừa ngó thấy Ba Rạng thì hỏi rằng: - Hương quản giải xuống quan Lớn xử sao đó? Còn anh Hai mầy đâu? Ba Rạng lắc đầu đáp rằng: - Không xong. Quan Lớn giam chú Ba Cam, mà giam luôn anh Hai nữa. Ai nấy nghe nói đều chưng hửng. Thị Tố vùng đứng dậy hỏi rằng: - Anh Hai mầy tội gì mà bị giam? - Tôi có biết đâu. Hồi sớm mai tôi nghe bà Cai nói với Hương quản ngoài nhà việc, tôi nghi lắm. - Nói giống gì? - Bà nói để bả thí ít ngàn đồng bạc, bả giết chết hết thảy. Chắc tại như vậy nên anh Hai bị giam chớ gì. - Trời ơi, quân độc ác như vậy đó, nó có tiền nó muốn hại ai cũng được hết thảy, trời có thấy hay không, hử trời! - Chuyện gì cũng để thủng thẳng rồi sẽ tính, chớ chị la om sòm chi vậy? - Ức người ta lắm, nín sao cho được. - Chị đừng có nóng, để tôi nói cho chị nghe. Việc nầy bề nào cũng phải giải lên Tòa, chớ dưới nầy mà bỏ tù ai được. Không lẽ lên Tòa mà bà Cai còn hại anh Hai với chú Ba Cam được nữa. Thôi mình đừng chộn rộn, đợi giải lên Tòa coi Tòa xử làm sao rồi sẽ hay. Chú Ba Cam có nói ông chủ của chú làm Thầy kiện, ông thương chú lắm, chú chắc ổng không bỏ chú đâu. Tôi đã có gởi cho ổng hai bức thơ rồi. Nếu ổng binh chú Ba thì mười bà Cai mình cũng không lo, chẳng luận là một mình bả. Ai nấy nghe Ba Rạng nói thì vững bụng được một chút, duy có con Lựu vừa khóc vừa nói rằng: - Vì cái thân tôi, mà hai anh tôi đều phải bị hại, tôi nghĩ thiệt tôi muốn chết phứt cho rồi. Thằng Cu châu mày nói rằng: - Tôi chắc anh Hai với anh Ba vì cô mà bị hại đó, hai ảnh không có buồn đâu. Nếu tôi mà được bị hại chung với hai ảnh, tôi chắc cũng không buồn. Tôi nói thiệt a, ý cô Tư muốn sao cứ nói đi, tôi làm liền cho cô coi. Tánh tôi hiền lắm, thuở nay không khi nào tôi biết gây gổ với ai. Mà nãy giờ tôi nghe nói chuyện sao tôi nổi dóa quá. Con Lựu khóc thút thít và đáp: - Anh Ba tôi nghe nói anh cho mượn hai mươi đồng bạc đặng tôi uống thuốc. Ảnh có cho tôi số bạc ấy đặng trả cho anh. Bây giờ anh Hai với anh Ba tôi bị chuyện, vậy anh làm ơn để cho tôi mượn số tiền ấy đặng lo cho anh Hai tôi, rồi thủng thẳng sau tôi sẽ trả được không? - Được, được mà. Cô không trả cũng được, tôi không đòi đâu. Mà bây giờ lo làm sao đây? - Chuyện đó tôi cậy anh Ba tính giùm, chớ tôi với chị Hai tôi có biết đâu. Ba Rạng nói: - Lo giống gì được mà lo. Người ta giàu có bạc muôn, mình có một hai chục đồng bạc, mình cự với người ta sao nổi. Mình đem tiền ra mà lo, chẳng khác nào như mình quẳng xuống sông, có ích gì. Để mai tôi xuống Gò Công tôi hỏi dọ coi chừng nào họ giải Tòa. Hễ họ giải thì tôi đi theo lên Mỹ Tho coi Tòa phân làm sao rồi tôi sẽ liệu. Tôi