[Việt Nam] Cay Đắng Mùi Đời

Chương 1 : I

Người đăng: Lịch sử Việt Nam

Ngày đăng: 15:02 09-09-2019

.
Ai đi đường Chợ Lớn xuống Gò Công hễ qua đò Bao Ngược rồi lên xe chạy ra khỏi chợ Mỹ Lợi tới khúc quanh, thì sẽ thấy bên phía tay trái cách lộ chừng ít trăm thước có một xóm đông, kêu là xóm Tre nhà ở chật, cái trở cửa lên, cái day cửa xuống, tre xanh kịch bao trùm kín mít, ngoài vuông tre thì ruộng bằng trang sấp liền từ giây. Qua mùa mưa cây đượm màu, ruộng nổi nước, thì trông ra chẳng khác nào cù lao nằm giữa sông lớn. Ðến nửa tháng năm trời mưa dầm dề ngày nào cũng như ngày nấy. Chiều bữa nọ trận mưa mới tan, bóng mặt trời chói chói phía bến đó, trong xóm nhà nhúm lửa nấu cơm chiều khói lên ngui ngút; tre níu nhau mừng trời mát lá giũ phất phơ. Ngoài đồng náo nức nông phu; bạn cày thá ví[1] tiếng vang vầy, công cấy hát hò hơi lảnh lót. Dưới sông Bao Ngược ghe chài chở lúa trương buồm trôi theo dòng nước, chiếc nào chở cũng khẳm lừ. Trên lộ Cây Dương xe ngựa đưa người núc ních chạy chậm rì, tiếng lục lạc nhỏ khua xa xa nghe như tiếng nhái. Dưới cuối xóm, phía mặt trời lặn, có một cái nhà lá đã nhỏ mà lại thấp, muốn vô nhà qua cửa phải cúi đầu. Dựa bên nhà có một cái chuồng vịt, tuy xấu nhưng mà sạch, nên không hôi cho lắm. Trước sân thì ướt át có một đám rau đắng đất không trồng mà mọc, dường như tỏ dấu người ở trong nhà chẳng biết ngọt bùi. Còn sau hè thì có hai hàng chuối xơ rơ, chớ không có một bụi tre, bởi vậy ở một xóm mà khác mấy nhà trong xóm. Trong nhà im lìm vắng vẻ, chỉ có mấy con gà giò kiếm ăn chéo chéo dưới dàn, với một con chó vàng ốm, nằm dựa xó cửa lim dim như buồn ngủ. Cách một lát con chó vùng đứng dậy ngoắt đuôi, mấy con gà giật mình chớp cánh chạy vô buồng, còn ngoài bờ có một đứa trai nhỏ, chừng tám chín tuổi, trần truồng, thủng thẳng lùa một bầy vịt vô sân, sau lưng có một con heo đen ột ệt đi theo lấm luốc. Vô tới sân con heo đứng dựa đám rau đắng ngoắt đuôi mà ngó vô nhà, còn đứa nhỏ thì chạy lăng xăng chận bầy vịt mà nhốt. Lúc thằng nhỏ đương đóng cửa chuồng vịt thì con chó thủng thẳng bước ra ngoắt đuổi mừng, rồi liếm cẳng liếm tay, coi như hình tiếp rước. Thằng nhỏ vỗ trên lưng con chó vài cái rồi đi lại chỗ khạp nước để trước cửa đứng mà kêu heo: "Quắn, quắn ột! Quắn ột, ộc ột". Con heo núc ních đi lại, thằng nhỏ mới lấy gáo múc nước trong khạp xối mà kỳ rửa bùn đất sạch sẽ rồi lùa vô nhà. Lo cho vịt heo xong rồi, nó mới trở lại chỗ khạp nước nữa. Con chó chạy theo đứng xẩn bẩn bên chưn. Nó múc nước xối tắm, con chó sợ nước đổ ướt lông nên nhảy trái chạy vô nhà đứng ngó. Thằng nhỏ thấy vậy tức cười ngất rồi nói rằng: "Sao chạy đi? Ra đây tắm với tao chơi mà!". Thằng nhỏ đứng tắm mặt mày sáng rỡ, da trắng, thịt săn, hai bàn tay ngón tròn mà dài, đầu cạo chừa khớp tóc xuống khỏi ót, hình dạng nhắm coi thì chẳng kém chi con nhà sang giàu, nhưng mà vì bởi trong chốn lậu hạn bần cùng, nên dầu ngọc cũng phải lu, dầu vàng cũng mất nước. Con chó vàng thình lình trong nhà vụt chạy thẳng ra sân, thằng nhỏ ngó theo thì thấy ngoài bờ có một người đàn bà xăm xăm đi vô, nó liền la lớn "má về", rồi buông gáo chạy ra nắm tay mừng rỡ mà dắt vô. Người đàn bà nầy trạc chừng ba mươi bốn tuổi, áo xăn ngang, ống quần vo tới đầu gối, nước da không đen không trắng, mặt tròn, chơn mày rậm, mình thấy ướt loi ngoi, sau lưng có giắt một cây nọc cấy, trên đầu bịt trùm khăn vải trắng, ngoài đội thêm một cái nón lá dừa, đi vô tới sân, mắt liếc ngó chuồng vịt rồi hỏi thằng nhỏ: - Con cho heo ăn rồi hay chưa vậy con? - Chưa má à! Tôi mới tắm rồi đuổi vô nhà đó đa. - Vịt về đủ hay không con? - Tôi nhốt mà quên đếm. Thằng nhỏ nói chưa dứt lời, liền chạy lại chuồng vịt còn người đàn bà thì đi thẳng vô nhà thay áo quần. Một lát thằng nhỏ ở ngoài nói: "Ðủ chín con, má à". Người đàn bà ở trong buồng trả lời: "Ðược ơi! Thôi con tắm rồi bận áo kẻo lạnh lắm con". Thằng nhỏ nói: "Tôi tắm rồi". Mẹ con bận áo quần xong rồi thì trời đã chạng vạng tối, ngoài bụi chuối nhái kêu chót chét, dựa xó hè dế đất ngâm