[Dịch] Kiếm Lai - Tàng Thư Viện

Chương 8 : Cỏ dại

Người đăng: fishscreen

Ngày đăng: 14:46 18-03-2021

.
Sau khi Trần Bình An trở về nhà thì mí mắt vẫn luôn giật giật, mắt trái giật tài, mắt phải giật tai. Thế là Trần Bình An ngồi trên bậc cửa, bắt đầu tưởng tượng mình đang nặn phôi, hai tay lơ lửng, rất nhanh thiếu niên giày cỏ đã tiến vào trạng thái quên mình. Thiếu niên cần cù là một chuyện, quan trọng không kém là hành động này có thể chịu đói, cho nên Trần Bình An đã tập thành thói quen có tâm sự là lại nặn phôi. Chuyện nung gốm phải xem ý trời, bởi vì trước khi mở lò không ai biết màu men và hình dạng của một món đồ gốm có như ý muốn hay không, chỉ có thể phó thác cho trời. Nhưng trước khi đốt lò thì nặn phôi chắc chắn rất quan trọng, có điều Trần Bình An bị lão Diêu xem là tư chất kém, đa phần chỉ làm một số việc tay chân như xử lý đất. Hắn cũng chỉ có thể ở bên cạnh cẩn thận quan sát, sau đó tự mình xử lý đất và nặn phôi, tìm cảm giác tay. Nhà sát vách vang lên tiếng đẩy cửa, hóa ra là Tống Tập Tân dẫn theo tỳ nữ Trĩ Khuê trở về từ trường học. Thiếu niên anh tuấn lao tới ung dung nhảy lên tường, ngồi xổm xuống rồi mở bàn tay ra, bên trong là những viên đá lớn bằng móng tay, đủ loại màu sắc như mỡ dê, xanh đậu, ngó sen... Loại đá không đáng tiền này nhiều kích cỡ khác nhau, có thể tìm thấy dễ dàng nơi ghềnh suối của trấn nhỏ. Trong đó được yêu thích nhất là một loại đá đỏ tươi giống như thấm đầy máu gà, Tề tiên sinh ở trường học đã dùng nó điêu khắc một con dấu cho đệ tử Triệu Dao. Tống Tập Tân vừa nhìn thấy đã bị hấp dẫn, nhiều lần muốn dùng thứ khác đổi với tên kia nhưng đối phương nhất quyết không chịu. Tống Tập Tân không dùng nhiều sức ném một viên đá ra, đập vào ngực Trần Bình An, nhưng đối phương vẫn làm thinh. Ném thêm lần nữa, lần này ném trúng trán thiếu niên giày cỏ, nhưng Trần Bình An vẫn lù lù bất động. Tống Tập Tân thấy vậy cũng không ngạc nhiên, một nắm đá bảy tám viên lần lượt ném ra kêu lốp bốp. Tuy Tống Tập Tân cố ý khiến Trần Bình An bị đau phân tâm, nhưng vẫn không ném thẳng vào cánh tay và mười ngón tay của Trần Bình An, bởi vì Tống Tập Tân cảm thấy làm như vậy có thắng cũng không vinh quang. Tống Tập Tân ném đá xong thì phủi phủi tay. Trần Bình An thở ra một hơi dài, cổ tay rung lên, cũng không để ý tới Tống Tập Tân, chỉ cúi đầu suy nghĩ một lúc, năm ngón tay trái làm động tác giống như đang cầm dao khắc. Trong đám thợ lò lâu năm ở trấn nhỏ, ngón nghề Khiêu Đao này cũng không tính là tuyệt kỹ bí truyền của người nào, nhưng bất cứ ai nhìn thấy thủ pháp Khiêu Đao của lão Diêu đều sẽ giơ ngón cái lên. Lão Diêu đã thu mấy đồ đệ nhưng vẫn không thể khiến ông lão thật sự hài lòng, đến khi gặp được Lưu Tiện Dương mới cho rằng đã tìm được người có thể thừa kế chân truyền. Trước kia lúc Lưu Tiện Dương luyện tập, Trần Bình An chỉ cần rãnh rỗi thì sẽ ngồi ở một bên quan sát thật kỹ. Lưu Tiện Dương rất thích sĩ diện, cũng biết ý định của Trần Bình An, cho nên thường dùng khẩu quyết bí truyền của lão Diêu để chấn nhiếp đối phương, chẳng