chắc anh Hai vô tội, nên không hại gì đâu, còn chú Ba Cam thì có ông Thầy Kiện, có lẽ ổng cũng đỡ vớt chú chớ. Thằng Cu vụt nói: - Bữa nào họ giải anh Hai đi Mỹ Tho tôi cũng đi nữa. Thị Tố nói rằng: - Mầy mắc ở cho ông Cả, mầy đi sao được? - Tôi nói với chủ tôi cho tôi nghỉ ít bữa đặng tôi đi, sao lại đi không được. Sáng mai anh Ba đi hỏi thăm đi. Anh nghe chắc bữa nào giải, anh cho tôi hay, rồi hai anh em mình đi. - Hai anh em bây giờ ráng lo giùm một chút, chớ tao mắc sắp nhỏ, tao có đi đâu được. Bây liệu làm sao được đó bây làm, đừng có để nó bỏ tù luôn tới anh Hai bây thì tức lắm. Ba Rạng trợn mắt: - Cái thứ đó có tiền mà độc ác, hễ giận ai thì quăng tiền ra mà hại người ta có giỏi gì. Người như vậy dầu giàu sang cho mấy tôi cũng không phục. Như chú Ba Cam vậy đó đúng đa. Dám nói dám làm. Chú chém nó mà chú nói nghe sướng. Làm như vậy tụi nó mới ghê, hết dám ăn hiếp con nhà nghèo nữa. Ba Rạng nói dứt lời bèn đi về nhà mà nghỉ. Thình lình trời xán một đám mưa thiệt lớn. Thằng Cu nghe tin Ba Cam chém cậu Hai Nghĩa, tính lên thăm một chút rồi về, té ra trời mưa. Thị Tố cầm ở lại ngủ rồi khuya sẽ về. Nó nằm tại bộ ván giữa nói chuyện chơi với Thị Tố, còn con Lựu thì dỗ con dưới võng. Nó nói chuyện nầy rồi bắt qua chuyện nọ, mà chuyện nào nói cũng thiệt thà, lời nào nghe cũng trung hậu. Thị Tố than cái thân của con Lựu với nó. Nó lóng tai nghe rồi thở ra mà nói: - Lỗi tại tôi. Chớ chi tôi nghe lời anh Hai, tôi cưới phứt cô Tư hồi năm kia, thì cô khỏi có chuyện gì hết. Con Lựu nghe nói như vậy thì gác tay qua trán day mặt vô vách, nằm nín khe. Đến khuya Ba Rạng thức dậy sửa soạn đi Gò Công, thấy Thị Tố có đốt đèn, bèn xuống nói cho chị hay rồi sẽ đi. Thằng Cu cũng đương sửa soạn đi về Đập Ông Canh nên hiệp với Ba Rạng đi cho vui. Thị Tố lấy 20 đồng bạc đưa cho em. Ba Rạng không chịu lấy, nói rằng để đi dọ hỏi coi chuyện trở ra sao rồi sẽ tính. Thị Tố biểu lấy ít đồng bạc mà đi xe. Anh ta cũng lắc đầu mà đáp rằng: - Thôi, đi bộ được mà. Đi xe làm chi cho tốn kém. Chiều lại Ba Rạng trở về ghé Đập Ông Canh mà cho thằng Cu hay rằng mình nghe đến mốt sẽ giải Cai tuần Bưởi với Ba Cam lên Tòa. Thằng Cu nói: - Chiều mai tôi sẽ lên rồi đi Mỹ Tho với anh. Thiệt quả chiều bữa sau thằng Cu lên, mình mặc một cái áo vải trắng mới với một chiếc quần vải đen cũng mới, nên coi bộ sạch sẽ hơn ngày thường. Nó ở ngủ tại nhà Ba Rạng. Đến canh ba vợ Ba Rạng dậy đặng nấu cơm cho hai người ăn rồi dắt nhau đi bộ lên Chợ Gạo, tính qua đó rồi sẽ mướn xe đi Mỹ Tho cho rẻ tiền. Việc Cai tuần Bưởi với Ba Cam giải lên Tòa, quan Biện lý[4] xét