nga. Mẹ thì đi nhúm lửa rồi vo gạo nấu cơm, còn con thì lấy cám sú cho heo ăn. Cơm chín mới đốt đèn dọn ăn, tuy có một dĩa rau với vài con cá sặt nhỏ mà mẹ con đói bụng nên ăn ngon lành, cũng như người ta ăn chả phụng khô lân. Lúc ăn cơm người đàn bà liếc ngó thằng nhỏ hoài, coi cặp mắt thì biết trong lòng thương nó lắm, song chẳng hiểu vì cớ nào bữa ấy hễ ngó con rồi day mặt chỗ khác, lại có sắc buồn. Ăn cơm rồi gài cửa tắt đèn mẹ con dắt nhau vào buồng mà ngủ. Người đàn bà này là Lê Thị Thời có một người anh thứ hai tên là Lê Văn Tiết, chị ta nhằm thứ ba, nên từ khi có chồng cho đến nay trong xóm kêu là Ba Thời. Chị ta mồ côi cha mẹ, lúc còn nhỏ thì ở đợ cho ông cả trong làng, đến chừng được mười chín tuổi, có tên Trần Văn Hữu ở xóm Cầu Mống, cũng con mồ côi, ở với chú mà làm ruộng, thấy chị ta giỏi giắn mới cậy mai đi nói mà cưới. Vợ chồng ở với nhau được hai năm, người chú mới cất cho một cái nhà lá nhỏ, tại đầu Cầu Mống đặng ra ở riêng mà làm ăn. Tuy tên Hữu có tánh lỗ mãng, ăn nói không chừng, song vợ chồng ở với nhau cũng thuận hòa, mướn được một mẫu ruộng rồi vợ chồng gia công mà làm, làm ruộng nhà rồi lại đi cày cấy nhổ mạ, gặt lúa mướn cho người ta nữa, bởi vậy cho nên năm nào trong nhà cũng có dư được năm bảy chục giạ lúa. Vợ chồng với nhau đến năm năm mới sanh được một đứa con gái. Thời chẳng may nên con nhỏ nuôi được bốn tháng rồi nó chết. Vợ chồng buồn rầu thối chí, hết muốn làm ăn, mà nhứt là tên Hữu nhớ con khóc hoài, tính trả ruộng đặng đi làm mượn, chớ không chịu lo cày cấy nữa. Ba Thời năn nỉ khuyên lơn hết sức mà chồng không nghe lời, làm mãn mùa rồi mới trả ruộng lại cho chủ mà đi chèo ghe mướn. Chồng đi khỏi, Ba Thời ở nhà một mình nuôi vịt nuôi gà, đi xúc đi tát, rồi đem đổi gạo mà ăn cho qua ngày. Một đôi tháng chồng về một lần, mà về thì thăm một ngày một buổi rồi đi, chớ không cho vợ một cắc nào, mà coi bộ quạu quọ nữa. Có một lần tên Hữu về, Ba Thời năn nỉ khuyên chồng ở nhà, dầu nghèo nàn cực khổ, đủ vợ chồng hủ hỉ cũng vui, tên Hữu nổi cộc bèn nạt rằng: "Mầy không bằng lòng thôi thì lấy chồng khác đi, hay là về ngoài anh mày mà ở đừng có nói nhiều chuyện lắm vậy". Nói rồi bận áo bỏ ra đi nữa. Cách sáu bảy tháng sau, Ba Thời nghe người ta nói chồng mình đã có vợ khác bên Cần Ðước và đã dắt nhau xuống Cần Thơ mà làm ruộng. Chị ta nghe chồng bạc bẽo thì phiền não vô cùng, vào ra quạnh quẽ hết muốn làm ăn, sớm tối thở than khó cầm giọt lụy. Nhà một ngày một nghèo, hai mái dột hết, không có tiền mua lá mà lợp lại, vô thưa với chú chồng thì ông biểu: "Thằng chết vằm đó nó không thương con, thôi con bỏ nhà về ngoài anh con mà ở, rồi con muốn lấy chồng khác thì lấy, chớ chú biết liệu làm sao bây giờ". Ba Thời đã sẵn ý phiền chồng, nghe chú chồng nói xuôi xị như vậy lại càng buồn thêm nữa, nên giao nhà cho chú chồng rồi gói áo quần trở về Xóm Tre mà nương náu với anh. Tuy chồng bạc bẽo thì phiền, nhưng mà chị ta vẫn cũng còn thương hoài chẳng hề tính lấy chồng khác, nên về ở với vợ chồng Lê Văn Tiết gần một năm, ngày lo làm công việc, tối nằm mảng đợi trọng, thầm vái van cho chồng nghĩ bụng trở về, đặng cho cá nước sum vầy, dầu cực khổ cũng cam tâm mà chờ vận. Trông đã mỏi mắt, mà chồng chẳng thấy về, Ba Thời thối chí hết muốn làm ăn nữa. Ba Thời ở với anh được một năm, kế có chú Tích là người gốc ở Xóm Tre, song mấy năm nay lên Chợ Lớn làm ăn, tuy có bà con trong họ muốn bán ruộng của ông bà lưu lại nên kêu chú về đứng giấy. Nhơn dịp ấy chú dắt vợ con về thăm bà con trong làng, tiện bước ghé thăm luôn hai anh em tên Tiết. Thím Tích thấy Ba Thời thì liền hỏi thăm việc chồng con, rồi khuyên Ba Thời theo mình lên Bình Tây ở mà vá bao cho nhà máy xay lúa. Ba Thời đương buồn chồng cuồng trí, nên nghe biểu như vậy liền nói với anh và chị dâu mà đi. Theo thế thường, tình chị dâu em chồng chẳng mặn nồng chi cho lắm, nhưng mà vợ tên Tiết thấy Ba Thời vô duyên bạc phận, chồng bỏ bơ vơ thì đem lòng thương, nên không muốn để cho Ba Thời đi, mà vì bởi tên Tiết thấy em ngày lơ lửng tối thở