-
-
Tuỳ chỉnh
Font chữ
Palatino
Times
Arial
Georgia
Sau buổi Khang Hy triệu kiến riêng Dận Nhưng, tình hình không hề thay đổi, Dận Nhưng vẫn bị cấm cố, văn võ trong triều đều nhớn nhác, không sao dò đoán được tâm tư hoàng thượng. Cuộc tranh giành giữa các phe phái càng thêm dữ dội, kẻ gắng sức bảo vệ thái tử, kẻ vạch vòi những hành vi xấu của y. Nhốn nha nhốn nháo, đỏ mặt tía tai, hết người này cãi dứt lại người kia xông vào.
Các a ca thì mỗi người phản ứng một kiểu. Từ biên tái về, Thập tam ít vào cung hẳn đi, Nhược Hi hầu như không gặp gã. Tứ a ca dứt khoát cáo bệnh nằm nhà, đóng cửa không ra. Bát a ca cũng không hề đặt chân đến Càn Thanh cung. Cửu a ca và Thập tứ a ca thi thoảng mới xuất hiện, nhưng đến đi đều vội vàng, lại toàn chạm mặt ở chỗ tai vách mạch dừng nên khó có cơ nói chuyện với nhau.
Khang Hy dửng dưng quan sát tất cả, không hé một lời. Có lúc nghỉ ngơi, ông thậm chí còn đàm đạo về trà với Nhược Hi, nào là nước ở đâu thì tốt, trà nào có cái tên thi vị, thơ từ ngâm vịnh về trà của ai là sát thực hơn hết. Trông thái độ ông thư thả như vậy, Nhược Hi và Lý Đức Toàn hầu hạ cũng ung dung hơn, tựa hồ chưa hề xảy ra biến cố gì.
Nhược Hi lặng lẽ theo dõi diễn biến mà khâm phục Khang Hy vô hạn. Lòng ông nung nấu bao nhiêu chuyện, nhưng chẳng ai nhìn mặt ông mà dò đoán được chút gì. Ngược lại, ông cứ lẳng lặng thâu tóm nhất cử nhất động của những người xung quanh.
oOo
Ngày tháng chênh chao như thế đến tận ba mươi Tết. Cựu thái tử Dận Nhưng vẫn bị giam cầm, Đại a ca Dận Nghị cũng bị cấm cố, trong triều ai nấy đều nhấp nhổm vì chiếc ghế thái tử chưa có chủ. Tiệc tất niên dù vẫn háo hức đèn kết hoa giăng, song không giấu nổi những đợt sóng cồn bên dưới. Đúng giao thừa thì Nhược Hi đến lượt trực đêm trong điện, Ngọc Đàn chủ động đề nghị đổi ca, nhưng Nhược Hi vốn không muốn nhìn cảnh tươi tỉnh giả tạo kia, bèn từ chối, bảo cô cứ vui vẻ đi chơi. Vậy là nàng thức trông đèn nến và lò hương trong điện Càn Thanh, một mình một bóng đón năm Khang Hy thứ bốn mươi tám.
oOo
Sáng mùng Một Tết, trời còn tờ mờ, Nhược Hi đã ngồi lặng lẽ bên bàn. Nàng đang đăm đăm dõi ra ngoài song thì Ngọc Đàn đi ngang cửa sổ. Thấy nàng thất thần, cô ái ngại hỏi:
- Tối qua chị trực cả đêm, sao không ngủ đi một lát?
Bấy giờ Nhược Hi mới choàng tỉnh, cười đáp:
- Tôi đi nằm đây! – rồi đóng cửa sổ.
Ngọc Đàn mỉm cười đi ra khỏi cổng.
Nhược Hi vẫn tần ngần bên bàn. Mặt trời ngoài kia cứ ấm dần lên, cảnh trí trong nhà cũng sáng sủa theo, nhưng lòng nàng càng lúc càng trĩu nặng. Nàng úp mặt xuống bàn, nghĩ Vì sao, vì sao còn chưa tới? Chẳng lẽ năm nay chàng quên? Bận việc gì khác nên lỡ hẹn? Hay sau này không bao giờ có nữa?
Nàng đợi từ mờ sương tới lúc đứng bóng, tiểu thái giám đã vào đưa cơm trưa mà vẫn không ai đến. Nhược Hi nhạt mồm nhạt miệng, chẳng buồn ngó ngàng ăn uống, bèn đặt Hệ thống cấm nói bậyg cơm sang một bên, đi lại giường nằm vật ra, giày cũng không buồn cởi. Đàn ông thì có bao nhiêu kiên nhẫn với một người đàn bà đâu? Biết thế nên nàng đã chuẩn bị tâm lý từ lâu, tưởng rằng mình sẽ bình tĩnh đón nhận thời khắc “chàng buông tay, rời xa ta bất cứ lúc nào”. Nhưng hóa ra nàng chỉ “tưởng” thôi, khi sự việc ập đến thật, nàng vẫn chua xót, vẫn mất mát, vẫn khổ đau!
Lòng đang tái tê, chợt nghe có tiếng gõ cộc cộc, Nhược Hi vội chồm dậy, chỉ bằng vài bước chân đã ào ra kéo cửa, nhưng nàng chững ngay lại. Bên ngoài là một tiểu thái giám mặt mũi lạ hoắc. Thấy Nhược Hi ngơ ngác nhìn mình, hắn vội cúi chào, rồi cười tươi:
- Nô tài là Tiểu Thuận Tử, bình thường cũng ít đi lại ở điện Càn Thanh nên cô nương thấy không quen đấy!
Nhược Hi nghe xong, vẫn không nói gì, chỉ chòng chọc nhìn hắn. Tiểu Thuận Tử liếc quanh rồi móc trong ngực áo ra một gói lụa đỏ. Nhược Hi đang thẫn thờ mà cũng không khỏi ngạc nhiên, tại sao lại là gói kìa, nhưng vẫn gắng định thần, đưa tay đón lấy. Thấy nàng nhận rồi, Tiểu Thuận Tử vui vẻ vẩy tay cúi chào rồi nhanh nhảu chạy đi.
Nhược Hi đóng ngay cửa lại, ngồi xuống bên bàn, đợi trấn tĩnh mới mở lớp vải ra.
Bên trong là một sợi dây chuyền.
Nàng cầm lên xem xét. Dây gồm vài sợi bạc cực mảnh cuốn vòng, đan kết với nhau, trông như sóng gợn lăn tăn, mặt dây chuyền là một đóa mộc lan bằng bạch ngọc lóng lánh, trông tinh xảo như hoa thật thu nhỏ, tưởng đâu ghé mũi vào thì sẽ ngửi thấy hương thơm dịu êm. Một ý nghĩ xẹt qua óc, Nhược Hi choáng cả người. Thì ra không phải của “người ấy”, mà là của “người ấy”. Đóa mộc lan lành lạnh như làn môi ai… Một cơn tê buốt thoắt từ lòng bàn tay xộc thẳng vào tim, Nhược Hi ném phắt sợi dây xuống bàn, xạch một tiếng khô khốc, nó rơi đúng vào mảnh lụa đỏ đang mở.
Mảnh lụa đỏ tươi trải ra làm nền, bên trên là làn sóng bạc uốn lượn, yên ả nổi lên một bông mộc lan trắng tinh khôi. Nhược Hi đờ đẫn nhìn, cảm thấy bên tai lại có tiếng thở khe khẽ, trên má lại có đôi môi băng giá vờn qua. Người lạnh toát mà tim thì nóng bừng bừng, nàng bật dậy khỏi ghế, hấp tấp dúm mảnh lụa, mở rương vùi nó xuống tận đáy. Ngón tay vô tình lướt qua ba lá thư cũng bị nhét dưới cùng, nàng trầm ngâm hồi lâu, cuối cùng cầm lòng không đậu, bèn lấy thư ra, đặt trên bàn, im lìm nhìn chúng. Nội dung thư nàng đã thuộc làu, nét chữ màu mực cũng đã in sâu vào tâm tưởng. Trong những đêm đằng đẵng nơi cung điện ngột ngạt cô liêu, nàng từng mở ra nhẩm đọc cho qua bao lần mất ngủ.
Khóe miệng ứa một nụ cười cay đắng, nàng thì thầm tự nhủ: “Sau này không còn nữa rồi!”, và hít một hơi thật sâu, rút bức thư dưới cùng, chầm chậm giở ra:
Cửa đông một khoảnh đất bằng
Cỏ như lư mọc tầng tầng trên đê,
Nhà nàng thì vẫn ngay kia
Mà nàng chẳng biết đi về nơi nao.
Cửa đông cây lật xanh xao
Lớp nhà lớp cửa dưới rào giăng giăng,
Tưởng ta không nhớ nàng chăng
Mà nàng chẳng thấy ngó ngàng đến ta.
Đây là lá thư nhận vào ngày mùng Một Tết năm Khang Hy thứ bốn mươi lăm.
Lá thứ hai:
Bước chân ra khỏi cửa đông,
Ngẩng nhìn gái đẹp má hồng khắp nơi,
Tuy rằng sắc vóc gọi mời
Nhưng ta không chuộng những lời bướm ong,
Đã riêng vương vấn trong lòng
Một người lặng lẽ nhớ mong tháng ngày.
Đang âm thầm đọc, chợt nghe cửa gõ cốc cốc, Nhược Hi vội vơ hết thư lại, vừa hỏi “Ai đấy?” vừa ngó quanh, rồi nhét bừa thư vào chăn.
Bên ngoài đáp: “Nô tài Phương Hợp!” Lòng Nhược Hi như mở nắp lọ ngũ vị hương, chua xót mừng rỡ tuyệt vọng sững sờ chộn rộn, nàng nhất thời đứng ngẩn ra.
Phương Hợp đợi chốc lát, thấy trong nhà không động tĩnh gì, lại gõ gõ, gọi khẽ: “Cô nương!” Bấy giờ Nhược Hi mới bầng tỉnh, vội vã đi mở cửa. Gặp Phương Hợp, nàng không dằn được lòng, hỏi ngay:
- Sao năm nay lại muộn thế?
