Mãn Đường Hoa Thải
Chương 85 : Ẩm trung bát tiên ca
Người đăng: Bạch Tiểu Thái
Ngày đăng: 01:53 02-06-2024
Trong đại sảnh của tửu lâu, chén rượu giao thoa, tiếng cười nói không ngớt.
Những hương cống lần đầu đặt chân đến Trường An, ai nấy đều hăng hái hăm hở, lớn tiếng bàn luận quốc gia đại sự.
Không ít người chẳng chút kiêng dè khi nhắc đến các vụ án nổi tiếng trong năm Thiên Bảo thứ năm như Vi Kiên án, Liễu Tích án, Dương Thận Căng án, thậm chí còn thẳng thừng mắng chửi Lý Lâm Phủ.
Trong đó một bàn đang kể lại cố sự Lý Lâm Phủ từng nhận nhầm chữ khi làm quan, mọi người đồng thanh hô to “Trượng đỗ Tể tướng”, rồi cùng nâng chén cười ha hả.
Đột nhiên, có người cao giọng hô một câu.
"Thạch Bảo thành căn bản không nên đánh! Thành ấy hiểm trở kiên cố, cả nước Thổ Phồn đều giữ, chuyện nếu thất bại, thì sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan!"
Tiết Bạch nghe vậy liền quay sang nhìn, thấy ba nho sinh ở bàn bên đang tranh luận sôi nổi. Người vừa lên tiếng khoảng ngoài bốn mươi tuổi, mặt đỏ bừng không rõ vì rượu hay vì tranh cãi.
Hắn không khỏi bất ngờ, thì ra các hương cống cũng hiểu biết sâu sắc về quốc sự đến thế.
"Không sai." Nguyên Kết tỏ ra rất hứng thú với chủ đề này, lập tức đứng dậy nói: "Thạch Bảo thành ba mặt hiểm trở, chỉ có một đường duy nhất tiến đến, nếu cố chấp công thành, tất sẽ tổn thất hàng vạn binh sĩ, được chẳng bù mất, thay vì cường công, chi bằng chờ đợi thời cơ."
Chủ đề này đối với nhiều hương cống có phần xa lạ, phần lớn mọi người quay lại tiếp tục uống rượu.
Chỉ có ba nho sinh vừa tranh cãi bưng chén rượu sang, muốn cùng bọn hắn bàn luận.
"Chư vị xuân an, tại hạ là Nghiêm Trang, hai vị này là Trương Thông Nho, Bình Liệt, bọn ta đều là hương cống đến từ Hà Bắc…"
Nghiêm Trang khoảng hơn ba mươi tuổi, đầu óc nhanh nhạy, lời lẽ sắc bén, trông khá chững chạc.
Trương Thông Nho chính là người vừa hô to, lớn tuổi nhất, dù đã thi cử suốt mười năm vẫn chưa đỗ đạt, trông có vẻ sa sút.
Bình Liệt là một thanh niên hơi rụt rè, lấy hành quyển ra cho mọi người xem, nét chữ rất đẹp, văn chương cũng xuất sắc.
"Vừa mới chính là ta cùng với Trương huynh tranh luận." Nghiêm Trang nói: "Ta cho rằng trong vòng một hai năm tới, Tây Bắc ắt sẽ có chiến sự."
"Ta vẫn cho rằng không đáng phát binh tấn công Thạch Bảo thành."
Nghiêm Trang đáp: "Vấn đề không phải là có đáng hay không. Phải biết từ năm Khai Nguyên thứ 29 khi Thạch Bảo thành rơi vào tay địch, Đại Đường đã hưu binh mạt mã sáu năm, các tướng sĩ chờ đợi đã đủ lâu, giờ điều cần suy tính là nên đánh như thế nào."
Nguyên Kết định lên tiếng nhưng nghe vậy liền trầm ngâm.
Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất của biên cương Đại Đường, hắn vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình, biết rõ vào năm Thiên Bảo thứ ba, Thánh Nhân từng lệnh cho Hoàng Phủ Duy Minh đoạt lại Thạch Bảo thành, nhưng thất bại. Giờ lại tròn ba năm, e rằng thánh ý đã quyết.