hạn như “muốn dao đi vững thì tay không được cứng, suy cho cùng là tâm ổn.” Nhưng khi Trần Bình An truy hỏi thế nào là tâm ổn thì Lưu Tiện Dương lại lúng túng. Tống Tập Tân nhìn một lát cảm thấy nhàm chán mất hứng, bèn nhảy xuống đầu tường đi vào nhà. Tỳ nữ Trĩ Khuê đứng ở bên kia tường, nếu cô không nhún chân thì vừa khéo lộ ra nửa mặt trên, dù vậy đã thấp thoáng có thể thấy thiếu nữ là một mỹ nhân sau này. Cô suy nghĩ một lúc rồi khẽ nhún gót chân lên, ánh mắt rơi vào chung quanh thiếu niên bần hàn, cuối cùng tìm được hai viên đá mà mình thích nằm dưới đất. Một viên màu sắc đỏ tươi hơn nữa còn sáng long lanh, một viên thì óng ánh trắng như tuyết, đều là thứ mà công tử nhà cô vừa ném đi. Cô do dự một lúc rồi thấp giọng rụt rè nói: - Trần Bình An, ngươi có thể giúp ta nhặt hai viên đá kia lên không, ta rất thích chúng. Trần Bình An chậm rãi ngẩng đầu lên, động tác tay vẫn rất ổn định không hề dừng lại, dùng ánh mắt ra hiệu cho cô chờ một lát. Trĩ Khuê cười duyên dáng như mầm xanh đầu tiên trên cành sau khi vào xuân, trông rất đẹp. Có điều thiếu niên đã cúi đầu nên không nhìn thấy hình ảnh động lòng người này. Khóe miệng cô nhếch lên, cặp mắt sáng lung linh như có một sinh vật rất nhỏ đang thong thả bơi trong đó. Đợi đến khi Trần Bình An ngừng động tác, hỏi cô xem rốt cuộc hai viên đá nào, ánh mắt tỳ nữ Trĩ Khuê liền khôi phục bình thường, vẫn mềm mại giống như đất xuân sau cơn mưa. Trần Bình An theo hướng ngón tay cô chỉ nhặt hai viên đá kia lên, sau đó đi tới bên tường, cô vừa giơ tay thì thiếu niên giày cỏ cũng đã đặt đá lên đầu tường. Cô cầm hai viên đá lên, nắm chặt trong lòng bàn tay. Người có lòng gắng sức tìm kiếm thứ này thì như mò kim đáy biển, mười năm khó gặp. Người hữu duyên cho dù không quan tâm vẫn có được dễ dàng, giống như rác vứt bên đường chỉ xem có hứng nhặt hay không. Trần Bình An cười hỏi: - Không sợ tên mũi thò lò kia đến cửa nhà các người mắng cả buổi sao? Cô không thừa nhận công tử nhà mình trộm đồ của người khác, nhưng dường như cũng không mặt dày phủ nhận sự thật, cho nên chỉ cười mà không nói gì. Có một đôi mẹ con sống ở ngõ Nê Bình, bản lĩnh cãi nhau của hai người là vô địch trong trấn nhỏ, cũng chỉ Tống Tập Tân mới có thể so tài với bọn họ. Trong đó đứa bé rất ngang bướng nghịch ngợm, quanh năm treo hai hàng nước mũi, thích đến ghềnh suối bắt cá nhặt đá. Cá bắt được đều nuôi trong một lu nước lớn, đá thì chất đống bên cạnh lu nước. Tống Tập Tân lại cứ thích trêu chọc cái tên hay sinh sự này, thường tiện tay lấy trộm mấy viên đá, một hai ngày không nhận ra nhưng Tống Tập Tân lại lấy thêm nhiều lần. Một khi thằng nhóc xác nhận bảo bối của mình bị thiếu, sẽ xù lông giống như một con mèo hoang nhỏ bị đạp trúng đuôi, có thể đứng ngoài cửa mắng một canh giờ. Mẹ nó cũng không hề khuyên răn mà còn ra sức châm dầu vào lửa, chuyên môn lôi chuyện Tống Tập Tân là con riêng của quan giám sát tiền nhiệm để chế giễu, nhiều lần khiến Tống Tập Tân giận đến nghiến răng, thiếu chút nữa đã xách ghế ra cửa đánh nhau, tỳ nữ Trĩ Khuê phải khuyên