Phương Hợp mỉm cười đáp nhỏ:
- Bát gia cẩn thận dặn, hôm qua cô nương trực cả đêm trong điện, nên để cô nghỉ, đừng đến sớm quá.
Nhược Hi nghe rồi, lòng càng chứa chan cảm xúc, kìm nén không được, tỏ lộ không xong, cứ nghẹn ngào nơi ngực, nàng lại đứng sững như ngây ngốc. Phương Hợp ngó quanh, đoạn móc một phong thư nhét vào tay Nhược Hi, sau cúi chào rồi đi.
Nhược Hi nắm lá thư, ngồi ở bàn hồi lâu không nhúc nhích, cuối cùng chậm chạp mở thư ra. Vẫn thứ giấy tẩm hương bách hợp loại cực phẩm, vẫn nét chữ viết theo lối tiểu khải, ôn hòa mà cứng cáp:
Trời buông màn tối
Sao vẫn chưa về,
Vì vua chẳng phải
Dầm sương tội gì?
Trời buông màn tối
Sao vẫn chưa về,
Vì vua chẳng phải
Lấm thân tội gì?
Hệt như bị dao chích, Nhược Hi bỗng nghe nhói trong tim, không đừng được phải đưa tay ôm ngực. Nàng sấp mặt xuống bàn, lòng cuộn nổi trăm tơ ngàn mối, ngực tức nghẹn muôn ý vạn lời, nhưng không biết trút vào đâu, chỉ đành hỏi mình, hết lần này tới lần khác: “Sao vẫn chưa về? Tại sao? Sao vẫn chưa về? Tại sao?” Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Sau Tết ít lâu, vừa lúc hoa mai nở, Nhược Hi đứng dưới tán hoa, nhắm mắt, làn hương phảng phất thêm nồng. Rốt cục thì Khang Hy định lúc nào phục chức cho thái tử đây? Đã hơn hai tháng rồi!
Nàng gắng lục lại ký ức, vẫn không nhớ thời gian cụ thể, chỉ mang máng đâu như đầu năm nay. Bây giờ chính bản thân nàng cũng sốt ruột sốt gan, những kẻ không rõ nội tình kia khéo còn thấy ngày dài tựa năm, ngứa ngáy hơn nhiều.
Nhược Hi đương tẩn mẩn nghĩ ngợi, bên tai bỗng vang tiếng Thập a ca:
- Lại thừ người ra rồi!
Nhược Hi mỉm cười mở mắt, quay lại nhìn Thập a ca, thấy đằng sau còn Cửu a ca, Thập tứ a ca và cả Bát a ca – người từ hồi đi tái ngoại về nàng vẫn chưa gặp lần nào. Nàng vội nhún gối thỉnh an. Lúc ngẩng mặt lên, vô tình liếc mắt về phía Bát a ca thì bắt gặp ánh nhìn nửa cười nửa không của chàng, nàng thót tim, lại cúi đầu đứng lặng, không đủ can đảm ngước lên nữa.
Cửu a ca ngó quanh một lượt, thấy bốn bề không có ai khác, bèn nhìn thẳng vào Nhược Hi:
- Hôm nay có chuyện muốn hỏi cô nương.
Nhược Hi thắc mắc nhìn y, không rõ vị chủ nhân rất ít trao đổi với mình này muốn hỏi chuyện gì, nàng lễ phép đáp:
- Xin Cửu gia cứ hỏi!
Mấy a ca đứng bên đều tỏ thái độ khác lạ. Bát a ca nhíu mày nhìn Cửu a ca, Thập a ca ngơ ngác nhìn Cửu a ca, Thập tứ thì ngó Nhược Hi, mắt sáng quắc.
- Hoàng a ma triệu kiến riêng Nhị ca, là bàn chuyện gì vậy?
Nhược Hi ồ một tiếng, thì ra là vì vụ này! Nhưng cũng chả trách, lúc ấy chỉ có nàng và Lý Đức Toàn ở lại trong điện, bất kể mấy vị này có cài cắm ai bên mình Khang Hy thì e rằng cũng không nắm được đầy đủ nội dung cuộc trao đổi, trừ phi họ nạy được miệng Lý Đức Toàn. Nhưng việc đó thì, cũng khó như hái sao trên trời thôi.
Nhược Hi đang định bảo lúc ấy nàng canh ở phòng ngoài, không nghe rõ cụ thể là nói những gì, thì Bát a ca lên tiếng:
- Nhược Hi, em về đi!
Nhược Hi máy môi, nhưng không kịp đáp, vì Thập tứ đã can thiệp:
- Hỏi thì sao? Chỉ có cô ta và Lý Đức Toàn biết, việc này ngoài cô ta ra, chẳng trông vào ai để tìm được câu trả lời cả.
Bát a ca nhìn Thập tứ:
- Phục vụ Hoàng thượng mà dám phao truyền những cuộc hội đàm bí mật của người và thần tử, nhỡ bị phát hiện thì hậu quả ra sao, em đã tính đến chưa?
Càng nói về cuối, giọng chàng càng đanh lại. Thập tứ ngẩn người một lúc, liếc nhanh Nhược Hi rồi dời mắt sang cây hoa mai, không nói năng gì nữa. Thập a ca nghe vậy, vội xua:
- Nhược Hi, cô bận việc gì, mau đi làm việc ấy đi!
Cửu a ca hừ mũi:
- Ở đây có vài người bọn ta, cô ta kín miệng, chúng ta kín miệng, thì ai mà phát hiện được chứ?
Nói đoạn, y lạnh lùng nhìn Nhược Hi. Nhược Hi thấy Bát a ca đã sắt mặt lại, bèn nói ngay, không để chàng lên tiếng lần nữa:
- Lúc ấy nô tỳ có mặt thật, nhưng trực phòng ngoài, Hoàng thượng và Nhị a ca lại ở phòng trong, nô tỳ không nghe rõ.
Nàng dứt lời, Cửu a ca bật cười nhạt, bảo Bát a ca:
- Thấy chưa? Đây là người anh đổ bao nhiêu tâm huyết nhé! Em thà nuôi con chó…
- Cửu đệ! – Bát a ca đanh giọng cắt ngang. Chàng không nhìn Nhược Hi, ánh mắt chỉ chầm chậm lướt qua khuôn mặt từng a ca, cuối cùng dừng lại ở Cửu a ca – Không ai được phép dò hỏi Nhược Hi bất cứ điều gì liên quan đến Hoàng a ma nữa.
Cửu a ca chằm chằm ngó anh trai hồi lâu, vẻ mặt tăm tối, Bát a ca đáp lại y bằng cái nhìn lãnh đạm. Thập tứ lạnh lùng quan sát Nhược Hi, Thập a ca thì hết nhìn Bát lại nhìn Cửu, miệng hết há ra lại ngậm vào, nhưng không thốt được một tiếng.
Cuối cùng, Cửu a ca chuyển ánh mắt sang Nhược Hi, cười khẩy rồi phất tay áo bỏ đi. Thập tứ nhếch mép, lập tức nối gót Cửu a ca. Thập a ca nhìn từ đầu xuống chân Nhược Hi mấy lượt, gãi gãi đầu, xong cũng bước đi nốt.
Bấy giờ Bát a ca mới quay đầu lại mỉm cười, ánh mắt bình thản lướt qua Nhược Hi, và xoay mình chậm rãi cất bước. Nhược Hi đứng lặng, bụng nôn nao, họ không tin là mình không nghe thấy! Ngẩng lên trông bóng dáng Bát a ca đang xa dần, nàng bỗng thấy ớn lạnh, cả chàng cũng không tin! Lòng chua xót, nàng nuốt lệ trở gót đi nhanh về, mới một quãng mà cứ miên man nhớ nụ cười bình thản của chàng, nụ cười ấm áp dưới dương quang, và tiếng cười sảng khoái hiếm khi nghe thấy, những hình ảnh ấy xáo động mãi trong tâm tưởng, khiến nàng không kìm được chua xót, chân bỗng dừng lại. Đứng đó ngẫm nghĩ một hồi, cuối cùng nàng thở dài thườn thượt, tự nhủ, Thôi, thôi! Mấy năm nay ta có làm được gì cho chàng đâu? Bèn quay lại vội vã đuổi theo các a ca.
Nghe tiếng chân chạy, mấy người kia ngoái đầu nhìn. Nhận ra Nhược Hi, Cửu a ca cười nhạt, tiếp tục đi, nhưng Bát, Thập và Thập tứ a ca đều đứng cả lại.
Nhược Hi dừng bước, thở hồng hộc, đưa mắt ngó quanh một vòng. Nàng vừa định lên tiếng, Bát a ca đã nói:
- Ta không nghe đâu, em về đi!
Nhược Hi lắc đầu:
- Dù có muốn tiết lộ cho Bát gia, em cũng chịu, quả tình em không nghe thấy thật.
Mấy a ca đều lộ vẻ thắc mắc. Nhược Hi nghiêng đầu cười bảo Thập a ca:
- Anh đi trước với Cửu gia đi!
Gã ngốt lên:
- Sao lại tách ta ra?
Rồi đưa mắt hỏi ý Bát a ca. Anh gã ôn tồn bảo:
- Đi trước đi!
Thập a ca giận dỗi trừng mắt với Nhược Hi. Nàng nhón bước tới, túm tay áo gã, dịu dàng nói:
- Chỉ muốn tốt cho anh thôi – Thấy gã vẫn không nhúc nhích, nàng vừa cười vừa kéo kéo tay áo gã – Xin anh đấy! Đừng giận mà. Được không? Được không?
Bị Nhược Hi làm nũng, Thập a ca bối rối quá, hằm hằm giật tay áo về, thô lỗ bảo:
- Không đoan trang tí gì! – Rồi quay lưng bỏ đi.