Sau cùng, Nguyên Kết gật đầu nói: "Ta vẫn cho rằng lợi bất cập hại, nhưng nhìn vào lệnh tuyển binh đầu năm thì quả thật có khả năng xảy ra chiến sự."
Nghiêm Trang hỏi: "Nguyên huynh là người thông minh, theo huynh thì nên đánh thế nào?"
Lúc này, Trịnh Kiền vuốt râu, cắt ngang câu chuyện: "Các ngươi đang đoán đề sách luận sao?"
"Hồi Trịnh Thái Học, đúng vậy."
Trịnh Kiền lắc đầu.
Tiết Bạch ngồi xem một màn vừa rồi, minh bạch ý của Trịnh Kiền, triều đình khó có thể đem chuyện quân sự hệ trọng ra làm đề thi cho đám cử nhân.
Nhưng điều này cũng cho thấy tinh thần thượng võ của giới nho sĩ Đại Đường.
Lúc này, mọi người đã uống rượu đến độ mặt đỏ tai hồng, dù không đoán trúng đề sách luận, nhưng bàn quốc sự vẫn không kém phần hào hứng.
Tiết Bạch không thích thể hiện quan điểm ở những dịp thế này, chỉ thỉnh thoảng đáp lại vài câu vô thưởng vô phạt nhưng cũng có tác dụng.
"Đến cả những sinh đồ như chúng cũng đang bàn luận, hẳn là Thổ Phồn cũng đã có phòng bị rồi."
"Tiết tiểu lang nói rất đúng…"
Sau khi xen vào một câu như vậy, Tiết Bạch liền quan sát mọi người, xem ai có thể trở thành đồng minh sau này.
Nhưng đêm nay chỉ có thể nhìn ra được một số điểm bề ngoài.
Đỗ Phủ tài hoa tuyệt thế, lại có lòng lo cho nước cho dân, song thiếu tâm cơ, e rằng sẽ thiệt thòi trong chốn quan trường.
Nguyên Kết văn võ song toàn, thông thực vụ, hữu mưu lược, nhưng tính cách lại khá cứng rắn.
Nghiêm Trang cũng rất có tài hoa, nhưng so cùng Đỗ Phủ và Nguyên Kết thì lại đầy tham vọng và thực dụng, có phần giống với Tiết Bạch.
Trương Thông Nho đã bị những thất bại mài mòn nhuệ khí, thỉnh thoảng lại gãi đầu thở dài.
Bình Liệt thì gây bất ngờ, ban đầu chỉ là một thiếu niên rụt rè, nhưng sau khi say lại nói năng sắc bén, lời lẽ đầy khí phách.
"Ta theo thuế phú của quê nhà cùng được chuyển đến Trường An, khi qua Đồng Quan, ta đã nghĩ… nếu Thánh Nhân chịu khó một chút, dân chúng ở Hà Đông sẽ sống tốt hơn nhiều."
Đỗ Ngũ Lang nghe đến đây không kìm được mà ợ một tiếng.
Bình Liệt lại cầm bình rượu lên uống tiếp, càng say càng dám nói, hắn chỉ trích thẳng thừng rằng Lý Lâm Phủ không xứng giữ chức Tể tướng suốt mười năm qua, trách Thánh Nhân lâu rồi không tuần du Lạc Dương, khiến sĩ dân Quan Đông mỏi mòn trông đợi… Thậm chí hắn còn dám nói Thánh Nhân không nên mở rộng Hoa Thanh Trì.
Nghe đến đây, Đỗ Phủ thu lại vẻ ngạo nghễ thường ngày, ánh mắt dần trở nên sâu lắng, hiện rõ nét ưu tư.
Tô Nguyên Minh định can ngăn những lời cuồng ngôn này, nhưng vừa mở miệng thì Nguyên Kết đã bật cười lớn, khoát tay áo, nói: "Nhược Phu huynh, đừng sợ người nói lời thật lòng. Chúng ta tham gia khoa cử, chính là vì trên triều hiện giờ quá ít người dám nói thật."