can mãi mới chịu dừng. Bỗng nhiên một giọng nói gay gắt vang lên: - Tống Tập Tân, Tống Tập Tân, mau tới bắt gian, tỳ nữ nhà ngươi đang liếc mắt đưa tình với Trần Bình An này, rõ ràng là cấu kết với nhau rồi! Nếu ngươi không quản tì thiếp nhà ngươi, nói không chừng tối nay cô ta sẽ leo tường đi gõ cửa nhà Trần Bình An đấy! Mau lăn ra đi, chậc chậc chậc, tay của Trần Bình An đã sờ lên mặt cô vợ nhỏ kia rồi, ngươi không thấy Trần Bình An cười gian đến buồn nôn thế nào đâu... Tống Tập Tân vẫn không ló mặt, chỉ ngồi trong nhà hô lên: - Như vậy đã là gì, tối hôm qua ta còn nhìn thấy Trần Bình An lôi lôi kéo kéo mẹ ngươi, sau khi bị ta bắt gặp Trần Bình An mới cố “rút” móng vuốt ra khỏi cổ áo bà ta. Chuyện này cũng phải trách mẹ ngươi, chỗ đó của bà ta đúng là quá đồ sộ đẫy đà, đáng thương cho Trần Bình An mệt đến mồ hôi đầy đầu... Trong ngõ nhỏ có người đạp mạnh vào cửa nhà Tống Tập Tân, tức giận nói: - Tống Tập Tân, ra đây một đấu một! Nếu ngươi thua thì đưa Trĩ Khuê cho ta làm nha hoàn, mỗi ngày đút cơm, trải giường, rửa chân cho ta! Còn nếu ta thua sẽ đưa Trần Bình An cho ngươi làm đầy tớ tạp dịch, thế nào? Xem ngươi có dám hay không, ai không dám thì là con rùa rút đầu! Tống Tập Tân trong nhà uể oải nói: - Cút qua một bên hóng mát đi! Cha ngươi đây đã xem hoàng lịch rồi, hôm nay không thích hợp để đánh con, Cố Xán, xem như ngươi may mắn! Đứa bé bên ngoài nhà ra sức đập cửa: - Trĩ Khuê, cô đi theo một thiếu gia hèn nhát như vậy đúng là ủy khuất, thà theo Lưu Tiện Dương bỏ trốn cho rồi, dù sao ánh mắt của tên to xác ngu ngốc kia nhìn cô giống như muốn ăn tươi nuốt sống vậy. Tỳ nữ Trĩ Khuê xoay người đi vào nhà. Tống Tập Tân trong nhà đang cẩn thận lau chùi một chiếc hồ lô màu xanh lá, đây là đồ cổ không rõ niên đại, cũng là một trong số “gia sản” mà vị Tống đại nhân kia để lại. Ban đầu Tống Tập Tân không hề để ý, sau đó vô tình phát hiện mỗi khi trời mưa dông thì trong hồ lô lại kêu lên ong ong. Nhưng khi Tống Tập Tân mở nắp, bất kể lắc lư thế nào cũng không thấy có vật gì trượt ra, rót nước đổ cát vào trong đến khi đổ ra vẫn là nước và cát, không nhiều hơn hay ít hơn chút nào. Tống Tập Tân thật sự hết cách, cộng thêm có lần bị bà mẹ chua ngoa của Cố Xán ở ngoài cửa mắng ra rả là đồ con hoang có mẹ sinh không có cha nuôi, khiến cho hắn tâm phiền ý loạn, bèn cầm dao chặt vào hồ lô một hồi để xả giận. Kết quả lại khiến thiếu niên nghẹn họng nhìn trân trối, lưỡi dao đã bay nhưng hồ lô vẫn nguyên vẹn không hư hại gì, không lưu lại một chút vết tích nào. Trong một bức thư năm xưa bị Tống Tập Tân đốt có viết: “Vàng bạc từ dinh quan chuyển tới nhà nhỏ đảm bảo cho hai chủ tớ các ngươi không lo cơm áo, lúc rãnh rỗi có thể sưu tầm một ít đồ cổ mà mình thích thú, xem như rèn luyện tính tình. Trấn này tuy nhỏ nhưng ngô khoai có thể dưỡng bụng, sách vở có thể dưỡng đức, cảnh vật có thể dưỡng mắt, tịch mịch có thể dưỡng tâm. Từ hôm nay hãy cố gắng làm việc, còn lại tùy thuộc vào trời, rồng ẩn dưới vực sâu nhất định ngày sau sẽ có phúc đức báo ứng.” Mặc dù Tống Tập Tân oán