than, muốn cho em đi xa ít tháng đặng giải khuây, nên không nỡ cản. Vợ chồng chú Tích ở một cái chòi nhỏ tại Bình Tây, thuộc phía sau nhà máy thổi. Ngoài mé sông đi dọc theo đường hẻm dựa nhà máy, đi mút tấm vách tường nhà máy phải băng ngang qua một miếng đất trống, mả mồ lúp xúp, cây lứt, u du mọc tàn lan, lại còn phải đi vòng theo mé vũng rau muống biển mọc đầy, rồi mới tới nhà chú Tích. Vợ chồng ở đây làm mấy năm cũng đủ ăn, chồng thì vác lúa, vợ thì vá bao, còn con gái, được mười lăm tuổi tên là con Thiện, thì coi nhà nấu cơm vá áo. Ba Thời lên với vợ chồng chú Tích, mỗi ngày đi theo thím Tích mà vá bao, chẳng phải là vì thấy mỗi tháng ăn uống rồi còn dư được năm ba đồng bạc mà hết buồn, thiệt là vì ở xứ lạ không thấy người quen, mà nhứt là nhờ thím Tích hay kiếm chuyện nói cho vui nên Ba Thời lần lần khuây lãng. Tuy vậy mà cũng chẳng có khi nào mà Ba Thời tính tới sự cải giá, tự nguyện rằng dầu chồng chẳng tưởng mình cũng giữ cho trọn tiết với chồng. Có đêm trời mưa rỉ rả, gió thổi lạnh lùng, Ba Thời nằm nhớ đến chồng thì dầm dề giọt lụy, thầm tiếc rằng chớ chi mà con còn sống, dầu chồng có bỏ, thì hủ hỉ với con, cũng còn có chỗ vui, ngặt vì chồng đã biệt mất, mà con cũng không còn, nên mới đau đớn chốn cô phòng hiu quạnh. Ba Thời ở với vợ chồng chú Tích được một năm, bữa nọ vá bao đến tối, thím Tích đi về trước còn Ba Thời mắc qua chợ Bình Tây mua ít con khô lóc đem về ăn, nên thủng thẳng về sau. Về đến miếng đất trống ở phía sau nhà máy, lúc ấy đã bảy giờ tối lại nhằm lúc mùng bảy mùng tám, nên trăng không được tỏ. Ba Thời đương đi, thình lình nghe trong bụi lứt[2] dựa gò mả có tiếng con nít khóc, Ban đầu chị ta tưởng ma nhát nên ngực nhảy hồi hộp, mặt mày tái xanh, muốn bỏ mà chạy. Song chị ta nghĩ trời mới tối không lẽ có ma, mà dầu có ma thiệt đi nữa, đây cũng đã gần nhà không đủ lo sợ, nên chị ta đứng lại lóng nghe cho chắc coi thiệt phải con nít khóc hay không. Ba Thời đứng lóng nghe thì tiếng khóc một hồi rồi nín. Chị ta vừa muốn bỏ đi, lại nghe khóc nữa. Chị ta mới làm gan lần lần đi vô bụi lứt coi vì cớ nào mà có con nít khóc trong đó. Ði gần tới thì tiếng khóc lại càng lớn hơn nữa. Chị ta vừa đi vừa phập phồng, chưn thì bước mà mắt thì ngó chừng nhà. Tới bụi lứt thiệt quả thấy có một đứa con nít nằm ngửa mà khóc, chung quanh có bao một cái mền tua trắng. Chị ta ngó chừng nhà chú Tích thì thấy có đốt đèn nên trong lòng bớt sợ, bèn cặp mấy con khô vô nách rồi thò tay đem hết cái mền và đứa nhỏ mang về. Ba Thời bước vô nhà, vợ chồng chú Tích thấy có bồng con nít trum trủm trước ngực thì chưng hửng, không biết bồng con của ai. Ba Thời bèn thuật hết đầu đuôi việc mình xí được đứa nhỏ lại cho vợ chồng chú Tích nghe, rồi mới biểu thím Tích đem đèn lại đặng có dở đứa nhỏ ra coi bao lớn, con trai hay là con gái, có đau ốm chi hay không. Ba Thời ngồi ghé phía đầu ván, thím Tích thì cầm đèn, còn chú Tích với con Thiện thì đứng ngó. Ba Thời dở mền ra thì thấy một đứa con trai, chừng năm sáu tháng, da trắng, tóc đen, môi son, miệng rộng, cườm tay như ống chỉ, bắp chưn như củ cải, đầu đội cái mũ kết bằng lụa màu bông phấn, mình mặc một cái áo đầm cũng bằng lụa màu bông hường, ở truồng mà chơn có mang một đôi vớ bằng chỉ len màu lông két[3], còn cổ lại có đeo một sợi dây chuyền vàng nhỏ. Ðứa nhỏ bị chói đèn nên nheo nheo con mắt một hồi rồi bú tay, ngó đèn không la chi hết. Ba Thời thấy nó trắng trẻo ngộ nghĩnh mà chẳng bịnh hoạn thì mừng húm, liền bồng mà hun trơ hun trất rồi nói rằng: "Con ai như vầy mà đem đi bỏ cho đành? Mình xí[4] được, thôi, mình để nuôi chơi". Chú Tích liền cản rằng: "Không được đâu em! Qua coi tướng mạo áo mũ của thằng nhỏ này, qua chắc nó là con nhà giàu, có lẽ khi họ mướn vú nuôi rồi có việc chi đó vú nó bỏ lẩy. Nếu em giấu mà nuôi, qua sợ ngày sau lậu việc em mang tội chớ không chơi đâu". Ba Thời nói: "Người ta bỏ mình xí được thì mình nuôi, như họ có biết, họ đến đòi thì mình trả, chớ có tội gì... Ý! Mà tôi nghi có lẽ khi con gái nhà giàu chửa hoang đẻ lạnh, sợ để nuôi