Nguyên Kết đứng dậy, nâng chén cụng với Bình Liệt, hô:
"Ca Nô vì giữ vững ân sủng mà lừa dối thiên tử, dám phóng ngôn ‘Minh quân ở trên, quần thần tất nhiên một lòng thuận theo, cần gì phải luận thêm nữa?’ Hắn muốn bách quan giống như những con ngựa trong đoàn nghi trượng không dám phát ra tiếng động, dần khiến ngôn lộ đoạn tuyệt, để hắn dễ bề thao túng triều chính mãi mãi… Giờ đây, bách quan đã không dám nói, nếu ngay cả những cống sinh như chúng ta cũng không dám lên tiếng, thì còn đăng khoa cập đệ làm gì? Để làm trượng mã hay sao?!"
"Nói hay lắm!" Đỗ Phủ càng say, càng hào hứng: "Vào triều làm quan thì phải có chí đưa thiên tử trở thành bậc Nghiêu Thuấn, quét sạch thói hư nếp xấu, có gì phải sợ chứ?!"
Ngay lập tức, lại có cống sinh đến kính rượu, bầu không khí càng thêm sôi nổi.
Nguyên Kết tuy có phần quá cương mãnh, nhưng không thể nói là thiếu chín chắn. Bởi lẽ muốn nổi tiếng trong giới nho sĩ hiện nay, thì mắng chửi Lý Lâm Phủ gần như là điều bắt buộc, thậm chí trong số các cống sinh, còn có nhiều người mắng chửi trắng trợn hơn.
Với tính cách mưu lợi thầm lặng của Tiết Bạch, bình thường không nguyện dính líu đến những sự tình thế này, song hiện tại hắn đã uống cạn một chén, men say khiến hắn không kìm được lại cùng bọn họ nâng chén thêm lần nữa.
Bởi lẽ, hắn có thể làm kẻ thực dụng, nhưng nếu thế gian này mất đi chính khí, thì truyền thừa sẽ sụp đổ mất.
Phải kính tinh thần nhiệt huyết của bọn họ, khi mà bọn họ vẫn chưa bước chân vào chốn quan trường đầy thị phi.
~~
Đêm khuya, tiêu cấm.
Trong mỗi tửu lâu ở Vụ Bản phường, vẫn còn vang vọng tiếng ồn ào, nhưng trên con phố dài thì đã vô cùng tĩnh lặng.
Đại môn của một tửu lâu vốn đóng chặt bỗng khe khẽ mở, Đỗ Ngũ Lang thò đầu ra, nhìn trái rồi nhìn phải, không thấy bóng dáng của tuần vệ trong phường, bèn đưa tay ra sau, vẫy vẫy ra hiệu.
"Đi thôi."
Chẳng bao lâu sau, mấy bóng người ngà ngà say chạy vội qua con phố vắng, già trẻ lớn bé đều có, rồi nhanh chóng lẩn vào bóng tối bên bức tường cao của Quốc Tử Giám.
Dù là Thái học Bác sĩ hay Ti nghiệp của Quốc Tử Giám cũng không được phép hành tẩu trong lúc tiêu cấm. May thay, bọn họ đã sớm đút lót người gác cửa từ trước, bàng môn còn chưa khóa, giúp bọn họ có thể lẻn vào trong Quốc Tử Giám.
"Hú hồn."
Đỗ Ngũ Lang thở phào nhẹ nhõm, lẩm bẩm: "Ta vừa dắt theo cả Thái học Bác sĩ phạm cấm á?"
Quay đầu nhìn, thấy Trịnh Kiền, Tô Nguyên Minh đã loạng choạng bước về phía học quán.
Nguyên Kết thì đang khiêng hành lý từ cửa vào, còn Đỗ Phủ vuốt chòm râu dài, ngẩng đầu nhìn trăng, như thể cảm hứng thơ ca lại sắp trào dâng.
"Các ngươi cũng ở lại Quốc Tử Giám sao?"
"Trong thành Trường An chẳng còn quán trọ nào trống cả."
Tiết Bạch nói: "Hào xá của bọn ta vẫn còn trống."
"Đi thôi." Đỗ Phủ phất tay áo, lắc lư cái đầu đầy men rượu: "Dẫn đường nào."
Đỗ Ngũ Lang chợt nhận ra mình đang dẫn mấy bậc đại thi nhân đáng tuổi chú bác về ở cùng hào xá, chỉ thấy đêm nay thật là kỳ diệu.