Thấy gã đã thôi tức tối, Nhược Hi lè lưỡi, cười nhìn hai người kia. Bát a ca cũng không còn trầm lặng như ban nãy nữa, khuôn mặt thoáng nét cười, chàng lắc lắc đầu với nàng. Thập tứ liếc anh trai, rồi nhìn Nhược Hi, thở dài thườn thượt. Nhược Hi ngó quanh, hạ giọng khẽ khàng:
- Hoàng thượng rất thương Thái tử gia – Nói đoạn, vẫn giữ nguyên nụ cười, nàng hỏi – Tranh da trâu em mang từ biên giới về tặng chị, chị có thích không? Cả hạt châu cho Xảo Tuệ Đông Vân nữa, các chị ấy có thích không?
Bát a ca cười đáp:
- Ai cũng thích hết.
Nhược Hi tiếp:
- Đêm giao thừa chị vào cung dự tiệc, em lại phải trực, không được gặp. Chị em chẳng có cơ hội nào trò chuyện, đành phiền Bát gia giúp em gửi lời hỏi thăm.
Bát a ca gật đầu, bấy giờ Nhược Hi bèn cúi mình bái chào:
- Nô tỳ xin cáo lui!
Bát a ca khẽ đáp: “Đi đi!” Nhược Hi liền quay gót trở về.
oOo
Mấy hôm nay, nàng cứ băn khoăn trong dạ, lo lắng không yên vì lời nói ra lúc chưa kịp nghĩ kỹ ấy. Nàng gắng đoán xem, câu nói của mình liệu có hiệu quả gì không, liệu có khiến họ bớt ráo riết trong việc tranh đoạt ngôi báu không, hay họ lại áp dụng nhiều biện pháp hơn để công kích thái tử, để giảm bớt sự sủng ái của Hoàng thượng đối với y? Nghĩ đi nghĩ lại vẫn bế tắc, nàng không kìm được tự vấn, câu nói của mình đúng hay sai? Liệu có phản tác dụng?
Đang trên đường về nhà, óc thì luẩn quẩn nghĩ ngợi những điều ấy, Nhược Hi chợt nghe tiếng Thập tam í ới đằng sau. Đi cùng gã là Tứ a ca mà đã lâu nàng không chạm mặt. Từ buổi nói chuyện với Thập tam trong lán xong, xảy ra bao nhiêu việc, nàng vẫn chưa có dịp nào đối diện với chàng. Nay đứng trước mặt Tứ a ca, hai tai nàng nóng bừng, tim đập lạc điệu, tâm trí bỗng lan man đến đôi môi băng giá lướt qua mặt, qua môi, qua tai mình dưới trời đêm thảo nguyên. Nàng bối rối hết sức, chào xong thì hấp tấp định đi.
Thập tam phì cười, giơ tay chặn nàng lại:
- Lâu lắm không gặp, sao cô tỏ ra xa lạ thế?
Nhược Hi đáp:
- Làm gì có, chỉ là tôi đang còn việc bận.
Thập tam lắc đầu vẻ không tin, nhưng vẫn bảo:
- Thế cô đi đi vậy!
Nhược Hi chưa kịp cất bước, Tứ a ca đã cất giọng nhạt nhẽo:
- Ta có việc muốn hỏi.
Nhược Hi như đông cứng, Thập tam cười khẽ, rồi húng hắng ho, cuối cùng nén cười bảo:
- E hèm… em còn tí việc, đi trước nhá!
Nhược Hi vội giơ tay níu gã lại, nhưng gã khéo léo lách mình tránh, vừa cười nho nhỏ vừa liếc nhanh nàng, chân bước thật mau. Nhược Hi rối cả ruột, nghĩ bụng, giải thích thế nào đây? Giải thích thế nào y mới tin? Giải thích thế nào để y đừng thẹn quá hóa giận? Đương khi thấp thỏm thì nghe Tứ a ca thản nhiên hỏi:
- Hôm ấy Hoàng a ma nói gì với Nhị ca?
Trong lòng Nhược Hi, muôn mối bồn chồn tức thì tan biến, rồi thắc mắc không hiểu cảm giác của bản thân là thế nào nữa, thay vì an tâm lại thấy chông chênh hẫng hụt, nàng bất giác tự nhạo, chẳng ngờ mình cũng có ngày ham ăn dưa bở! Trấn tĩnh lại rồi, nàng điềm đạm trả lời:
- Lúc ấy nô tỳ ở ngoài, Hoàng thượng và Nhị a ca ở trong, nô tỳ không biết hai vị nói gì cả.
Tứ a ca liếc quanh, chợt dấn tới mấy bước. Nhược Hi giật lùi, chàng lại tiến theo. Lúc này Nhược Hi đã áp sát vào thân cây rồi, không còn đường lui nữa, đành đứng im trong khoảng cách rất gần, gần đến nỗi nghe được cả hơi thở của chàng. Tứ a ca nhẹ nhàng hỏi:
- Cô còn giận ta chuyện tối hôm nọ phải không?
Nhược Hi lắc đầu, ông không giận tôi là mừng, tôi nào dám để bụng, suy cho cùng cũng tại tôi khiến ông hiểu lầm trước, vả chăng tôi không dám ăn gan hùm mật gấu đâu. Tứ a ca nhìn thẳng vào mắt Nhược Hi, chậm rãi bảo:
- Có lẽ lúc ấy ta hiểu lầm ý cô.
Nhược Hi vội gật đầu lia, thầm nhủ, hiểu ra thì tốt, hiểu ra thì tốt rồi! Nàng chưa kịp bình tâm, lại thấy Tứ a ca vừa nhìn mình vừa mỉm cười uể oải, tức thì gai ốc sởn hết cả lên, châu thân ớn lạnh. Quả nhiên, chàng tủm tỉm tiếp:
- Nhưng ta không hối hận vì đã hôn cô.
Tim đập điên cuồng, Nhược Hi cố trấn tĩnh, gắng đoán xem ý chàng ra sao hầu nghĩ cách ứng phó. Đúng lúc ấy, Tứ a ca đưa tay lên cổ nàng, khẽ khều áo ra, nhòm vào trong. Những ngón tay băng giá sượt qua da khiến Nhược Hi lạnh toát người. Một cử chỉ khinh mạn như thế mà Tứ a ca thực hiện với vẻ rất thẳng thắn, ung dung, như thể đấy là một hành động hết sức đương nhiên giữa hai người bọn họ vậy. Nhược Hi nổi giận, chẳng buồn câu nệ chuyện người này sẽ là Ung Chính tương lai nữa, nàng vung tay hất mạnh tay chàng.
Tứ a ca không lấy làm phật ý, bị hất tay ra thì thu tay về, lui lại mấy bước, giọng đều đều:
- Sao không đeo?
Nhược Hi ngẩn người, rồi hiểu ngay, chàng đang hỏi vì sao nàng không đeo chuỗi dây chàng tặng, bèn ương ngạnh đáp:
- Đang để ở nhà. Lần sau Tứ gia vào cung, nô tỳ sẽ gửi trả.
Tứ a ca nhìn Nhược Hi một lúc lâu, mắt ánh lên lạnh lùng chế giễu. Nhược Hi đã nổi cơn bướng, không buồn tính toán hậu quả nữa, cũng trừng trừng nhìn lại. Tứ a ca bỗng nhếch mép cười:
- Đã nhận rồi thì lý nào mà trả!
Nhược Hi máy môi, toan giải thích lúc ấy mình không biết đấy là quà của Tứ gia nên hiểu lầm, nhưng vừa định nói, lại cảm thấy không xuôi. Giải thích sao đây? Chẳng lẽ bảo, tôi tưởng là quà Bát gia tặng ư? Nàng đành ngậm câm, lòng sầu não vô cùng.
Thấy Nhược Hi ngập ngừng, Tứ a ca chốt một câu:
- Có nhiều việc mình là người khơi ra thật, nhưng kết thúc thế nào thì không do mình quyết định nữa.
Oan ức mà không thanh minh được, giận dữ mà không phát tiết được, Nhược Hi cứ trợn mắt oán hờn. Tứ a ca cười khẩy, điềm tĩnh ngắm nàng chốc lát rồi thôi cười, thản nhiên nói:
- Một ngày kia, em sẽ tự nguyện đeo lên thôi.
Giọng chàng tuy bình thản, nhưng bên trong lại ẩn chứa một thứ sức mạnh không ai lay chuyển nổi. Nhược Hi sực kinh hãi, ta làm gì có cửa thắng mà dám đấu rắn với y? Phải dùng cách khác. Học hành bao nhiêu năm là bỏ đi hay sao, đến cái lẽ dùng mềm thắng cứng, lấy yếu địch mạnh mà cũng không hiểu? Nghĩ vậy, nàng dịu nét mặt.
Im lặng một lúc, Tứ a ca lại hỏi:
- Ừ thì không nghe được cụ thể, nhưng tổng thể thì cũng nắm được tí chút chứ?
Nhược Hi vội tập trung trở lại, ôn hòa đáp:
- Không!
Tứ a ca nín thinh, nhìn thật sâu vào mắt Nhược Hi, khiến trái tim vừa hơi trấn tĩnh của nàng lại trỗi lên thình thịch.
Nhược Hi suy nghĩ rất lung, hôm ấy Lý Đức Toàn cho nàng vào nhà, chẳng lẽ không ngờ sẽ có người đến dò la ở chỗ nàng? Đáp án thật quá rõ ràng, hắn lường trước hết, bởi vậy mới bảo nàng đợi ở ngoài, để ai muốn thám thính cũng chẳng sao cả. Ngoài ra, đây cũng có thể là một bài thử thách của hắn, nếu Nhược Hi là tay trong của các a ca thì nhất định sẽ tìm cách nghe trộm cuộc nói chuyện quan trọng giữa hoàng thượng và thái tử. Nhưng lúc ấy nàng đứng gần cửa, hoàn toàn không xê dịch khỏi vị trí, lại còn vơ vẩn nghĩ đâu đâu. Nếu Lý Đức Toàn cố ý thử thách, thái độ đó của Nhược Hi hẳn đã lọt vào cặp mắt tinh ranh của hắn, và hắn cũng chắc chắn được là không làm gì có khả năng tin tức rò rỉ từ nàng. Suy xét đến đây, Nhược Hi bỗng thấy run sợ, nếu lúc ấy nàng nảy thói tò mò bất chợt mà nghĩ cách nghe trộm, chỉ e…
Nhưng bây giờ không phải lúc phân tích Lý Đức Toàn. Nhược Hi mau chóng lấy lại tự chủ, trước mắt còn phải vượt qua cửa ải Tứ a ca này. Hiển nhiên chàng đã dự định moi ít nhiều thông tin từ miệng nàng. Không phải là không thể cự tuyệt, nhưng chàng là Tứ a ca, là Ung Chính tương lai, nàng có nên gây mâu thuẫn với chàng vì việc này không? Nếu có thì bao nhiêu nhìn trước ngó sau trước giờ biến thành công cốc à?
Tính toán đâu đấy, Nhược Hi ngẩng lên, mỉm cười với Tứ a ca:
- Lúc ấy nô tỳ ở ngoài, chỉ nghe loáng thoáng tiếng khóc của Nhị a ca mà thôi.
Dứt lời, nàng cúi mình xin lui. Tứ a ca hỏi, giọng vẫn đều đều:
- Với anh rể cô, cô cũng nói thế à?
Cái dáng đương cúi của Nhược Hi cứng lại, nàng từ từ đứng thẳng dậy, tươi cười đáp:
- Vâng!
Tứ a ca nhìn nàng bằng ánh mắt không có chút ấm áp nào, Nhược Hi vẫn gắng giữ vẻ mặt rạng rỡ như hoa, dịu dàng nhìn đáp lại. Một lúc lâu sau, Tứ a ca khẽ bảo:
- Cô đi đi!
Nhược Hi bèn mỉm cười hành lễ, rồi thong thả quay mình bước đi. Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Một buổi chiều, Nhược Hi đang thảnh thơi ngồi nhà lật lật sách thì Vương Hỉ nhớn nhác chạy vào, nghiêm túc cúi chào rồi thẳng người dậy, nhưng không nói năng gì, chỉ lặng lẽ đứng đấy. Nhược Hi buông sách xuống, ngờ vực nhìn hắn:
- Có chuyện gì, nói đi!
Vương Hỉ liếc nàng, cúi đầu trầm ngâm một hồi mới đáp:
- Hôm nay trên triều, Vạn tuế gia nổi cơn thịnh nộ.
Nhược Hi giật mình. Vạn tuế gia nổi cơn thịnh nộ cố nhiên là việc ghê gớm, nhưng tại sao tên này phải nhọc công chạy đến đây báo cho mình biết? Nàng định thần, hỏi:
- Vì lẽ gì?
Vương Hi ngẩng đầu liếc nàng rất nhanh, vẻ do dự:
- Hôm nay trên triều, Vạn tuế gia hỏi ý các đại thần về việc lập thái tử. Mấy đại nhân như A Linh A, Ngạc Luân Đại, Khuê Tự, Vương Hồng Tự đều đứng ra bẩm tấu xin lập Bát gia làm thái tử.
Nhược Hi đứng bật dậy, thầm nhủ, Khang Hy vẫn còn tình cảm với thái tử, xử sự như vậy dứt khoát là chọc giận ông rồi, chưa kể các hoàng đế xưa nay đều ghét việc nhi tử ngấm ngầm cấu kết với đại thần, sợ sẽ xuất hiện đảng phái gây rối loạn triều cương và làm lung lay quyền lực của mình. Khang Hy càng không phải ngoại lệ.
Nhược Hi lặng thinh một chốc, rồi hỏi:
- Hoàng thượng bảo sao?
Vương Hỉ hơi ngần ngừ:
- Vạn tuế gia vô cùng giận dữ, bảo…
Hắn ngừng lại, Nhược Hi hít một hơi, xẵng giọng:
- Có sao nói vậy!
- Trước khi bị giam lỏng, Đại a ca từng tuyên bố mai sau sẽ tình nguyện phò tá Bát a ca, nên Vạn tuế gia cho rằng Bát a ca và Đại a ca thông đồng với nhau âm mưu chiếm đoạt ghế thái tử, kết tội Bát a ca ngầm lập bè phái trong triều, còn nói…
Hắn lại dừng, Nhược Hi cồn cào gan ruột, không nhịn được quát lên:
- Tiếp đi!
Chưa thấy Nhược Hi dữ dằn như vậy bao giờ, Vương Hỉ giật nảy mình, vội vã tiếp:
- Nói Bát a ca quen thói mặt nam mô bụng bồ dao găm, nung nấu dã tâm, kéo bè kéo cánh mưu hại Dận Nhưng. Nay việc đã bại lộ, lột hết tước vị, tra xích cổ, giao cho phủ Nghị Chính điều tra – Vương Hỉ tuôn một lèo, thuật lại y lời Khang Hy.
Nhược Hi cảm thấy sống lưng lạnh toát, mắt tối sầm đi, người bủn rủn ngã vật xuống ghế, đầu ong ong, rồi trống rỗng, bên tai văng vẳng liên hồi “tra xích cổ”, “tra xích cổ”… nhưng vẫn chưa thấu triệt hoàn toàn ý nghĩa của nó. Một lúc lâu sau, tâm trí mới từ từ lý giải được, nhưng hiểu ra rồi thì càng thêm chua xót đắng cay, một người tao nhã cao quý như thế, mà bị “xích”!
Thấy Nhược Hi ngồi im trên ghế, người như hóa đá, mãi mà không phản ứng gì, Vương Hỉ gọi thử:
- Chị ơi, chị!
Nhược Hi gắng lấy lại tự chủ, yếu ớt hỏi:
- Về sau thế nào?
- Có mấy a ca đứng ra xin cho Bát gia. Thập tứ a ca quỳ tấu rằng “Bát ca không có tham vọng ấy, thần xin lấy cái chết đảm bảo!”
Vương Hỉ bắt chước đúng giọng của Thập tứ, Nhược Hi gật đầu, ra hiệu cho hắn tiếp tục.
- Nhưng Vạn tuế gia đang tức giận cực điểm, Thập tứ a ca lại phản bác lời người, sau còn nói là sẵn sàng mất mạng để bảo vệ Bát a ca, lấy cái chết để chứng minh cho tấm lòng trong sáng. Sẵn cơn tức giận, Vạn tuế gia rút luôn bội đao của thị vệ định chém Thập tứ a ca.
Nhược Hi “Á” một tiếng kinh sợ, ngó Vương Hỉ. Vương Hỉ cũng nhìn lại nàng, nét hãi hùng chưa tan.
Nhược Hi gắng trấn tĩnh, tự an ủi mình, không sao! Thập tứ còn sống mãi đến khi Càn Long lên ngôi cơ mà. Nàng bảo Vương Hỉ:
- Tiếp đi!
- Lúc ấy Ngũ a ca nhào lên quỳ ôm chân Vạn tuế gia khóc xin, các a ca khác cũng vừa cầu khẩn vừa dập đầu bai bải như tế sao, Vạn tuế gia mới hơi hơi nguôi ngoai.
Vương Hỉ lại ngừng, Nhược Hi thở dài:
- Việc đã đến nước này, còn có thể tồi tệ hơn được ư? Cậu nói đi, đừng úp mở nữa!
Vương Hỉ vội nói:
- Vạn tuế gia tát vào mặt Cửu a ca, rồi hạ lệnh phạt Thập tứ a ca bốn mươi hèo.
Nhược Hi ngồi ngay như khúc gỗ, lâu lắm mới nhớ ra, vội hỏi:
- Còn Thập gia?
- Khi Vạn tuế gia trách mắng Bát a ca, tuy Cửu a ca, Thập a ca và Thập tứ a ca đều quỳ xin tội hộ, nhưng mỗi mình Thập tứ a ca tranh luận với Vạn tuế gia, còn Thập a ca lúc ấy thì quỳ khấu đầu thôi, nên không sao hết, chỉ bị răn là phải về nhà đóng cửa sám hối.
Nhược Hi nín lặng, cảm thấy đầu tặng như đá đeo, không thể nghĩ ngợi gì được, trái tim như bị muôn vàn mũi kim châm chích, lúc trước còn đau, giờ chỉ thấy tê dại.
Vương Hỉ đứng im một lúc lâu, rồi bảo:
- Sư phụ tôi…
Bấy giờ Nhược Hi sực hiểu, Vương Hỉ mất công đến đây kể lể những chuyện này, đều là ý của Lý Đức Toàn. Nàng gắng lấy lại tinh thần:
- Lý an đạt dặn gì?
- Sư phụ tôi bảo hôm nay chị gắng nghỉ ngơi, mai còn phải đi làm, đừng để lỡ việc chính.
- Thế thôi à?
- Thế thôi!
Nhược Hi trầm tư chốc lát, rồi nghiêm nghị bảo Vương Hỉ:
- Cậu về thưa với an đạt, Nhược Hi không nói cảm ơn gì cả.
Vương Hỉ quay mình đi, sắp rời khỏi lại vòng lại:
- Tuy chị gái chị là trắc phúc tấn của Bát a ca, nhưng chị cũng đừng lo quá! Vạn tuế gia coi trọng chị như vậy, nhất định không vì việc này mà bạc đãi chị đâu.
Nhược Hi cảm kích nói:
- Cảm ơn cậu!
Bấy giờ gã thái giám mới đi hẳn.
Còn một mình ngồi lặng, Nhược Hi cảm thấy tim giật thon thót, không có lấy một lúc bình tâm. Nàng cứ tự trấn an, còn may, còn may, chỉ bốn mươi hèo, chỉ bốn mươi hèo mà thôi! Bát a ca cũng không hề hấn gì, chỉ tạm thời bị giam, tạm thời thôi. Nghĩ vậy, nhưng không hiểu sao nước mắt nàng tuôn ròng ròng, không tài nào cầm lại được.
Nàng cứ tự nhủ mãi, mình biết kết quả, nhưng không biết quá trình, thì ra để đến một kết quả đơn giản lại phải trải qua nhiều đau khổ thế này. Trước mắt còn việc gì phát sinh nữa đây? Còn bao nhiêu biến cố nàng không nắm được? Rốt cuộc phải xảy ra bao nhiêu vấn đề thái tử mới trở về vị trí? Nàng khăng khăng không muốn nghĩ tiếp đến những sự biến mười mấy năm về sau, ai ngờ nguyên việc hiện tại cũng đã đủ đớn đau. Mấy lần đứng dậy định chạy ra khỏi nhà đi thăm chàng xem sao, nhưng bước tới cửa, lại biết không thể nào gặp được, nàng giờ là người mà cửa cung cũng khó lòng bước ra. Cảm thấy rối loạn buồn thương, mà không nghĩ được cách gì, không làm được việc gì, chỉ đành ngồi lại ghế mà thôi.
Trời tối dần, Nhược Hi cũng không nhận ra, bởi lòng đã chìm trong tăm tối mất rồi, vậy là nàng cứ ngồi mãi đấy.
Ngọc Đàn về tới nơi, cứ tưởng nhà không có ai, thắp đèn sáng lên mới trông thấy Nhược Hi ngồi câm nín trên ghế, cô giật thót, vội lại gần hỏi:
- Chị ăn cơm chưa?
Nhược Hi gượng lấy lại tự chủ, hít một hơi thật sâu:
- Chưa đâu, còn chị?
- Tôi cũng chưa ăn. Đợi lát nữa cùng ăn luôn thể.
Nhược Hi gật đầu. Ngọc Đàn nhìn nàng, ngập ngừng chốc lát, cuối cùng không kìm được, bèn an ủi:
- Trước giờ chị một lòng một dạ hầu hạ Hoàng thượng, đối nhân xử thế lại khiêm nhường rộng rãi, Hoàng thượng rất coi trọng chị, không để việc bên ngoài liên lụy đến chị đâu. Huống hồ đấy đều là con trai của người, cũng có khi tức giận trách phạt chứ. Mấy hôm nữa người nguôi giận rồi, mọi việc sẽ êm đẹp cả thôi.
Nhược Hi cầm tay Ngọc Đàn lắc lắc, nhưng không nói năng gì. Ba năm nay nàng đổ bao nhiêu công sức và tâm huyết trong cung, kể cũng không phải là vô ích. Lý Đức Toàn cư xử luôn ân cần, việc hôm nay càng chứng tỏ hắn hết sức lưu tâm đến nàng, tỏ ý khích lệ bằng cách gián tiếp cho nàng biết thái độ của Khang Hy. Vương Hỉ, Ngọc Đàn thì rất nhiệt thành, tuy những lời họ nói không phải điều Nhược Hi cần nghe, nhưng dẫu sao cũng làm lòng ấm áp.
oOo
Hôm sau đi làm, Nhược Hi cảm thấy cung nữ thái giám xung quanh đều len lén quan sát mình. Kẻ hí hửng mừng thầm, kẻ săm soi xét nét, kẻ thận trọng dè dặt, kẻ ngậm ngùi cảm thông, còn có kẻ mặt thì bình thản nhưng mắt ánh lên nhọn hoắt. Song thấy Nhược Hi điềm tĩnh như không, cư xử đường hoàng, quan trọng nhất là Lý Đức Toàn đối đãi với nàng vẫn như thường, thì tất cả đều lộ vẻ cân nhắc, không chòng chọc nhìn Nhược Hi nữa
Nhược Hi tự giễu, uy tín lâu nay của nàng tất nhiên được xây đắp nhờ nỗ lực bản thân, nhưng cũng khó tách rời cái ô Bát a ca. Suy cho cùng thì trong triều bây giờ đến Thái tử gia cũng không bì kịp Bát a ca về mặt thế lực. Bề ngoài, thái tử có Tứ a ca và Thập tam a ca ủng hộ, nhưng bên Bát a ca lại có nào là Cửu a ca, Thập a ca và Thập tứ a ca. Ngũ a ca tuy giữ thế trung lập, không tỏ thái độ, nhưng đằng nào y cũng là anh em cùng mẹ với Cửu a ca, mà hai anh em lại rất thân thiết. Còn về các đại thần trong triều thì, bất mãn thái tử gia không ít, ủng hộ Bát a ca khá nhiều.
Trông bề ngoài, ở Khang Hy không còn chút gì là sắc giận hôm qua nữa. Ông giữ vẻ mặt ôn hòa, vẫn phê duyệt tấu chương như mọi ngày, chỉ hiềm khóe mắt đầu mày vương chút mệt mỏi, gặp Nhược Hi cũng không tỏ thái độ gì khác lạ. Nhược Hi thì cần mẫn làm việc như thường. Nàng chẳng ngại bị Khang Hy ghẻ lạnh, bởi vậy tâm trạng rất thanh thản. Thấy nàng điềm đạm thư thái, cử chỉ khoai thai, hết giờ làm Lý Đức Toàn mỉm cười tỏ vẻ tán thưởng:
- Đúng là một người hiểu biết hiếm thấy! Vào tầm tuổi cô, ta chưa đạt được đến mức trọng không kiêu khinh không nản thế này đâu.
Nhược Hi chẳng biết trả lời ra sao, đành cúi đầu tạ ơn an đạt chiếu cố. Lý Đức Toàn không biết nàng dốc sức phục vụ Khang Hy là vì một nguyên do riêng. Nàng vốn dĩ xem nhẹ những ân sủng, mà đã xem nhẹ, thì có gì phải lo lắng.
Mấy hôm nay, Cửu a ca, Thập a ca đều đóng cửa tự kiểm, Thập tứ đi lại khó khăn nên ở nhà dưỡng thương, các a ca khác tuyệt nhiên không lộ diện. Nhược Hi những muốn tìm ai đấy để hỏi thăm, nhưng không gặp được ai, lại không dám hành động bồng bột, dẫu sao thì bây giờ mọi người xung quanh đều mở to mắt giám sát nàng, chẳng may lầm lỗi, hậu quả khó lường. Nhược Hi đành nén âu lo trong lòng, không mảy may để lộ ngoài mặt, song ăn uống kém ngon miệng, lại suy nghĩ lao lung, nên nàng sút cân rất nhanh.
Buổi tối, Nhược Hi đang ngồi thừ người trước ngọn đèn, tự nhủ không biết bây giờ Nhược Lan ra sao, thì chợt nghe có người gõ cốc cốc. Nhược Hi ngẩn ra một lúc rồi mới bừng tỉnh, chậm rãi đứng dậy đi mở cửa. Bên ngoài vắng ngắt, nhưng trên đất đặt một phong thư.
Tim đập dữ dội, Nhược Hi vội nhặt lên rồi khép cửa lại. Nàng tựa lưng vào cửa, hít một hơi thật sâu và hấp tấp mở thư. Nét chữ của Thập tứ a ca “Ổn cả, đừng lo!” Bốn chữ lớn như rồng bay phượng múa, ấn hằn xuống mặt giấy, mực vẫn còn lóng lánh, in cả ra sau. Nhược Hi áp chặt lá thư vào ngực, như muốn để sức mạnh của Thập tứ truyền qua những con chữ thấm vào người nàng. Nàng nhắm mắt, lệ im lìm tuôn xuống, trái tim bao ngày vẫn thấp thỏm giờ mới hơi hơi lắng lại.
Một buổi chiều nọ, Nhược Hi đang sắp xếp bộ đồ trà bên chái sảnh thì Vương Hỉ đi vào, cúi chào nàng và trịnh trọng báo:
- Hôm nay trên triều, Vạn tuế gia đã phục chức thái tử cho Nhị a ca. Quần thần đều chúc mừng, Vạn tuế gia vui vẻ lắm.
Cuối cùng cũng xong, Nhược Hi thầm nghĩ, đoạn cười bảo:
- Thật là việc đáng mừng!
Quan sát nàng chốc lát, Vương Hỉ nói:
- Hoàng thượng phục chức cho thái tử, tâm trạng phấn khởi, lại tuyên bố đợi sách lập thái tử xong, sẽ tấn phong Tam, Tứ, Ngũ a ca làm Thân vương, Thất, Thập, Cửu, Thập nhị, Thập tam, Thập tứ a ca làm Bối tử, khôi phục tước Bối lặc cho Bát a ca.
Nhược Hi nhè nhẹ thở ra, bây giờ mới thật sự cười được. Sau cơn mưa trời lại sáng! Khang Hy chọn cách lập lại thái tử dĩ nhiên là vì cha con nặng tình, nhưng quan trọng hơn có lẽ là do ông ngại thế lực trong triều của Bát a ca. Giữa hai phe phái, ông quyết định chọn thái tử, phe mà ông đích thân dìu dắt, phe mà ông nắm rõ ngọn nguồn lạch sông, phe mà ông hoàn toàn có thể sai khiến được. Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Tháng Tư về với nhân gian, bướm bay én liệng, cỏ trổ hoa tươi, non sông chúm chím, sức sống ngời ngời!
Bắc Kinh thời này vẫn chưa ô nhiễm vì khói bụi, bầu trời xanh ngắt trong trẻo, màu sắc đơn giản nhưng đầy đặn, khác nào một bức thủy họa thanh tân. Gió xoay tròn tung tẩy trên không, thi thoảng có thể nghe tiếng nó cười khúc khích khi đùa trong rừng, giỡn cợt với đám chồi non. Chồi non mới nhú chưa lâu, ánh lên óng mướt dưới nắng, mướt đến mát mắt, mướt đến mức tưởng chừng có thể thắp sáng trái tim người nhìn.