xấu hổ, nên họ đem đi bỏ đây chớ gì. Tôi tưởng tôi nuôi được mà, có sao đâu mà sợ". Chú Tích nghe nói ngẫm nghĩ một hồi, rồi khuyên Ba Thời có muốn nuôi, thì phải đi cớ cò bót hay, làm như vậy dầu ngày sau có ai mất con họ tìm ra mối, mình mới khỏi tội. Thím Tích cho lời của chồng nói là hữu lý, nên dọn cơm ăn rồi hối Ba Thời qua bót mà cớ. Lúc ngồi ăn cơm, Ba Thời để thằng nhỏ nằm một bên thì nó khóc như ác là[5]. Ba Thời thấy tội nghiệp, ngồi ăn không ngon, liền vạch áo cho nó bú thử vú da, thì nó hết khóc mà lại nút mạnh lắm. Thím Tích thấy vậy mới nói rằng: "Thằng nhỏ này nó khát sữa nên mới khóc chớ gì". Ăn cơm rồi Ba Thời mượn thím Tích dỗ giùm đứa nhỏ đặng đi với con Thiện ra quán mua hộp sữa bò về khuấy cho nó uống đỡ. Thằng nhỏ uống sữa no nê nằm lật chơi một hồi rồi ngủ chẳng la khóc chi nữa. Rạng ngày Ba Thời mới thức dậy cho thằng nhỏ uống sữa no rồi, mới mượn thím Tích dắt đường đặng bồng nó qua bót mà cớ. Chị ta thưa hết đầu đuôi việc mình xí được đứa nhỏ cho ông cò nghe, rồi nài xin ông cò cho đứt cho mình nuôi, chớ đừng có bắt lại. Ông cò nói không được, bời vì ổng không biết nó là con của ai, nên ổng không dám cho phép. Ba Thời năn nỉ hết lời, ông cò thấy vậy mới cho phép đem về nuôi song ổng dặn nếu có ai đến nhìn, có bằng cớ đủ, thì phải trả lại cho người ta. Ba Thời nghe nói như vậy thì dụ dự không muốn nuôi nghĩ vì mình nghèo bây giờ có nuôi thì phải mua sữa bò mà cho bú đã thất công mà còn tốn của, nếu một ngày kia phải trả lại cho người ta thì nuôi có ích chi đâu. Ông cò nói rằng đứa nhỏ này chắc là con nhà giàu, hễ cha mẹ nó đến nhìn thì ông sẽ biểu cho tiền mà đền công dưỡng dục không có sao mà sợ. Ba Thời trong lòng quyết xin đứt mà nuôi, nên dục dặc hoài, ông cò thấy vậy mới móc túi đưa cho chị ta một đồng bạc, biểu đem về mua sữa bò cho nó bú, mãn một tháng phải bồng nó qua bót rồi ổng sẽ liệu cho. Ba Thời bồng về, ban đêm thì chị ta dỗ ngủ, còn ban ngày thì mượn con Thiện ở nhà cho uống sữa săn sóc giùm, mỗi tháng cho nó năm cắc bạc, đặng chị ta đi vá bao mà kiếm tiền. Nuôi được ít bữa chị ta nhai cơm mà đút, tập đặng cho nó biết ăn lần lần, đêm nằm thường vái đừng có ai đến nhìn đặng cho chị ta nuôi làm con mà hủ hỉ cho quên nỗi chồng bạc bẽo. Trọn một tháng thằng nhỏ ăn chơi mạnh giỏi như thường, không có chún chứn òi ọp chi hết. Ðúng tháng Ba Thời bồng nó qua bót trình cho ông cò xem, thì ổng nói ổng có chạy giấy ra ngoài bót cái mà không thấy ai đến nhìn vậy như chị ta có muốn nuôi thì đem về mà nuôi, còn như không muốn nuôi thì trả tho ổng đặng ổng gởi vô nhà mồ côi, hoặc ổng cho nhà phước. Ba Thời tuy không chắc nuôi có bền hay không song thấy đứa nhỏ dễ thương nên không đành rứt mà giao cho người khác, bởi vậy đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi xin với ông cò để cho mình nuôi. Ông cò mới viết một cái giấy, ký tên đóng con dấu hẳn hòi, rồi đưa cho Ba Thời, biểu giữ cái giấy ấy, như ngày sau ai có nhận thì đem tới bót rồi trình cho cò họ xem khỏi ai trành tròng được. Ba Thời được cái giấy của cò thì mừng rỡ vô cùng. Tối bữa ấy tính đặt tên cho thằng nhỏ mà không biết đặt tên gì, bàn luận với vợ chồng chú Tích một hồi rồi nhứt định, mình xí được nó, thôi đặt tên nó là thằng Ðược. Nuôi thằng nhỏ hơn một năm, nó biết đi và biết nói chút đỉnh rồi, chẳng may chú Tích đau không mấy ngày mà chết. Thím Tích bị chồng đau túng rối, rồi chồng chết tốn hao nữa, nên trong nhà nghèo khổ phải tính lấy chồng khác mà nuôi tấm thân. Thím Tích có chồng rồi dắt con về ở theo chồng ngoài chợ đũi. Ba Thời một mình bơ vơ, nên phải bồng con giang ghe trở về Xóm Tre mà ở với anh. Mấy năm ở Bình Tây tiện tên để dành được ba mươi lăm đồng bạc. Lê Văn Tiết ở nhà nhờ ruộng trúng mấy năm cũng có dư được vài ba thiên lúa, làng lại cử làm chức phó thôn, thấy em về thì mừng rỡ, song thấy có thằng Ðược thì trong lòng sanh nghi. Ba Thời thuật việc thình lình mà gặp thằng Ðược lại cho anh chị nghe, rồi đưa giấy của ông cò cho anh chị coi, thì Lê Văn Tiết tin bụng em nên không hồ nghi chi nữa, nhưng mà vợ tên Tiết với xóm giềng ai thấy thằng Ðược nay đã được mười tám mười chín tháng, còn Ba Thời bỏ làng mà đi tính đã chẵn hai năm, thì cũng đều nghi cho Ba Thời đã có chửa hoang bốn năm tháng, sợ ở trong làng lậu việc, nên mới kiếm cớ mà đi, bởi vậy cho nên ai cũng xầm xì, ai cũng nói thằng Ðược là con của Ba Thời đẻ. Ba Thời chịu tiếng nhơ lấy làm oan ức, nhưng mà nghĩ vì lòng ngay dầu người không thấu chớ Trời Phật cũng hay, bởi vậy chị ta giả làm tai điếc mặt ngơ, quyết nuôi thằng Ðược sớm khuya hủ hỉ mà lấp bớt cái mạch sầu, không màng miệng mối lưỡi lằn, chi sá hơi hành giọng tỏi. Chị ta đi thăm chú chồng thì nghe nói chồng đi biệt không thấy về; chị ta mới mượn của anh thêm vài chục đồng bạc nữa, rồi mua cây lá cất sơ sài một cái nhà nhỏ mà ở gần với anh. Ba Thời ở Xóm Tre trọn bảy năm trời, đến mùa cấy thì đi cấy, đến mùa gặt thì đi gặt, hết mùa làm ruộng thì xúc tôm bắt cá đem bán kiếm tiền; trong nhà lại nuôi vịt, nuôi heo, nuôi đến lớn rồi đem đi bán. Mẹ con hẩm hút, tuy là cực khổ, song cũng chẳng đói khát bữa nào. Còn người trong xóm hồi Ba Thời mới về, thì xúm xít dị nghị nhiều lời, đến chừng ở được đôi ba năm, việc đã nguôi ngoai, thì cũng không còn ai chê cười chi nữa. Có người thấy chị ta tánh hiền nết tốt, lại để ý mến yêu, nên đã không cười sự chồng đi khỏi ở nhà có con, mà lại còn kiếm cớ mà nói rằng thiệt thằng Ðược là con nuôi, bởi vì mặt mũi tay chân chẳng giống chị ta chỗ nào hết. Thế tình ấm lạnh nghĩ đến ngậm ngùi, khi thương dầu ngược cũng nói xuôi, lúc ghét dầu thiệt ngọt bùi cũng cho là cay đắng. Trót mấy năm trường, tuy nhà nghèo cực khổ, tuy chồng bỏ buồn rầu, nhưng mà Ba Thơi hễ thấy mặt thằng Ðược thì hớn hở vui cười, dường như thằng nhỏ này có phép chi mầu nhiệm, dầu buồn thấy nó thì hết buồn, dầu mệt thấy nó thì quên mệt. Hôm nay chị ta đi cấy về ngồi ăn cơm với con sao lại ngó nó mà buồn, chừng ăn cơm rồi sao lại tắt đèn đi ngủ liền, chẳng chuyện vãn chi hết, thằng Ðược tuy còn thơ ngây chưa hiểu việc đời cho lắm, song nó từ nhỏ cho đến bây lớn, vào ra hôm sớm chỉ thấy có một mình Ba Thời mà thôi, hồi nhỏ thì đút cơm rửa đít, khi đau thì ôm ấp ẵm bồng, lúc rảnh thì đưa võng hát hò, đêm lạnh thì trùm mền hun hít, mẹ thương con, con trìu mẹ, mẹ làm mệt thì con nói đỏ đẻ cho mẹ vui lòng, con đi thì mẹ chạy kiếm lăng xăng sợ con dại dột. Thằng Ðược vì lòng thương mẹ nên hễ mẹ đi khỏi thì ở nhà nó ngóng trông, chừng mẹ về thì nó chạy ra mừng, rồi lại thường liếc coi ý mẹ buồn vui cho biết. Bữa ấy nó thấy mẹ nó không được vui thì nó cũng buồn thầm, nó muốn hỏi coi vì cớ nào mà mẹ nó buồn, song nó nghĩ chắc là tại đi cấy mệt, rồi lại bị trời mưa lạnh, nên biểu đi ngủ thì nó đi, nó không hỏi đến. Thằng Ðược vào trong giường nằm với mẹ, chẳng hề trăn trở mà mẹ cũng im lìm. Gần hết canh một mà nó cũng chưa ngủ, trong trí có nhớ việc này tưởng việc nọ hoài, nhớ hồi xế trời mưa ở nhà trông mẹ, rồi lại thương mẹ lạnh lùng, nhớ hồi tối đi lùa con heo về gần tới sân gặp con rắn mối chạy ngang giựt mình giựt mẩy. Nó đương thao thức thình lình nghe mẹ nó cất đầu lên rồi day ra ngoài giường mà hỉ mũi. Nó biết mẹ nó chưa ngủ, song nó cứ nằm im lìm. Cách một hồi mẹ nó lại day qua ôm nó mà hun hai ba cái, nước mắt dính ướt mặt nó, nó mới hay là mẹ nó khóc. Nó làm bộ như ngủ, nằm nín luôn, song nó lấy làm buồn bực vô cùng, không hiểu có việc chi mà mẹ nó lại khóc thầm như vậy. Thằng Ðược nằm buồn một hồi rồi ngủ quên. Ðến chừng sáng mẹ nó kêu nó thức dậy ăn cơm rồi dặn nó coi chừng nhà đặng đi cấy. Ngày ấy nó không vui chơi, không lấy đất liệng cu xanh, không bắt chó làm ngựa mà cỡi như mấy bữa khác. Nó cứ ngồi dựa cửa mà ngó ra ngoài ruộng hoài, suy tới nghĩ lui coi tại sao mà mẹ buồn rầu đến nỗi đêm nằm lụy ứa, rồi lại hỏi thầm rằng không biết tại sao mà trẻ nhỏ trong xóm như thằng Cam, con Lụa, thằng Phát, con Tiền, đứa nào cũng có mẹ mà lại cũng có cha, còn phận mình đây sao mình có một mẹ mà thôi, còn cha đi đâu mà thuở nay không thấy mặt. Nó nhớ tới sự mẹ nó khóc thầm thì buồn, mà chừng nó nghĩ tới việc nó không có cha, thì trong lòng nó lại càng áy náy, tưởng thầm rằng hay là tại không có cha nên mẹ mới buồn rầu đây chăng. Ðến trưa Ba Thời nghỉ cấy, tạm về một chút mà thăm nhà, thấy con nằm chèo queo trên ván, bộ mặt buồn xo; mà thằng Ðược liếc coi thì thấy mẹ nó cũng chẳng vui chi đó. Ba Thời dòm heo, coi vịt, hỏi con có lấy cơm nguội mà ăn hay không rồi bỏ ra đi, chớ không hỏi coi tại sao con không chạy đi chơi. Ðến tối trở về thay áo thay quần rồi đi nấu cơm, thấy con cũng chẳng vui cười như trước, song cũng chẳng hỏi tới. Chừng cơm chín dọn ra ăn, thằng Ðược ngó mẹ nó một hồi rồi hỏi rằng: - Tại sao mà từ hôm qua đến bữa nay má buồn dữ vậy má? - Có giống gì đâu mà buồn. - Có việc gì đó chớ sao lại không có. - Có việc gì đâu? - Không có, sao hồi hôm má khóc? Ba Thời nghe hỏi tới đó thì chưng hửng, nên ngó con rồi lặng thinh không chịu trả lời. Thằng Ðược thấy vậy không muốn hỏi riết tới làm chi, nên và ít miếng cơm rồi kiếm chuyện khác mà nói rằng: - Nầy má! Thằng Cam, thằng Phát, đứa nào nó cũng có tía nó hết, còn tía tôi là ai đâu má há? - Tía con đi khỏi, gần về đa. - Ði đâu vậy má? - Ði làm ruộng dưới Cần Thơ. - Tía tôi đi hồi nào đâu, mà sao từ nhỏ tới bây giờ tôi không thấy mặt lần nào hết vậy má? - Ði lâu lắm mà! Ði hồi mới đẻ con ra lận. - Sao má biết tía gần về? - Có người ta nói. - Ai nói đó má? - Ai nói cũng vậy, con tra hạch làm chi, con. - Tía tôi như tía thằng Cam vậy phải hôn má? - Không. Tía con nhỏ hơn mà cao hơn. - Sướng a! Tía tôi về đây tôi biểu tía tôi mua thép uốn lưỡi câu rồi tôi đi câu với tía tôi chơi. Nầy má, hôm trước thằng Phát đi câu với tía nó, nó câu được một con cá trê lớn quá, má à. Ba Thời nghe con nói chừng nào thì trong lòng càng buồn chừng nấy, nên ngồi rưng rưng nước mắt không nói chi hết. Ăn cơm rồi mẹ con gài cửa tắt đèn đi ngủ. Ba Thời nằm im lìm, còn thằng Ðược cũng nằm nín khe không cục cựa. Vừa hết nửa canh một, trong ngoài đều lặng lẽ, duy có tiếng dế kêu giéo giắt với gió thổi lào xào mà thôi. Thằng Ðược nằm, cặp mắt còn lim dim, thình lình nghe ngoài sân có tiếng người đi động đất rồi bầy vịt trong chuồng la rộ, chó vàng trước ra sủa rân, Ba Thời miệng thì hỏi "ai đó", tay thì kiếm hộp quẹt đặng đốt đèn. Ngoài sân có tiếng người đáp rằng: "Tao chớ ai, mở cửa chút, có thẳng nó về đây". Thằng Ðược nghe tiếng thì biết tiếng cậu Hai nó là Lê Văn Tiết, lại nghe nói "có thẳng nó về đây" tuy không biết thẳng là ai, song nó nghĩ là tía nó về, nên lật đật chạy ra đặng thấy mặt cha một chút. Nó vừa bước ra tới bộ ván để giữa nhà thì má nó đã mở cửa rồi. Nó đứng dựa đầu ván mà chờ thì Lê Văn Tiết ở ngoài bước vô trước, rồi có một người lạ mặt đầu bịt một cái khăn nhiễu trắng, mình mặc quần lãnh đen lưng xanh, áo bà ba lụa trắng dài phủ mổng trôn, tay cặp một cây dù máy cán cong như mỏ giằng xay lúa. Ba Thời để chong đèn trên ván giữa, rồi qua bên cái chõng để phía tay trái mà ngồi. Lê Văn Tiết ngồi dựa cái đèn, còn người lạ mặt ấy để cây dù trên ván rồi cũng ngồi dựa một bên đó. Thằng Ðược đi lần lại ngồi một bên má nó, cẳng thì thò mà gãi con heo quắn nằm dưới sàn còn mắt thì ngó người lạ mặt đó trân trân rồi day qua liếc má nó. Hai người vô nhà rồi lặng thinh không nói chi hết, một lát Ba Thời mới hỏi người lạ mặt ấy rằng: - Mình về bao giờ? - Về mấy bữa rày. - Về mấy bữa rày ở trong chú hay là ở đâu? - Ở trỏng chớ ở đâu. Hai người hỏi nhau có mấy lời, kế Lê Văn Tiết đứng dậy mà nói rằng: "Ðể tôi về tôi lùa trâu vô chuồng. Dượng ba nó nghỉ rồi sáng mai lại nói chuyện chơi nghe". Lê Văn Tiết mở cửa ra về rồi, Trần Văn Hữu với Ba Thời ngồi lặng thinh không nói chuyện chi nữa hết. Cách một lát Ba Thời vỗ đầu thằng Ðược rồi biểu nho nhỏ rằng: "Khuya rồi, thôi đi ngủ đi con, ngồi làm chi đó". Thằng Ðược leo xuống đất thì ngó chừng tên Hữu, trong lòng trông coi cha có hỏi đến mình chăng, nào dè tên Hữu đã không thèm nói tới, mà lại liếc ngó theo nó, bộ mặt hầm hầm, xem thấy phát sợ. Thằng Ðược vừa vô khỏi cửa buồng