Hắn và Tiết Bạch mới vào Quốc Tử Giám không lâu, được phân cho một gian hào xá tồi tàn. Thường ngày bọn hắn cũng không ở lại, đều về nhà riêng, may mà trong phòng vẫn còn chăn đệm.
Bốn người nhẹ nhàng bước vào rồi đóng cửa lại, bầu không khí trở nên yên tĩnh, không còn náo nhiệt như lúc buổi tiệc rượu trước đó.
Nguyên Kết vừa vào phòng liền đặt hành lý xuống, hắn từ Lạc Dương đến nên đồ đạc không nhiều. Đỗ Phủ thì càng đơn giản hơn, chỉ có một chiếc giỏ đựng sách, bên trong toàn là hành quyển và thơ văn.
Sau khi say, chẳng ai còn tâm trạng dọn dẹp gì thêm, họ thậm chí không buồn thắp nến, cứ thế mỗi người tìm một chỗ mà nằm xuống.
Khi nhắc đến thơ của Tiết Bạch, Đỗ Phủ không hề nghi ngờ hắn được ai đó đứng sau viết hộ.
"Đôi khi thi hứng cứ tự nhiên dâng lên trong đầu, người ngoài không hiểu điều đó nên mới nghi ngờ ngươi."
Tiết Bạch hỏi: "Nhưng ta không biết làm sao mài giũa bài thơ cho hoàn thiện, có thể nhờ Đỗ công chỉ dạy đôi chút không?"
"Ngươi có hiểu âm luật không?"
"Không."
"Làm thơ tựa như sáng tác nhạc khúc vậy, khi đã hiểu sâu sắc quy luật, thì chỉ cần cất lời là thơ sẽ tự tuôn trào…"
Đỗ Ngũ Lang nghe những lời đối thoại này, chỉ cảm thấy Đỗ Phủ dạy như thế cũng chẳng khác gì không dạy.
Tửu kình lại ập đến, hắn lẩm bẩm một cách vô thức: "Hảo thi."
Đây là cụm từ mà hắn lặp đi lặp lại nhiều nhất suốt cả đêm.
Mí mắt càng lúc càng nặng trĩu, tiếng trò chuyện giữa Tiết Bạch và Đỗ Phủ dần xa xăm…
"Đỗ công đến Trường An, có định dâng hành quyển không?"
"Ngày mai ta sẽ đi bái phỏng Tả Tướng."
"Không biết là Tả Tướng đương triều Trần công, hay là Lý công?"
“......”
Sáng sớm.
Trong hào xá của Quốc Tử Giám, Đỗ Ngũ Lang vừa tỉnh dậy đã rên rỉ trên chiếc giường nhỏ vì đau bụng do uống quá nhiều rượu lạnh tối qua.
Quay đầu nhìn quanh, trời đã sáng tỏ, ba người còn lại trong phòng đều không thấy đâu.
Tiếng gõ cửa vang lên liên tục, chính vì thế mà hắn bị đánh thức. Khi mở cửa ra, thì thấy Tiết Tiệm đang đứng đó.
"Ơ? Tiết Tiệm, sao đệ lại đến đây?"
"Mẫu thân hỏi đêm qua Lục ca không về nhà, có phải ở lại hào xá không? Thanh Lam tỷ cũng rất lo lắng, nhưng dặn đệ đừng nói. Ngoài ra, Nhan huyện úy cũng cử người đến nhà tìm Lục ca…"
"Đêm qua có một buổi văn hội rất hoành tráng, uống rượu đến tận khuya."
"Hoành tráng cỡ nào?"
"Nói sao nhỉ… Đệ biết Đỗ Phủ chứ? Không biết à? Thế thì ta chẳng biết giải thích sao cho đệ hiểu rồi."
Đỗ Ngũ Lang lại ngả người nằm xuống giường nhỏ.
Tiết Tiệm tiến lên hỏi tiếp: "Vậy Lục ca của đệ đâu rồi?"
Đỗ Ngũ Lang cố gắng nhớ lại, nói: "Hình như đêm qua lờ mờ nghe họ nói sẽ đi thăm ai đó…"
Đầu hắn cũng bắt đầu đau nhức, cố gắng thế nào cũng không nhớ nổi.