Tháng tư là mùa đinh hương, những bông hoa tím bé xíu với đủ sắc đậm nhạt đơm chi chít đến trĩu cả đầu cành, hương thơm lan tỏa rất xa. Nhược Hi đang cầm giỏ trúc hái hoa. Phơi khô rồi, có thể cho vào thức ăn làm gia vị, không thì đem pha nước tắm rửa, trị ngứa rất tốt. Nhưng hoa đinh hương nhỏ, lại phải chọn lúc nở rộ nhất, loại hết những bông còn he hé hoặc đã gần tàn, mất cả buổi sáng mới được lưng lửng giỏ, Nhược Hi đứng mãi đã thấy ê ẩm cả người, mồ hôi lấm tấm đầy trán.
Nàng đang cầm khăn tay thấm thấm thì thấy Thập a ca và Thập tứ a ca đi đến, bèn cúi mình thỉnh an. Hai người cùng ngó đinh hương trong giỏ, Thập a ca hỏi:
- Việc này mà cũng tự làm à? Bảo bọn tiểu thái giám đi hái là được mà. Mặt cháy nắng hết rồi!
Nhược Hi bật cười:
- Để họ làm, họ chỉ nhồi hoa vào làn thôi, có phân biệt gì hoa tốt hoa xấu. Tôi không yên tâm.
Thập tứ than:
- Mỗi mình cô cầu kỳ thế!
Nhược Hi mỉm cười, không nói gì. Lát sau, thấy hai người không có ý định đi, nàng hỏi:
- Hôm nay các anh nhàn rỗi nhỉ? Định xem tôi hái hoa chăng?
- Chủ ý đến tìm cô mà – Thập a ca nói – Ngọc Đàn bảo cô đi hái đinh hương, bọn ta nghĩ mãi, đoán chỉ ở đây có hoa này thôi.
Thập tứ ngó vạt đinh hương sau lưng Nhược Hi:
- Mấy cây kia là do Hiếu Trang Văn hoàng hậu tự tay trồng đấy.
Nhược Hi “A” một tiếng, không đừng được phải ngoảnh lại nhìn. Đại Ngọc Nhi, mỹ nhân truyền kỳ của thảo nguyên! Tự dưng lòng nàng man mác “người đi theo gió mất rồi, đinh hương vẻ cũ còn cười gió xuân”.
Một lúc thôi xúc cảm, nàng mới hỏi:
- Chủ ý đến tìm tôi? Vì việc gì?
Thập tứ bảo Thập a ca:
- Em nói cấm có sai. Cô ấy quên rồi!
Thập a ca gật đầu:
- Ngày sinh người khác thì nhớ nằm lòng, chỉ xao lãng ngày sinh của mình thôi.
Nhược Hi nghe vậy sực nhớ, ba hôm nữa là sinh nhật nàng. Sinh nhật thứ mười tám của Mã Nhi Thái Nhược Hi, cũng là sinh nhật thứ ba mươi của Trương Tiểu Văn. Kể ra thật trùng hợp vì Nhược Hi và Tiểu Văn lại sinh cùng ngày. Chưa biết chừng sự trùng hợp ấy chính là nguyên nhân khiến nàng về đây.
Lòng bỗng bùi ngùi, Nhược Hi than:
- Có cô gái nào muốn nhớ ngày sinh của mình đâu? Năm qua năm, chỉ để nhắc rằng mình lại già một tuổi.
Thập tứ cười bảo Thập a ca:
- Nghe kìa! Thành ra lỗi của chúng ta.
Thập a ca cũng cười, rồi hỏi:
- Già hay trẻ hẵng mặc kệ nó đấy. Cô có thích món gì đặc biệt không?
- Mua ít đồ lặt vặt cho tôi như mọi năm là được.
- Mấy năm cùng một kiểu không chán à?
- Thứ thật sự muốn thì ngoài tầm tay. Cứ ra ngoài cung mua đồ chơi gì mơi mới hay hay cho tôi là xong.
Nghe đến đây, Thập a ca và Thập tứ đưa mắt nhìn nhau. Rồi Thập tứ chăm chú nhìn Nhược Hi, giọng chân thành:
- Cô cứ nói xem, được hay không tính sau.
Thập a ca cũng trân trân nhìn Nhược Hi. Nàng quay mặt đi, ngẫm nghĩ. Từ ngày vào cung, tuy mỗi dịp tết nhất đều được gặp Nhược Lan, nhưng chỉ thăm hỏi qua loa, không được cùng nàng tâm tình thủ thỉ. Nếu sinh nhật mà có Nhược Lan ở bên thì thực là một món quà tuyệt diệu. Khổ nỗi quy định trong cung rất ngặt nghèo, đâu cho phép chị em nàng tán gẫu chuyện nhà chuyện cửa. Chưa kể so với những người mà gặp gỡ thân nhân còn khó hơn lên trời, Nhược Hi đã là may mắn lắm. Lại nói, sóng gió thái tử mới yên chưa bao lâu, bản thân Bát a ca còn ít xuất hiện trong cung, đến giờ nàng vẫn chưa gặp chàng, hà tất vì một mong ước cá nhân, nàng lại chuốc thêm miệng tiếng người đời cho chàng chứ.
Bởi vậy nàng quay lại mỉm cười:
- Sinh nhật thôi mà, các anh cứ tặng tôi món gì hay hay ấy!
Thập a ca và Thập tứ đều im lặng. Thập tứ đăm đăm nhìn nàng:
- Cô ở trong cung lâu ngày, bắt đầu học được cái thói nói năng lấp lửng rồi, không còn thẳng thắn như xưa nữa.
Nhược Hi nghĩ bụng, hoàng cung là nơi nào? Người xốc nổi đến đâu, vào cung cũng biến thành cẩn thận cả. Nhưng không muốn giải thích, nàng chỉ lấy giọng nghiêm túc bảo Thập tứ:
- Sinh nhật thì có gì mà phải rầm rĩ? Các anh bình an vô sự, mọi người chúng ta đều bình an vô sự, đấy mới là điều quan trọng nhất.
Thập tứ nghe vậy, mặt lộ vẻ tư lự, lẳng lặng nhìn nàng. Thập a ca hình như cũng nhớ lại cơn phong ba vừa qua, sắc diện trầm mặc hẳn đi, đứng yên một bên không nói không rằng.
Từ sau vụ xử phạt, Nhược Hi đã gặp hai người này hai lần, nhưng đôi bên đều giả vờ như chưa từng xảy ra chuyện gì, chỉ chào hỏi đối đáp bình thường, không một lần nhắc đến tai vạ. Hôm nay, vì một câu nói nóng nảy của Nhược Hi, bọn họ lại thành u ám.
Nhược Hi gắng xua đuổi mối thương cảm trong lòng, mỉm cười bảo:
- Các anh không đi thì tôi mặc kệ nhé! Tôi còn phải hái hoa, dạo này đương rảnh rỗi, tranh thủ hái ít nhiều, bằng không lỡ dịp là phải đợi sang năm kia đấy.
Thập a ca cười xòa:
- Thế thì đi thôi, không làm mất thời gian của cô nữa.
Thập tứ vẫn cứ thần người ra, im lìm ngó Nhược Hi mãi, khiến hai người kia phải đưa mắt nhìn nhau. Thập a ca vỗ vai gã hỏi:
- Nghĩ gì em?
Bấy giờ Thập tứ mới bừng tỉnh:
- Không có gì, nhớ lại một bài thơ thôi mà.
Thập a ca giễu:
- Lũ mọt sách các người, bạ lúc nào cũng sợ thiên hạ không biết các người có học. Nhớ bài gì?
Thập tứ tủm tỉm nhìn Nhược Hi, chậm rãi ngâm:
- Khuyên người chớ tiếc áo tơ vàng, Khuyên người hãy tiếc lúc xuân sang, Hoa đương thì hái người mau hái, Chớ đợi hoa phai luống bẽ bàng.
Nhược Hi yên lặng nghe hết, mỉm cười không đáp lại. Thập a ca thì có vẻ động tâm, ngơ ngẩn nhìn Nhược Hi một lúc rồi khe khẽ thở dài. Nhược Hi cúi mình chào cả hai, quay đi tiếp tục hái hoa, không để ý đến bọn họ nữa.
Hai người đi rồi, nụ cười đọng nơi khóe miệng nàng nhạt dần, miệng cảm thấy đắng ngắt. Tuổi của nàng, bất kể cổ đại hay hiện đại, đều đã quá lứa gả chồng. Nàng vừa hái hoa, vừa thầm khấn, tôi không muốn trở thành truyền kỳ, tôi chỉ muốn làm một cô gái bình thường, dẫu từng tổn thương, phải giấu trái tim mình vào nơi sâu kín nhất, song vẫn nuôi hi vọng sẽ có một người sẵn lòng dùng tấm chân tình khêu cái nhụy vàng ẩn dưới lớp lớp cánh hoa ra. Nhưng con người đáng mặt gửi gắm ấy, giờ đang ở đâu? Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Vừa ngắm dung nhan mình trong chiếc gương lăng tiêu, Nhược Hi vừa đưa ngón tay rờ nhẹ qua mặt. Làn da còn mịn màng trắng trẻo, đôi mắt còn trong sáng long lanh, bờ môi còn thắm tươi mơn mởn. Đây vẫn là một khuôn mặt trẻ trung, nhưng trái tim thì già nua rồi, già vì những lắng cặn bi thương.
Hôm nay Nhược Hi không phải đi làm, nàng nên kỷ niệm sinh nhật thế nào nhỉ? Bánh ga tô chăng? Hồi ở Bắc Kinh, năm nào mẹ cũng mua một chiếc bánh cho nàng, sau nàng chuyển đến Thâm Quyến, mẹ lại gửi lời chúc và tình yêu bằng cách nhờ anh trai nàng đặt bánh sinh nhật qua mạng. Nằm sấp mình trên bàn, Nhược Hi không muốn gượng dậy nữa. Bốn năm đã qua, đôi chút hi vọng quay về cũng tiêu tan từ lâu. Xem ra đời này kiếp này nàng đành an phận làm Mã Nhi Thái tiểu thư thôi.