hận người đàn ông kia, nhưng có tiền không tiêu thì trời đánh thánh đâm. Trong trấn nhỏ nếp sống giản dị này muốn ăn xài phung phí cũng rất khó. Qua nhiều năm như vậy Tống Tập Tân cũng thật sự thích nghề thu gom đồ nát, cả một cái rương lớn sơn đỏ đầy ắp những món đồ chơi linh tinh tương tự như hồ lô màu xanh lá này. Nhưng Tống Tập Tân có một loại trực giác huyền diệu khó giải thích, trong một rương lớn hơn ba mươi món đồ đủ các loại, hồ lô này là thứ quý trọng nhất. Sau đó là một chiếc chuông màu tím rỉ sét, lắc lên rõ ràng nhìn thấy quả chuông đập vào vách, lẽ ra phải có tiếng vang lanh lảnh nhưng thực tế lại im hơi lặng tiếng, khiến Tống Tập Tân vừa sởn tóc gáy vừa lấy làm lạ. Cuối cùng là một bình trà cổ xưa có ghi chữ “Sơn Tiêu” (ma núi). Những đồ vật còn lại thì Tống Tập Tân không thích lắm, không thể gọi là vừa thấy đã yêu. Đứa bé tên là Cố Xán đứng ngoài cửa mắng như tát nước, hơi sức dồi dào. Không lâu sau tiếng mắng chửi chợt im bặt. Tiếp đó Trần Bình An nhìn thấy đứa bé kia đột nhiên đẩy cửa nhà mình ra, vẻ mặt hoàng hốt, sau khi cài then thì ngồi xổm bên cạnh cửa, không ngừng nháy mắt bảo mình cũng ngồi xuống bên cạnh nó. Trần Bình An không rõ nguyên do nhưng vẫn khom lưng chạy đến bên cạnh đứa bé, sau khi ngồi xuống bèn nhẹ giọng hỏi: - Cố Xán, ngươi làm gì vậy? Lại chọc giận mẹ ngươi à? Đứa bé ra sức khịt khịt mũi, thấp giọng nói: - Trần Bình An, ta nói cho ngươi biết, ban nãy ta gặp phải một quái nhân, cái chén trắng trong tay ông ta có thể đổ nước ra ngoài liên tục. Ngươi xem này, cái chén chỉ hơi lớn như vậy, ta tận mắt nhìn thấy ông ta đổ nước đến một canh giờ! Vừa rồi lúc lão đó đi qua đầu ngõ Nê Bình chúng ta hình như đã ngừng lại, không phải là nhìn thấy ta rồi chứ? Thảm rồi, thảm rồi... Đứa bé khoa tay múa chân miêu tả kích cỡ của chén trắng, sau đó vỗ vỗ ngực cảm khái nói: - Thật là dọa chết cha Tống Tập Tân đây rồi. Trần Bình An hỏi: - Ngươi muốn nói tới vị tiên sinh kể chuyện dưới cây hòe kia? Đứa bé ra sức gật đầu: - Đúng vậy, lực tay của lão già cũng không được mấy cân, nhấc ta không nổi, nhưng cái chén nát kia đúng khiếp người, rất khiếp người! Đứa bé đột nhiên nắm lấy cánh tay Trần Bình An: - Trần Bình An, lần này ta thật sự không lừa ngươi! Ta có thể thề, nếu như lừa ngươi thì sẽ khiến Tống Tập Tân chết không yên lành! Trần Bình An giơ một ngón tay lên ra dấu im lặng. Đứa bé lập tức ngậm miệng. Ngoài cửa có tiếng bước chân, từ từ nhấc lên, từ từ hạ xuống. Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Đứa bé vốn không sợ trời không sợ đất ngồi bệt dưới sân, đưa tay lau mặt qua loa, sắc mặt trắng bệch, rất dễ thấy tên mũi thò lò gọi là Cố Xán này đúng là sợ đến gần chết. Đứa bé thình lình hỏi: - Trần Bình An, không phải lão kia đến nhà ta đấy chứ? Giải quyết như thế nào đây? Trần Bình An bất đắc dĩ nói: - Ta theo ngươi về nhà ngươi xem thử? Đứa bé giống như đang chờ câu này của Trần Bình An, đột nhiên đứng dậy, nhưng sau đó lại chán nản ngồi xuống, vẻ mặt như đưa đám nói: - Trần Bình An, chân ta nhũn ra rồi không đi