~~
Vĩnh Lạc phường.
Phủ đệ của Lý Thích Chi nằm ở góc tây nam của Vĩnh Lạc phường, chiếm một phần mười sáu diện tích của cả phường. Xung quanh còn có hơn mười tiểu viện phụ trợ, cũng thuộc Lý phủ, dùng để cho tộc nhân, mưu khách cư trú.
Tiết Bạch cùng Đỗ Phủ xuống ngựa, đưa mắt quan sát, chỉ thấy đại môn đỏ son đóng chặt, cửa phụ cũng khép kín, không thấy bóng dáng thủ vệ hay người giữ cửa.
Nguyên Kết có người thân hữu cần gặp nên không đi cùng, chỉ còn hai người họ đến đây.
Đỗ Phủ bước lên gõ vào chiếc vòng đồng trên cửa, chờ đợi một lúc lâu mới có người mở cửa.
"Xin hỏi..."
"A Lang nhà ta không tiếp khách."
Đỗ Phủ liền đưa ra bái thiếp, nói: "Ta là Đỗ Tử Mỹ, xin phiền chuyển lời giùm."
"Nguyên lai là Đỗ tiên sinh, mời vào."
Người giữ cửa lúc này mới chịu để họ vào, sau đó nhanh chóng đóng cửa lại.
Lý phủ vô cùng rộng lớn, bước vào bên trong liền thấy đình đài lầu các tinh xảo, toát lên vẻ trang nhã không tầm thường. Đi dọc theo lối nhỏ quanh co một hồi lâu, họ được mời vào ngồi chờ trong một sảnh nhỏ.
Chỉ chốc lát, có tiếng cười sảng khoái vang lên, Lý Thích Chi từ sau bình phong bước ra.
"Tử Mỹ nhiều năm không đến Trường An, cảnh cũ người thay cả rồi."
Tiết Bạch cùng Đỗ Phủ vội đứng dậy, hướng mắt nhìn thì chợt hiểu ra vì sao Lý Lâm Phủ lại chán ghét những quan viên phong thái nho nhã.
Không nói cái khác, chỉ cần nhìn phong thái của Lý Thích Chi cũng đủ khiến người ta cảm thấy đây mới chính là hình mẫu của một vị Tể tướng đương triều.
Lý Thích Chi ngoài năm mươi tuổi, là chắt trai của Đường Thái Tông, cháu nội của Hằng Sơn Mẫn Vương Lý Thừa Càn. Lý Thừa Càn từng là thái tử dưới triều Đường Thái Tông, nếu không vì bị phế truất do mưu phản, ngai vàng có lẽ đã thuộc về mạch này của hắn.
"Tả tướng."
"Chớ gọi ta như vậy nữa." Lý Thích Chi cười sảng khoái, khoát tay nói: "Ta đã bãi tướng từ năm ngoái rồi."
Đỗ Phủ thở dài: "Ta có nghe nói, là do liên quan đến vụ án của Vi Kiên và Hoàng Phủ Duy Minh sao?"
Chưa kịp giới thiệu, ánh mắt của Lý Thích Chi đã dừng lại trên người Tiết Bạch, mỉm cười nói: "Ta đã thấy ngươi vào đêm Nguyên Tiêu, thi từ viết rất hay."
Hắn giơ tay ra hiệu, không để Tiết Bạch hành lễ quá mức, rồi tiếp lời: "Không cần khách sáo, ngược lại ta còn phải đa tạ ngươi."
"Không biết Lý công nói vậy là có ý gì?"
"Ngồi xuống rồi nói."
Lý Thích Chi không vội nhắc đến chuyện này, từng cử chỉ đều toát lên vẻ tiêu sái.
Trong mắt Tiết Bạch, hắn có phần thiếu đi sự thận trọng, cẩn tắc của một người làm quan, lại mang đậm phong cách quý tộc. Nếu là một thân vương nhàn rỗi thì có thể xưng là bậc hiền tài, nhưng nhập quan trường thì e rằng không ổn.
"Tử Mỹ đã nghe bài thơ mới của ta chưa?" Lý Thích Chi hỏi Đỗ Phủ.