Cứ nghĩ sinh nhật là ngày mẹ sinh hạ mình, lòng lại trào lên nỗi buồn đau khôn cưỡng, Nhược Hi không muốn nhớ nhung ngày này làm gì nữa, bèn đứng dậy vớ bừa một cuốn sách trên giá, ngồi nghiêng trên sập đọc.
Xem bìa da thì là một cuốn Đường thi, nhưng nàng cũng chẳng bận tâm. Lật ngẫu một trang lại đúng vào bài Du tử ngâm của Mạnh Giao, nàng liền ném bẹt cuốn sách xuống bàn, vậy mà lời thơ vẫn vọng vang trong tâm tưởng:
Sợi chỉ nơi tay mẹ, trên áo con đi xa
Lên đường mẹ khâu kỹ, lo nỗi muộn về nhà
Ai bảo lòng tấc cỏ, báo được ánh xuân qua.
Nhược Hi thở dài, ngả mình ra sập, nhắm mắt lại.
Đương lúc thương thân, chợt nghe có tiếng gõ cửa, nàng ngồi bật dậy, sửa sang y phục rồi nói:
- Vào đi!
Một cung nữ lạ mặt tươi tỉnh đẩy cửa đi vào. Nhược Hi ngạc nhiên, vội vã đứng dậy. Cung nữ nọ nhún gối chào:
- Nhược Hi cô nương cát tường! Nô tỳ là Thái Hà, cung nữ hầu hạ Lương chủ tử.
Nhược Hi khẽ “Ồ” một tiếng. Thái Hà tiếp:
- Chủ tử nói vô tình trông thấy mẫu hoa rất đặc biệt trên khăn tay của một cung nữ, hỏi ra mới biết là do cô nương vẽ, nên muốn mời cô qua bên người, giúp họa mấy mẫu hoa.
Nhược Hi tần ngần, rồi đáp: “Được!”
Thái Hà đi trước dẫn đường, Nhược Hi theo sau. Trước nay nàng gặp Lương phi cũng nhiều lần, nhưng đây là lần đầu kể từ ngày vào cung nàng tới chỗ bà ở. Lương phi là mẹ Bát a ca, với nàng còn có quan hệ bắc cầu là Nhược Lan, nhưng chạm mặt Nhược Hi, bà luôn lạnh nhạt, Nhược Hi cũng chỉ cúi mình hành lễ cho phải phép. Trong khi đó, bốn năm nay, thái độ của các nương nương khác đối với nàng mỗi ngày một cải thiện, thoạt đầu lãnh đạm hồ nghi, bây giờ hòa nhã thân ái, bởi dẫu sao thì ngoài Lý Đức Toàn, Nhược Hi cũng là người được Khang Hy tín nhiệm nhất trong số hầu cận. Ngay trong vụ thái tử bị phế, ai cũng tưởng Nhược Hi sẽ bị ảnh hưởng vì là người bên “phe Bát gia”, sau lại thấy Khang Hy vẫn đối xử với nàng như cũ, người trong cung càng thêm vì nể.
Thái Hà vén rèm giúp:
- Cô nương tự vào nhé!
Nhược Hi gật đầu, bước vào nhà. Sảnh giữa vắng tanh, nghe từ chái sảnh có tiếng chuyện trò vẳng sang, nàng bèn bước sang bên ấy. Cung nữ Thái Cầm đứng sau rèm châu trông thấy nàng, vội vén rèm lên. Thái Cầm là nữ quan có phẩm trật cao nhất trong cung Lương phi, lại rất được Lương phi xem trọng. Nhược Hi tới gần, mỉm cười nói khẽ:
- Phiền chị quá!
Thái Cầm mỉm cười đáp lễ, không nói năng gì, chỉ đưa tay mời.
Vào tới nơi, Nhược Hi trông thấy ngay Lương phi đang ngồi nghiêng trên sập. Ngồi chếch bên dưới là Nhược Lan, mình bận cung trang. Nhược Hi xao xuyến cả người, liền nhún gối thỉnh an:
- Lương phi nương nương cát tường! Phúc tấn cát tường!
Lương phi cất tay, cho nàng đứng dậy, điềm đạm bảo:
- Thấy hoa ngươi vẽ ưa nhìn, nên cho người gọi ngươi sang vẽ giúp vài bông.
Nhược Hi cười đáp:
- Nương nương thấy vừa mắt, là vinh hạnh của nô tỳ.
Lương phi sai cung nữ bê cẩm đôn lại cho Nhược Hi ngồi. Nàng vội từ tạ, Lương phi bèn bảo:
- Thế ngươi định lát nữa vừa đứng vừa vẽ hay sao?
Nhược Hi thấy trong nhà ngoài Nhược Lan, Lương phi, cũng chỉ có cung nữ Thái Cầm đang đứng chực bên rèm, bởi vậy bèn vâng lời ngồi xuống, rồi quay về phía Nhược Lan cười, Nhược Lan cũng tủm tỉm đáp lại.
Lương phi liếc hai người:
- Chẳng mấy khi Nhược Lan vào cung, tình cờ sao chị em được gặp nhau.
Bấy giờ, Thái Cầm đã mang giấy bút và mực đến, xếp ngay ngắn trên mặt bàn. Lương phi đứng dậy:
- Nhược Hi, ngươi ở đây vẽ nhé! Nhược Lan, chỉ cho em con biết ta thích kiểu dáng như thế nào.
Hai chị em đứng dậy nghe dặn. Lương phi nói xong thì cùng Thái Cầm đi sang chính sảnh.
Nhược Lan bước tới gần, âu yếm vuốt má Nhược Hi, trách:
- Toàn trò nghịch của em thôi. Hai hôm trước, Bối lặc gia sai người đến dặn chị vào cung thăm hỏi ngạch nương. Chị thắc mắc đầy bụng. Lễ chẳng phải Tết thì không, sao lại muốn chị vào đây kìa? Nhưng nghĩ lại, bảo đúng dịp sinh nhật em còn gì? Nên biết thể nào cũng phải gặp em.
Nhược Hi cười toe, tựa vào người chị, nũng nịu hỏi:
- Lẽ nào chị không muốn gặp?
Nhược Lan cười nụ, không nói năng gì. Hai người lặng lẽ ôm nhau một lúc, rồi Nhược Hi dắt tay chị đến bên bàn, để chị ngồi cạnh. Vẫn cười với chị, nàng vừa cầm bút lên vừa hỏi:
- Nương nương thích hoa gì?
- Hoa gì màu sắc nhã nhặn giản dị ấy.
Nhược Hi gật gật đầu, ngẫm nghĩ rồi vẽ hoa lê, vẽ liền mấy cụm chi chít hoa, nhưng không lá. Nhược Lan im lặng ngồi xem, đợi Nhược Hi xong xuôi hết rồi mới nói:
- Mấy năm trong cung em học được nhiều nhỉ. Lúc đầu chị còn tưởng là viện cớ thôi, nào ngờ vẽ đẹp thật! Chị trông mà cũng thích nữa.
Nhược Hi gác bút:
- Quá dễ, thích bao nhiêu có bấy nhiêu. Lát về em vẽ rồi sẽ nhờ người đưa đến cho chị.
Trong bụng nàng nghĩ, mình học vẽ từ nhỏ, tuy không tài tình, nhưng nắn nót hoa lá cành thì thừa sức, hoàng cung lại chẳng có trò giải trí nào, đành đổ thời gian vào những việc này, nhờ thế càng lúc càng thành thục.
Hai người ngồi yên bên nhau. Nhược Hi hân hoan ngập lòng, tưởng đâu được trở về hồi mới tới phủ Bối lặc, không phải bận tâm gì nhiều, chỉ lo nghĩ xem nên giết thời gian vô vị bằng cách nào, việc quan trọng nhất hằng ngày là nên chơi đùa ra sao. Nàng vừa nghĩ vừa nhoẻn cười, nhẹ ngả đầu vào vai Nhược Lan. Hát hò, đánh nhau, đấu khẩu với lão Thập, bị Thập tứ trêu ghẹo, đá cầu với a hoàn… cảnh xưa lần giở trong tâm trí, ngỡ như chuyện mới hôm qua, vậy mà đã xa cách đến bốn năm. Thì ra mấy năm nay, quãng đời vui vẻ nhất của nàng lại là thời gian ở phủ Bát Bối lặc.
Một lúc sau, Nhược Lan nhẹ nhàng khơi mào:
- Mười tám rồi đấy!
Nhược Hi tiện miệng “Ừm” một tiếng, Nhược Lan đẩy thẳng đầu em dậy, nhìn nàng. Nhược Hi cũng lặng lẽ nhìn lại, Nhược Lan nghiêm túc hỏi:
- Em ở bên Hoàng a ma bốn năm, có dự tính gì rồi? – Nàng liếc mắt về phía rèm, lại khẽ khàng tiếp – Trong lòng em đã có ý trung nhân nào chưa?
Ôi bà chị này! Thật giống mẹ Tiểu Văn quá đi! Thoạt tiên thì sợ nàng thích người ta, sau này lại lo vì sao không bồ bịch. Nhược Hi vừa cảm động, vừa ức chế, nhưng không lộ ra mặt, chỉ cười hì hì:
- Mấy năm trước, chị chẳng bảo em đừng rung động linh tinh đó sao?
Nhược Lan trừng mắt:
- Hồi ấy em sắp nhập cung, ai biết Hoàng a ma chọn em hay muốn ban em cho công tử nhà nào. Rung động cũng vô ích, tội gì tự chuốc ưu phiền? – Nàng ngồi lặng đi chốc lát, rồi tiếp – Nhưng bây giờ em lớn thế này, lại được Hoàng a ma coi trọng, có thể tâu xin cho bản thân trước mặt người. Cũng nên tính toán dài lâu đi, chẳng lẽ định làm cung nữ suốt đời hay sao?
Nhược Hi chỉ cười, không đáp. Nhược Lan cầm tay nàng, nhìn chiếc vòng ngọc ở cổ tay:
- Còn đeo cơ à!