nổi. Trần Bình An đứng lên, khom lưng nắm lấy cổ áo sau của đứa bé, dùng một tay nhấc nó lên, tay kia thì mở then cửa đi ra khỏi sân. Nhà của đứa bé cách đây không xa, chỉ chừng trăm bước. Quả nhiên Cố Xán nhìn thấy ông lão kia đang ở trong sân nhà nó, mẹ nó còn mang cho lão một cái ghế. Vào giây phút này đứa bé cảm thấy như trời sập xuống, cho nên nó quyết định trốn sau lưng Trần Bình An, để tên cao lớn kia đi trước. Trần Bình An cũng không làm đứa bé này thất vọng, không biết vô tình hay cố ý che trước người nó. Khi thằng nhóc nghịch ngợm Cố Xán nắm ống tay áo Trần Bình An, chẳng biết vì sao lập tức tràn đầy khí phách. Ông lão không để ý tới chuyện này, ngồi trên ghế ngẫm nghĩ, cái chén trắng trong tay bỗng nhiên biến mất. Cố Xán lập tức lại nhũn chân, cả người nấp sau lưng Trần Bình An, nơm nớp lo sợ. Ông lão nhìn thôn phụ quê mùa vẻ mặt bình tĩnh khác thường, lại nhìn thiếu niên giày cỏ đang nhíu mày, cuối cùng nói với đứa bé đang co đầu rụt cổ: - Nhóc con, có biết trong lu nước nhà ngươi nuôi thứ gì không? Đứa bé sau lưng Trần Bình An kêu lên: - Còn cái gì nữa chứ, là tôm cua cá do tôi bắt từ suối lên, còn có cá chạch và lươn câu được trong ruộng! Nếu ông thích thì cứ lấy đi, đừng khách sáo... Giọng nói của đứa bé càng lúc càng nhỏ, hiển nhiên là không đủ hơi. Phu nhân vuốt vuốt tóc mai, nhìn Trần Bình An ôn nhu nói: - Bình An. Trần Bình An hiểu ý bà, xoa xoa đầu Cố Xán rồi xoay người rời đi. Sâu trong ánh mắt của phu nhân thoáng hiện lên vẻ hổ thẹn với thiếu niên giày cỏ. Bà ngừng suy nghĩ lung tung, quay đầu hỏi ông lão: - Tiên sư từ xa đến đây là muốn mua hay giành phần cơ duyên này? Ông lão lắc đầu cười nói: - Mua? Ta không mua nổi. Giành? Ta cũng không giành được. Phu nhân cũng lắc đầu: - Trước kia là vậy nhưng sau này chưa chắc. Ông lão vốn thần thái nhàn hạ nghe được lời này lại giống như bị sét đánh, đột nhiên vung tay áo, năm ngón tay bấm như bay. Ông lão thở dài nói: - Sao lại đến nỗi này! Sắc mặt phu nhân lạnh nhạt, cười nhạo nói: - Tiên trưởng cho rằng trấn nhỏ này được mấy người tốt? Ông lão đứng lên, nhìn sâu vào đứa bé đang ngơ ngơ ngác ngác, dường như đã có một quyết định rất lớn, cổ tay nhoáng một cái chén trắng lại hiện lên. Ông lão đi đến bên cạnh lu nước lớn cao bằng nửa người, nhanh chóng múc một chén nước trong lu. Mặc dù phu nhân ra vẻ bình tĩnh nhưng thực chất lòng bàn tay đã đầy mồ hôi. Ông lão ngồi trở lại ghế, vẫy tay với Cố Xán nói: - Nhóc con, qua đây xem thử. Đứa bé nhìn về phía mẹ mình, thấy bà gật đầu ánh mắt đầy khích lệ. Sau khi đứa bé đến gần, ông lão khẽ thổi một hơi vào mặt nước trong chén, làm nổi lên sóng gợn lăn tăn. Ông lão cười nói: - Há miệng. Cùng lúc này ông lão quơ tay một cái, không biết từ chỗ nào trên người đứa bé lấy ra một chiếc lá hòe. Hai ngón tay kẹp hờ chứ không cầm chắc. Đứa bé theo bản năng kêu một tiếng a. Ông lão gập ngón tay búng ra, lá hòe xanh biếc ẩm ướt này đã chui vào trong miệng đứa bé. Đứa bé ngẩn ra tại chỗ, sau đó phát hiện hình như trong miệng mình cũng không có gì khác thường. Ông