"Vẫn chưa được nghe."
"Ha ha, ta sớm đã chán cảnh tranh đấu với Ca Nô. Từ khi bãi tướng, ta càng cảm thấy an nhàn hơn, nên đã làm vài câu ‘Tị hiền sơ bãi tướng, nhạc thánh thả hàm bôi. Vi vấn môn tiền khách, kim triêu kỷ cá lai?’"
"Hảo thi!"
Đỗ Phủ nghe xong, thi hứng lại dâng trào, nhưng vẫn kiên nhẫn lắng nghe Lý Thích Chi nói tiếp.
"Đáng tiếc là Ca Nô bụng dạ hẹp hòi như châm nhỏ, vẫn không chịu buông tha. Hắn sai người dâng sớ vạch tội ta, chuyện còn chưa yên thì Liễu Tích án lại bùng lên." Nói đến đây, Lý Thích Chi nhìn sang Tiết Bạch, cười nói: "May mà Ca Nô tự loạn trận cước, ta mới tránh khỏi ngoại phóng, chẳng phải nên tạ ngươi sao?"
"Không dám nhận, trong vụ án ấy, ta không có tác dụng gì đáng kể cả."
Lý Thích Chi vuốt râu, cười nói: "Vậy chắc là ta nghĩ nhiều rồi… À, ngươi có biết tội danh mà Ca Nô vạch ra là gì không?"
"Thỉnh Lý công chỉ giáo."
"‘Lý Thích Chi cùng Vi Kiên kết bè, cấu kết với dư đảng của phế Thái tử Lý Anh’, tất cả chỉ vì ta cảm thông cho Lý Anh, hắn liền bôi nhọ ta như thế."
Tiết Bạch khẽ động tâm, nhưng nhanh chóng giữ bình tĩnh.
Là người từng làm Tả tướng, Lý Thích Chi có nhân mạch rộng lớn và thông tin nhạy bén, ít nhiều cũng có thể đoán ra một số chuyện.
Nếu Lý Thích Chi ngay cả điều này còn không làm được, thì Tiết Bạch cũng không cần phải mạo hiểm đến gặp mặt làm gì.
"Được rồi, đừng nhắc đến mấy chuyện phiền lòng này nữa." Lý Thích Chi quan sát Tiết Bạch một hồi, rồi nói: "Tử Mỹ hiếm khi đến Trường An, chúng ta nên đàm luận thơ văn. Ngươi có biết không, vào năm Thiên Bảo thứ tư, sau bốn năm kể từ lúc Trương Cửu Linh qua đời, Hạ Tri Chương cũng đã rời cõi thế…"
Đỗ Phủ nghe đàm thi, vừa lấy hành quyển ra, thì nghe đến chuyện Hạ Tri Chương qua đời liền thu lại, rồi lấy ra bút lông.
"Trở lại Trường An, cảnh cũ còn đây, người xưa chẳng thấy. Ta muốn viết vài câu thơ, cùng Tả tướng thưởng thức."
"Hảo."
Gương mặt Đỗ Phủ lộ rõ vẻ bi thương, cầm bút lông viết ngay lên giấy.
Câu đầu tiên của bài thơ đã nhắc đến Hạ Tri Chương.
"Tri chương kỵ mã tự thừa thuyền, nhãn hoa lạc tỉnh thủy để miên."
“……”
Tiết Bạch nhìn về phía Lý Thích Chi, trong lòng đã hiểu ra đôi phần.
Hắn không biết đây là chân tướng hay chỉ là suy đoán của Lý Thích Chi, nhưng nếu thực sự có người đã ra tay bảo vệ Tiết Tú chi tử Tiết Bình Chiêu suốt mười năm qua, thì chẳng lẽ đó là Trương Cửu Linh và Hạ Tri Chương?
Vậy nên, chỉ một năm sau khi Hạ Tri Chương qua đời, Tiết Bình Chiêu liền bị bán đi sao?
“……”
Lúc này, Đỗ Phủ vẫn đang múa bút.
“Tả tướng nhật hưng phí vạn tiền, ẩm như trường kình hấp bách xuyên, hàm bôi nhạc thánh xưng thế hiền.”