Nhược Hi thót tim, vội rút tay lại. Nhược Lan cũng không phật ý, yên lặng ngẫm nghĩ một lúc:
- Nếu em thật lòng ưa Thập tam đệ, thì bảo Thập tam đến gặp Hoàng a ma mà xin em về – Nàng lưỡng lự – Ngoài ra, chị thấy Thập đệ vẫn thương tưởng em, theo chú ấy cũng không hẳn là không được. Chỉ hiềm Thập phúc tấn…
Nàng ngừng hẳn lại, chợt cười khẽ:
- Nhưng chẳng sợ, với cái tính này, lại còn lo em bị cô ta lấn lướt ư?
Nhược Hi im lặng nghe. Chỉ vì một người đàn ông mà bắt nàng phải sống cùng mái nhà với một người đàn bà khác, rồi đấu đá với cô ta suốt đời? Phải bao nhiêu tình yêu mới đủ để nàng chịu đựng cái giá đó?
Một lát sau, Nhược Lan gợi ý:
- Kể ra, Thập tứ đệ cũng khá thiết tha đến em.
Nhược Hi không nhịn được, phá lên cười:
- Nhiều thế hả chị? Còn nữa không?
Vốn chỉ là một câu đùa, nhưng Nhược Lan đáp lại một cách nghiêm túc:
- Bát gia đối với em cũng rất ân cần.
Nhược Hi tắt cười, ngoảnh mặt đi chỗ khác, gượng gạo bảo:
- Chị cứ nói mãi thế này, hóa ra các a ca đều nồng nhiệt với em cả. Chẳng biết em thành mỡ mèo tự khi nào nữa.
Nhược Lan mỉm cười. Nhược Hi nhìn thẳng ra trước mặt, u uẩn nói:
- Nếu phải lấy ai đó, thì em muốn một người toàn tâm toàn ý với em. Chị hiểu không?
Nhược Lan nín lặng. Nhược Hi ngoảnh mặt lại, nghĩ tới việc Nhược Lan không hề rung động với Bát a ca, nàng dịu dàng hỏi:
- Đừng chỉ bàn chuyện em, mấy năm nay chị sống có ổn không? Tuy có gặp mặt, nhưng chưa được dịp nào hỏi trực tiếp.
Nhược Lan cụp mắt xuống, đăm đăm ngó bông hoa lê Nhược Hi vừa vẽ, bình thản nói:
- Có gì khác được chứ?
Nhược Hi buột miệng:
- Sao không quên đi?
Nhược Lan cứng người, lâu lắm mới lặng lẽ đáp:
- Muốn quên nhưng không quên được.
Nhược Hi hít một hơi thật sâu:
- Vì sao không trân trọng người ở trước mặt mình?
Nhược Lan vụt ngẩng đầu lên, cô em nhìn thẳng vào mắt nàng. Hai người chằm chằm nhìn nhau một lúc, cuối cùng Nhược Lan mỉm cười não nuột, quay mặt đi:
- Chị không hận anh ta, nhưng cũng không thể tha thứ. Nếu anh ta đừng phái người đi dò la, làm sao… phải… chết?
Giọng nàng nghẹn ngào, thanh âm run run, không nói tiếp được nữa. Nhược Hi thở dài, yếu ớt thanh minh:
- Nhưng anh ấy không cố ý.
Thấy chị không tranh cãi, Nhược Hi buồn bã nghĩ, mấy người chúng ta đây thật giống một nùi tơ, không sao gỡ ra được. Ai cũng khăng khăng cố chấp, thà một mình một ý chứ không chịu nghĩ thoáng ra, dẫu cái giá phải trả là nỗi cô đơn suốt kiếp. Nhìn Nhược Lan rất lâu, Nhược Hi lại ngậm ngùi nhấc bút, im lìm vẽ một bụi âu thạch nam nở tưng bừng. Vẽ xong mới cảm thấy nguôi ngoai đôi chút.
Nét bút vừa ráo mực, Thái Cầm cũng vào tới, mỉm cười hỏi:
- Cô nương vẽ xong chưa?
Nhược Hi đáp xong rồi, đưa mẫu hoa cho cô ta xem, rồi cùng Nhược Lan bước sang chính sảnh.
Lương phi đón mẫu hoa, vừa ngắm vừa bảo:
- Đây là hoa lê, nhưng chả mấy người thêu hoa lê lên khăn nhỉ!
Nhược Hi thưa:
- Vốn lấy ý trong Vịnh hoa lê ở cung Hư Linh, bài từ theo điệu Vô tục niệm của Khưu Xứ Cơ.
Lương phi mỉm cười:
- Dáng mạo tao nhã, khí chất thanh cao, tinh thần anh hào, tư dung trác việt. Ta thật không dám nhận đâu – Bà lại đỡ lấy mẫu vẽ kia, xem xét một lúc – Hoa gì đây? Ta chưa trông thấy bao giờ.
Bấy giờ Nhược Hi mới nhớ ra, thầm trách vớ vẩn thật. Ban nãy cứ mải nghĩ hàm ý của âu thạch nam là “cô độc”, bèn vẽ theo dòng cảm xúc mà quên bẵng mất đây là loài hoa mọc ở đồng dã Tô Cách Lan, cũng chẳng buồn cân nhắc Trung Quốc hiện nay có thứ hoa như thế này không nữa. Nàng thần người ra một lúc, mới chậm chạp đáp:
- Đây là một loại đỗ quyên – Thầm nhủ âu thạch nam thuộc họ đỗ quyên thực, kể ra không phải là nói dối – Thông thường sinh trưởng trên vách núi cheo leo nên ít khi bắt gặp. Nô tỳ cũng chỉ ngẫu nhiên trông thấy một lần trên đường từ tây bắc về kinh.
Lương phi gật đầu, ngắm mẫu hoa rồi bảo:
- Có vẻ cô ngạo thoát tục lắm – Bà cười nhìn Nhược Hi – Đúng là một người thông minh khéo léo!
Thấy việc đã ổn thỏa, Nhược Hi bèn bái chào xin lui. Nhược Lan mỉm cười với nàng, Nhược Hi cũng mỉm cười đáp lại, rồi tự mình trở về.
Nàng lẳng lặng đi, không hiểu vô tình hay hữu ý, lại lạc bước tới điện Thái Hòa. Nàng nấp vào góc tường, dõi mắt về phía cửa điện. Đứng mãi, chẳng biết lâu hay chóng, đến lúc tan triều, nàng trông thấy trong đám quan viên lớn nhỏ lục tục đi ra có một bóng dáng quen thuộc đang lững thững bước. Thân hình tiều tụy hẳn đi, nhưng phong thái vẫn ung dung nho nhã, chỉ hiềm cách quá xa nên không trông rõ mặt. Vậy mà nàng vẫn cảm nhận được sắc diện tươi tỉnh, nhưng đôi mắt không hề vương nét cười của chàng.
Đầu óc trống rỗng, Nhược Hi trân trối nhìn chàng đi xuống bậc cấp, lại nhìn chàng băng ngang qua khoảnh sân trước điện, xung quanh còn những người khác đi cùng, nhưng sao trông chàng vẫn cô độc, vẫn lẻ loi đến thế! Nắng giữa trưa tỏa xuống mình chàng, mà không tài nào chạm được tới trái tim. Cũng như âu thạch nam trên đồng hoang Tô Cách Lan, vẻ ngoài rạng rỡ như vậy, song không che đậy được tâm hồn tịch mịch cô liêu.
Bỗng dưng chàng đứng sững lại, ngoái đầu nhìn về phía nàng nấp. Nhược Hi giật mình, vội rụt cổ, dán chặt lưng vào bức tường phía sau, tim đập như trống dồn. Tới lúc không kiềm chế được, nàng len lén thò đầu ra thì chỉ còn thấy bóng chàng. Chàng đang đi xa mãi, dần dần biến mất ngoài đại môn. Như bị thôi thúc, Nhược Hi hấp tấp chạy rảo theo hàng hiên lát đá bạch ngọc. Đám thái giám thị vệ tuy có hơi kinh ngạc, nhưng vì đều biết nàng là ai, nên cũng chỉ nhìn theo mà thôi.
Nhớ ra Thanh triều quy định ngày thường văn võ bá quan ra vào theo cửa ngách bên trái Ngọ môn, còn vương công tôn thất ra vào theo cửa ngách bên phải, Nhược Hi bèn theo đường gần nhất chạy lên nơi cao, nấp sau cột trông xuống, quả nhiên thấy các vương gia và a ca đi qua bên phải. Từ điểm cao này, nàng vẫn chỉ nhìn được mé lưng chàng. Chàng vừa khoan thai bước vừa cười nói với người đi bên cạnh.
Dần dà ra tới Ngọ môn, trước khi bước qua ngưỡng cửa, chàng bỗng đứng lại, quay ra sau, ngẩng đầu ngó lên chỗ nàng đang nấp. Nhược Hi dán sát người, đầu áp lên thân cột, không mảy may nhúc nhích. Một lát sau, khi nàng thò đầu ra, bên dưới đã không còn ai cả, chỉ có nắng quá trưa đổ xuống nền sân, hắt lên chói lòa khiến mắt nàng nhức nhối. Nhược Hi đăm đăm nhìn xuống dưới, lưng áp vào cột, từ từ trượt thấp mình cho đến khi ngồi bệt ra đất.
Nàng vẫn buồn nỗi Nhược Lan khư khư chấp niệm không chịu buông tay, nhưng bản thân nàng thì sao đây? Nếu nàng đừng canh cánh mãi kết cục mai sau, biết dũng cảm lên một chút… Nếu nàng đừng bướng bỉnh, chịu giảm bớt yêu cầu, sẵn lòng chia sẻ chồng chung với những người đàn bà khác… Nếu nàng đơn giản hơn, dễ dàng tin rằng chàng yêu nàng…
Như thế, chẳng phải sẽ tốt hơn ư? Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Hãy nhấn like ở mỗi chương để ủng hộ tinh thần các dịch giả bạn nhé!
Bình luận truyện