bỗng nghe cha nó hỏi má nó rằng: "Con của mầy đó phải không?". Ba Thời thở dài rỗi nói nho nhỏ với chồng rằng: "Ðể rồi tôi nói hết chuyện đó cho mình nghe". Thằng Ðược leo lên giường nằm lặng thinh, nhắm mắt giả đò ngủ, mà trong trí nó cứ tưởng tới người lạ mặt đó hoài, không biết người ấy có phải là cha nó hay không. Ban đầu nó chắc là phải, bởi vì hồi chiều mẹ nó có nói cha nó gần về, mà người nầy ở đâu lạ, thuở nay nó không biết nếu không phải là cha nó sao cậu nó đắt lại, rồi má nó kêu bằng "mình" lại hỏi "về bao giờ". Nghĩ như vậy rồi nó lại nghĩ, mà nếu người đó là cha nó sao coi bộ không thương nó, mà lại ngó nó lườm lườm dữ vậy. Nó vái thầm cho người đó đừng phải là cha nó, bởi vì nó thấy nó sợ quá, nếu có cha mà cha như vậy chi bằng không có cha, ở một mình với má như thuở nay còn vui hơn. Ở ngoài im lìm, một lát nó nghe có người lấy cây gài cửa, rồi lần lần vô buồng. Nó lén mở mắt hí hí mà dòm thì thấy má nó lấy cái gối rồi ôm đi ra ngoài nữa. Nó không hiểu vì cớ nào má nó không vô mà ngủ còn ở ngoài cũng không nói chuyện mà thức đất đèn làm chi cho hao dầu. Nó đương suy nghĩ như vậy liền nghe hai người nói chuyện với nhau. Ban đầu má nó hỏi: - Mấy năm nay mình đi làm ăn khá hay không? - Sao lại không khá. - Khá sao không về bỏ tôi ở nhà khổ hết sức vậy? - Về làm giống gì? - Như mình đi mình tính không về, thì hồi đó dắt tôi đi theo, chớ sao lại bỏ tôi lưu vong ở nhà vậy. - Mầy ở nhà sướng hỏng chết, còn ức nổi gì? - Mình đừng có nói vậy. Sướng giống gì? Tôi biết hết; mình mắc dắt con vợ bé bên Cần Ðước đi với mình, nên không chịu dắt tôi đi chớ gì. - Ừ tao dắt vợ bé đi đa mầy làm sao tao? - Nói chuyện mà nghe vậy chớ ai làm sao mình được. - Tao đi mầy ở nhà mầy có được một đứa con, còn ức hiếp gì nữa mà nói. - Mình tưởng thằng nhỏ đó là con của tôi đẻ hay sao? Trời ôi, hèn chi hổm nay tôi nghe mình về trong Cầu Mống mà mình không chịu ra kiếm mà thăm tôi. Mình đừng có nghi như vậy mà tội nghiệp cho cái thân tôi. Vậy chớ hổm nay mình ở trong nhà chú, chú không có nói chuyện tôi xí được thằng nhỏ đó rồi tôi xin với ông cò đặng tôi nuôi lại cho mình nghe hay sao? Mình bỏ tôi mình đi hơn chín năm nay, tuy mình bạc bẽo chớ chẳng hề khi nào tôi dám phụ cái lòng mình bao giờ. Nay mình về nếu mình nghi quấy như vậy thì uổng công tôi chờ đợi bấy lâu nay lắm. - Tao về chú có nói chuyện cho tao nghe đủ hết, chú nói mầy nghèo khổ nên về với anh Hai rồi sau đi theo vợ chồng chú Tích lên Bình Tây mà làm mướn. Mầy xí được một đứa nhỏ mầy để mầy nuôi đặng hủ hỉ giải buồn. Tao ra ngoài này thồi xế đến bây giờ tao ở đằng nhà anh Hai, thì ảnh cũng nói y như lời của chú nói vậy, ảnh lại có đưa áo quần nón vớ của thằng nhỏ đó cho tao coi nữa. - Phải nhà tôi trống trải, mà tôi lại hay bỏ nhà mà đi làm ăn, nên gởi đồ đó đằng nhà ảnh, mượn ảnh để trong giường hộc cất giùm. Ảnh có đưa giấy của ông cò cho mình coi hay không? - Có. - Nếu vậy, sao mình nghi nỗi gì? - Không nghi sao được. - Tại sao mình nghi, đâu mình nói cho tôi nghe thử coi. - Ðàn bà, chồng đi làm ăn xa, ở nhà khi không mà có con, làm chồng ai lại không nghi. - Tôi nói con tôi xí được tôi để tôi nuôi chớ không phải con tôi đẻ. Trời ôi? Oan ức cho tôi biết chừng nào. - Thuở nay người ta có xí được thì xí được tiền bạc, chớ có ai mà xí được con bao giờ. - Vậy chớ chú nói mình không đủ tin hay sao? - Chú thương mầy, còn ghét tao nên chú nói theo mầy, hơi nào mà tin. - Mình nói chú binh tôi, vậy chớ còn anh Hai đó mình cũng không tin ảnh nữa hay sao? - Anh là anh ruột mầy chớ phải là anh tao hay sao. Mà chú với anh Hai ở nhà còn mầy lên ở trên Bình Tây, mầy làm giống gì mà có một đứa con đó, chú với anh Hai làm sao rõ được. - Mắc chú Tích chú chết rồi, thôi mình lên mình hỏi thím Tích coi. Bây giờ thím có chồng khác ở ngoài chợ Ðũi đó... - Thím quen với mầy chớ có quen với tao đâu mà hỏi. - Thiệt tức lắm! Mình nói không phải con tôi xí được, vậy mình không coi cái giấy của ông cò đó sao. - Giấy gì ở đâu mầy kiếm đem về mà gạ bà con, ai có biết chữ Tây