Cai tuần Bưởi nên thả về; còn Ba Cam chém cậu Hai Nghĩa, có giấy quan thầy thuốc chứng rằng người bịnh phải nằm nhà thương ít nữa 15 ngày mới lành mấy vết thương ấy được, nên quan Biện lý làm giấy giam phạm nhơn, đợi chừng nào cậu Hai Nghĩa lành mạnh rồi sẽ đòi mà xử. Vì khi vô Tòa, Ba Rạng với thằng Cu đã có gặp và có nói chuyện với hai anh em Cai tuần Bưởi rồi, nên khi Tòa dạy giam Ba Cam, thì Ba Rạng viết một bức thơ nữa mà gởi cho ông Thầy kiện Tô Lê rồi mới dắt nhau trở về Bình Phú Tây. Thị Tố với con Lựu nghe Cai tuần Bưởi được Tòa tha thì mừng, song nghe nói Ba Cam còn bị giam thì trong lòng chưa yên. Cai tuần Bưởi nói rằng: - Không sao mà sợ, thằng Cam nó biểu đừng lo, ông Thầy Kiện cần dùng nó lắm. Nếu nó ở tù thì ai cầm bánh xe hơi cho ổng đi. Nó nói bề nào ổng cũng phải binh nó. Nó chắc hễ ổng đi hứng gió về thì ổng xuống Mỹ Tho ổng xin cho nó ra. Thằng Cu ở chơi với Cai tuần Bưởi một đêm rồi sáng bữa sau nó mới về. Cách chừng 10 bữa, Cai tuần Bưởi tiếp được một bức thơ của Ba Cam gởi mà nói rằng anh ta bị Tòa giam hết 3 ngày rồi có ông Thầy Kiện xuống lãnh, nên Tòa thả ra, song Tòa dặn hễ chừng nào có trát đòi thì phải đi hầu. Cách vài mươi ngày nữa, Cai tuần Bưởi lại tiếp được một phong thơ thứ hai của Ba Cam nói rằng Tòa xử rồi, Tòa phạt anh ta một tháng tù treo và 25 quan tiền vạ. Tuy anh ta bị án, song án treo nên khỏi ở tù; lại bữa xử có ông Thầy Kiện xuống cãi lẽ, ổng cãi mà ổng bày hết cử chỉ đê tiện của cậu Hai Nghĩa ra Tòa nghe làm cho thiên hạ cười cậu Hai Nghĩa với bà Cai Hiếu gục mặt hổ thẹn hết sức. Trong thơ Ba Cam lại có gạch mà nói riêng với con Lựu mấy câu: "Còn em Lựu, bữa qua về thăm em, qua có hứa với em hai điều: một là rửa nhục cho em, hai là sẽ bảo bọc em. Điều thứ nhứt qua đã làm rồi; tuy qua bị án, nhưng thằng Nghĩa nó mang mấy vết nhục trên mặt nó trọn đời, không thể nào nó chùi cho tiêu được. Còn điều thứ nhì, để thủng thẳng qua tính, chừng nào qua tính xong rồi qua sẽ cho em hay". Mấy lời của Ba Cam nói thiệt là trúng. Cậu Hai Nghĩa tuy đã lành mạnh rồi, bà Cai Hiếu tốn hao không biết bao nhiêu, song trên mặt của cậu hết khôi ngô nữa, và trong lòng cậu hổ thầm hoài, bởi vậy từ rày cậu cứ lục thục ở trong nhà, không muốn đi đâu nữa hết. __ Chú thích: 1. thá, ví: tiếng dùng điều khiển trâu trong lúc cày bừa. Thá có nghĩa đi ra hướng ngoài của mảnh đất, ví đi hướng bên trong. 2. Bưu điện 3. Tem thơ ▲ trong ngành tư pháp, người cầm đầu một Công tố viện (sau 75 gọi là viện Kiểm sát) lo việc truy tố
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
.
 
Trở lên đầu trang