lão không cho nó cơ hội hỏi thăm, chỉ chỉ vào cái chén trắng trong lòng bàn tay: - Nhìn kỹ xem có thứ gì. Cố Xán trợn to hai mắt tập trung nhìn vào, đầu tiên là nhìn thấy một điểm đen cực nhỏ, sau đó dần dần biến thành một đường đen hơi rõ, cuối cùng từ từ mở rộng, giống như biến thành một con cá chạch nhỏ màu vàng đất, vui sướng lăn lộn trong sóng gợn của mặt nước chén trắng. Đứa bé đầu óc đang rối loạn giống như nhớ ra điều gì, giật mình kêu lên: - Tôi nhớ nó rồi! Là tôi từ chỗ Trần Bình An bên kia... Phu nhân tát vào mặt con trai mình, mặt hầm hầm nói: - Im miệng! Ông lão cũng không bất ngờ về chuyện này, hờ hững nói: - Tu sĩ chúng ta vì chứng trường sinh mà đại nghịch bất đạo, một chút tranh đoạt như vậy chẳng tính là gì. Không cần khẩn trương như vậy, nếu là của con trai ngươi thì chạy không khỏi, nếu không phải là của thiếu niên kia thì cũng không giữ được. Đứa bé tên là Cố Xán này thể trọng không tới bốn mươi cân. Nhưng “căn cốt” của nó lại nặng đến mức khó tưởng tượng. Cho nên lúc trước ông lão cầm chén người có thần thông này phá lệ thi triển bí thuật tổ truyền, sờ xương của nó xem thử cân nặng, dĩ nhiên không nhấc Cố Xán lên được. Đây là điều kiện trước tiên để ông ta thu đồ đệ. Nếu không trẻ con ba tuổi cầm vàng qua chợ, không phải là tự tìm đường chết sao? Ông lão cười vui vẻ nhưng ánh mắt lại lạnh giá, chậm rãi nói: - Đương nhiên dù vốn là của thiếu niên kia thì thế nào? Hôm nay có lão phu tự mình trấn giữ, cũng không còn là của hắn nữa. Đứa bé câm như hến, răng run lập cập. Phu nhân như trút được gánh nặng. Gương mặt của ông lão lại đổi sang hiền lành hòa nhã: - Bé con, cái chén này chứa nước của cả con sông, hôm nay còn nuôi một con giao long nhỏ. Từ giờ trở đi ngươi chính là đệ tử thân truyền của ta. - Lão phu là một vị “Chân Quân”, chỉ thiếu nửa bước là thành tổ sư “khai tông”, tuy là hạ tông... Tóm lại sau này ngươi tự nhiên sẽ hiểu phân lượng của bốn chữ Chân Quân và khai tông. Ông lão cười hả hả nói: - Sẽ còn nặng hơn một chén nước sông này. Đứa bé bỗng khóc lên: - Như vậy không đúng! Nó là của Trần Bình An! Phu nhân thẹn quá hóa giận, lại giơ cao cánh tay muốn giáo huấn đứa con trai ngu ngốc không biết điều này. Ông lão khoát tay cười cười, hời hợt nói: - Có lòng dạ như vậy cũng không hẳn là chuyện xấu. Đứa bé cúi đầu, dùng mu bàn tay lau nước mắt và nước mũi. Phu nhân lặng lẽ nhìn về phía ông lão. Ông lão hiểu ngầm cười, gật đầu một cái. Người trong đồng đạo, tất cả đều không cần phải nói. Sau khi đứa bé ngẩng đầu lên, mẹ nó và sư phụ nửa đường từ trên trời rớt xuống kia đã cười nhàn nhạt. Đứa bé quay đầu sang, thấy lúc Trần Bình An rời đi cũng không quên đóng cửa viện lại. --------- Trấn nhỏ giống như một đồng ruộng vào năm được mùa, đã đến thời kỳ thu hoạch. Nhưng có một số người chỉ là cỏ dại xen lẫn trong đám lúa, người khác nhìn qua một lần thì không nhìn lại lần hai. Chẳng hạn như thiếu niên giày cỏ cô đơn đi trong ngõ Nê Bình.
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
.
Link thảo luận bên forum
 
Trở lên đầu trang