đâu mà coi. Ba Thời nghe nói nghẹn ngùn, ngồi khóc ngay chớ không nói chi được nữa, khóc một hồi rồi chắc lưỡi than rằng: "Trời đất ôi! Oan ức cho tôi biết chừng nào! Xin Trời Phật soi xét giùm cái lòng ngay của tôi, kẻo tôi chịu tiếng oan như vầy tội nghiệp lắm mà!" Trần Văn Hữu nằm bên ván hút thuốc không thèm nói chi hết. Thằng Ðược còn thức nằm nín thinh trong buồng, nghe hết đầu đuôi mọi việc, tuy nó còn thơ ngây, chưa đủ trí khôn, nên không hiểu những lời gay gắt nghi ngờ của tên Hữu làm đau đớn lòng dạ, làm nhuốc nhơ danh tiết của Ba Thời là dường nào, song nó biết tên Hữu không phải là cha nó thì nó chẳng chút chi buồn, còn nó biết Ba Thời là mẹ nuôi chớ không phải là mẹ ruột, thì trong lòng nó xốn xang bứt rứt vô cùng, không biết Ba Thời còn thương nó nữa hay không, không biết cha ruột ở đâu, tại sao mà đẻ nó ra rồi không chịu nuôi, lại bồng mà bỏ cho người ta xí được. Nó vừa suy nghĩ tới đó lại nghe tên Hữu tằng hắng rồi nói rằng: - Mầy nói tao kiếm chuyện nói oan cho mầy, chớ thằng nhỏ đó không phải con của mầy đẻ; thôi thì mầy đuổi nó đi đâu nó đi đi. - Con nít mới tám chín tuổi mình biểu đuổi nó đi, nó ra khỏi nhà biết làm giống gì cho có cơm mà ăn; làm như vậy mình không sợ tội hay sao? - Tám chín tuổi còn nhỏ gì nữa. Ði ở với người ta coi gà giữ vịt mà ăn cơm không được hay sao? Như nó làm biếng thì nó đi xin ăn, mầy tưởng nó dại nó nằm mà chịu chết đói hả? - Nuôi nó từ hồi sáu bảy tháng đến bây giờ mến tay mến chơn ai nỡ lòng nào mà đuổi nó đi cho đành. - Mầy nói hông phải con của mầy đẻ, sao mầy thương nó dữ vậy? - Con nít của họ đàng xóm mình thấy mình còn thương thay, huống chi là con mình nuôi. - Nếu mầy nói đuổi nó đi thì tội nghiệp, thôi thì kiếm người ta mà cho họ nuôi, chớ mầy để nó ở trong nhà tao thấy ghét lắm, không biết chừng có ngày tao nổi giận đãy tao đập nó chết đa. - Thôi, để thủng thẳng tôi nói với anh Hai chị Hai rồi tôi gởi nó ở đẳng. - Tao không chịu vậy đâu. Mầy cho ai mầy cho đứt đi đặng họ đem nó đi khuất con mắt tao, chớ mầy gởi đằng anh Hai thì cũng như mầy để nhà đây vậy, gởi làm giống gì. Ba Thời ngồi khóc tấm tức, không biết tính lẽ nào, muốn cho chồng hết nghi đặng vợ chồng sum hiệp lần gỡ mối thảm sầu, mà cũng thương thằng Ðược nên không nỡ phân ly, vì công nuôi cực nhọc. Ba Thời khóc than rồi nói rằng: - Thôi, để thủng thẳng rồi tôi sẽ tính. - Nếu mầy muốn ở đời với tao, thì mầy phải rứt thằng nhỏ đó mới được. Còn như mầy không chịu, thôi thì tao đi, để mầy ở nhà mà nuôi nó. - Tôi nói thiệt nó là con tôi xí được tôi nuôi, nên tôi mới đặt tên nó là thằng Ðược. Mình không thương tôi mình muốn tính sao mình tính lấy. - Té ra thằng nhỏ đó mầy đặt tên Ðược hay sao? Mầy là một con khốn nạn thiệt. Mầy oán tao rồi mầy lấy tên ông nội tao mà đặt tên con mầy há? - Trời ơi. Tôi có biết tên ông nội mình là tên gì đâu. Tôi nào có oán thù mình mà mình nói vậy. Mình hỏi thăm họ mà coi, mình bỏ tôi mình đi mấy năm nay, tôi buồn rầu thì buồn rầu trong lòng, chớ có khi nào mà tôi nói nặng đến mình một tiếng chi đâu. Tên Hữu nằm lặng thinh một hồi rồi nói rằng: "Nếu mầy thương nó mầy không nỡ đem nó mà đi cho họ, thôi để rồi tao dắt nó tao cho họ giùm cho". Ba Thời ngồi khóc thút thít, chẳng bao lâu thấy tên Hữu nằm nghiêng qua bên kia, gác tay ngang qua trán rồi ngủ ngáy pho pho. Ba Thời mới bưng cái đèn đem để trên ghế mà tắt rồi nằm với con. Thằng Ðược thấy dạng Ba Thời vô liền ôm mà nói nhỏ rằng: "Má đừng có đuổi tôi đi nghe hôn má. Tôi thương má lắm, để tôi ở với, đừng đuổi tôi tội nghiệp". Ba Thời day qua ôm con ừ hai ba tiếng nhỏ nhỏ rồi kề mặt mà hun, nước mắt chảy chàm ngoàm. Mẹ con ôm nhau chặt cứng, một hồi rồi thằng Ðược ngủ quên. __ Chú thích: 1. Tiếng dùng điều khiển trâu. Thá: (thá ra) hướng ra ngoài miếng đất; ví: (ví vô) hướng vô trong miếng đất đang cày, bừa hay trục". 2. Một loại cỏ 3. Màu xanh 4. Lượm của rơi rớt 5. Một giống chim, la chói tai khi thấy dạng người đi tới gần
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
.
 
Trở lên đầu trang