________________
*“Trượng đỗ Tể tướng”: Tể tướng chống gậy
Sau khi nhậm chức Tể tướng, có một lần, Lý Lâm Phủ phụ trách công việc tuyển chọn quan lại tại Lại bộ. Lúc ấy, triều đình thường cử người đến quan sát các quan viên dự bị, sau đó đưa ra đánh giá, giống như nhận xét học sinh tiểu học vào cuối kỳ.
Khi xem bản đánh giá của Nghiêm Quỳnh (严迥) Lý Lâm Phủ bỗng nhiên sững lại, vì trong đó có hai chữ “杕杜”. Ông ta không nhận ra hai chữ này, cũng không hiểu ý nghĩa của chúng.
Vì không hiểu, Lý Lâm Phủ quay sang hỏi Thị Lang Vi Địch (韦陟): “Vi Thị Lang, ‘杖杜’ có nghĩa là gì?”
Vi Địch nghe vậy tá hỏa, nhưng không dám cười ngay. Vì trong thời cổ đại, làm quan nhất định phải đọc qua "Kinh Thi", "Luận Ngữ", nên việc một vị Tể tướng mà không nhận ra chữ cổ điển như vậy quả là chuyện buồn cười.
Sau một lúc im lặng, Vi Địch mới cúi đầu nói nhỏ: "Bẩm Tể tướng, ngài nhìn nhầm rồi, đây là ‘杕杜’, ý chỉ Nghiêm Quỳnh đơn độc, không có người nâng đỡ."
Lý Lâm Phủ choáng váng, vội vàng chữa cháy: "Bản đánh giá viết không rõ ràng, là ta nhìn nhầm."
Kể từ đó, người đời chế giễu Lý Lâm Phủ bằng cụm từ “Trượng đỗ Tể tướng”, nhằm chê bai ông tài hèn, học vấn nông cạn. Về sau, thường dùng để châm biếm những người không có học thức, nhưng vẫn leo lên vị trí cao nhờ quan hệ.
~杕杜 (đệ đỗ) : là tên một bài thơ trong "Kinh Thi", nguyên nghĩa chỉ cây sơn tra mọc lẻ loi, không có cây nào xung quanh.
~ 杖杜 (trượng đỗ): nghĩa là chống gậy.
*hưu binh mạt mã: mài giũa vũ khí, cho ngựa ăn no.
*ngôn lộ đoạn tuyệt: bịt kín con đường phát biểu ý kiến, ngăn chặn quần thần dâng lời can gián lên vua.
*trượng mã: ý chỉ quan lại bù nhìn.
*‘Tị hiền sơ bãi tướng, nhạc thánh thả hàm bôi.
Vi vấn môn tiền khách, kim triêu kỷ cá lai?’
‘Từ bỏ chức tể tướng, nhường vị trí đó cho bậc hiền tài. Ta vốn yêu rượu như mạng, nay đúng dịp có thể thỏa sức uống cho say.
Thử hỏi những người từng thường đến nhà khi xưa, nay còn mấy ai bằng lòng ghé qua đây?’
*Ẩm trung bát tiên ca (hay bát tiên mê tửu) là bài thơ của Đỗ Phủ viết về 8 người bạn rượu gồm Lý Bạch, Hạ Tri Chương, Lý Thích Chi, Lý Tấn, Thôi Tông Chi, Tô Tấn, Trương Húc và Tiêu Toại.
"Tri chương kỵ mã tự thừa thuyền, nhãn hoa lạc tỉnh thủy để miên."
~Sau khi uống rượu, Hạ Tri Chương cưỡi ngựa, lảo đảo như đang ngồi trên thuyền. Mắt ông mờ dần, vô tình rơi xuống giếng, rồi thản nhiên ngủ ngay dưới đáy giếng. (ông tổ té giếng)
“Tả tướng nhật hưng phí vạn tiền, ẩm như trường kình hấp bách xuyên, hàm bôi nhạc thánh xưng thế hiền.”
~Lý Thích Chi khi nổi hứng thì chẳng tiếc chi hàng vạn tiền, uống rượu như cá voi hút nước trăm con sông, cho rằng vì muốn nhường cho hiền tài nên không màng đến chính sự nữa.
Bình luận truyện